Tăng tín dụng để tăng GDP?
Đại biểu đề xuất tăng tổng cầu để đảm bảo tăng trưởng GDP 6,7% năm nay
"Theo tôi, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng có tác dụng nhanh, đó là tăng tổng cầu của nền kinh tế. Cụ thể là tăng khối lượng tiền tệ so với kế hoạch đề ra, tương ứng với việc tăng thêm khoảng 2% tổng dư nợ tín dụng"- đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội, sáng 9/6.
Trong khi Chính phủ quyết tâm giữ chỉ tiêu GDP tăng 6,7% cuả năm nay, nhiều vị đại biểu cho rằng khó có thể đạt được, đại biểu Hà thể hiện sự đồng thuận và ủng hộ quyết tâm của Chính phủ là phải tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, thực hiện nhiều biện pháp để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP cho năm 2017 đạt 6,7% như kế hoạch đề ra. Việc này, theo đại biểu là để tạo điều kiện cần thiết để có thể đạt được tốc độ tăng trường từ 6,5-7% cho cả kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Đại biểu phân tích, hiện tại, với mức tăng trưởng GDP quý 1 năm 2017 chỉ ở mức 5,1% thấp hơn mức 5,5% của cùng kỳ năm ngoái và còn rất xa so với mục tiêu 6,7% của cả năm. Một số chuyên gia nhận định đây là chỉ tiêu bất khả thi, không có cách nào đạt được vì muốn đạt được mục tiêu này thì tăng trưởng các quý còn lại phải trên 7%, nhưng điều này là không thể bởi để tăng trưởng thì phải duy trì được năng suất cao, nhưng năng suất của Việt Nam lại đang đi xuống.
Với quan điểm này, đòi hỏi Chính phủ cần tạo ra đột phá để trong 3 quý cuối năm đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7%/ quý, bảo đảm cả năm đạt 6,7%, đồng thời tạo đà cho năm 2018.
Đồng tình không chạy theo số lượng nhưng theo đại biểu thì cần đặt cả hai mục tiêu số lượng và chất lượng như nhau vì GDP là một trong 4 mục tiêu quan trọng nhất của kinh tế vĩ mô. Nếu năm 2017 vẫn không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% thì hai năm liền không đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng và trong 3 năm còn lại sẽ khó khăn hơn.
Nhìn xa hơn thì nếu trong 20 năm từ 2016 đến 2035 mà nền kinh tế Việt Nam không đạt được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm, để GDP đầu người tăng 6%/năm thì Việt Nam không còn cơ hội thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Do vậy, mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016-2020 là rất quan trọng đối với lộ trình 20 năm tới - bà Hà nhấn mạnh.
Nhắc đến dự báo nếu không có nhân tố mới, GDP năm 2017 chỉ tăng 6,2%, so với mục tiêu tăng 6,7% thì sẽ thiếu hụt 0,5%, đại biểu Hà đặt vấn đề cần xác định các dư địa có khả năng khai thác để có giải pháp tăng thêm 0,5% này nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến các mục tiêu khác của kinh tế vĩ mô như áp lực lạm phát, tăng nợ công, tăng nợ xấu của ngân hàng thương mại.
Cho rằng cần tăng tổng cầu cụ thể là tăng thêm khoảng 2% tổng dư nợ tín dụng, bà Hà quả quyết mức tăng 2% sẽ không gây lạm phát tiền tệ bởi lạm phát cơ bản cho đến nay vẫn diễn biến thuận lợi. Quý 1 năm 2017, lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,66% so với bình quân năm 2016. Ngay cả tình huống năm 2017, CPI tăng bình quân cao hơn 4% so với năm 2016 nhưng dưới 5% cũng chỉ có tác động kích thích tăng trưởng không đáng lo ngại - đại biểu phân tích.
Tuy nhiên, bà Hà lưu ý, kèm theo giải pháp này phải không điều chỉnh tăng giá điện và giá cả các loại dịch vụ công khác như y tế, giáo dục từ nay đến cuối năm.
Giải pháp tiếp theo được vị đại biểu Lào Cai đề cập là kích thích tăng tiêu dùng dân cư và đầu tư tư nhân thông qua các biện pháp mở rộng tín dụng tiêu dùng, tháo gỡ các thủ tục hành chính để thúc đẩy các công trình xây dựng đầu tư tư nhân, nhất là các thủ tục đầu tư xây dựng của doanh nghiệp.
Đặc biệt, phải có các biện pháp giải ngân nhanh, đầu tư công trong năm 2017 bao gồm các dự bán BOT, BT, các dự án hạ tầng giao thông. Nếu hết quý 3 năm 2017 mà giải ngân được 70% vốn đầu tư trong năm thì tác động lan tỏa rất lớn trong quý 4 năm 2017.
Đại biểu cũng nhấn mạnh nút thắt lớn nhất hiện nay vẫn là thủ tục hành chính. "Mặc dù Thủ tướng rất quyết tâm để cải cách nhưng trên thực tế, thủ tục hành chính vẫn là nút thắt kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư, hầu hết các dự án đều phải chờ bộ, ngành có liên quan phê duyệt với thủ tục rất phức tạp làm nản lòng không chỉ nhà đầu tư mà ngay cả chính quyền địa phương. Theo Luật đầu tư, Luật xây dựng mới thì số dự án công trình phải thông qua bộ, ngành nhiều hơn trước đây" - đại biểu phản ánh.
Theo đại biểu Hà, nếu như tháo gỡ được điểm nghẽn về thủ tục hành chính thì sẽ tạo được sức bật trong tăng trưởng.