“Không nên tập trung khai thác dầu và tài nguyên để tăng GDP”
Quốc hội bắt đầu thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, xã hội, thu chi ngân sách
Sáng 9/6, Quốc hội bắt đầu thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, xã hội, thu chi ngân sách.
Điều hành phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết thời gian làm việc sẽ kéo dài đến 18h30 (mọi ngày đều kết thúc lúc 17h - PV) để đại biểu có thời gian phát biểu và các vị bộ trưởng có thời gian giải trình, do đây là nội dung quan trọng, được cử tri rất quan tâm.
Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri cả nước cùng theo dõi.
Bối rối vì kỹ thuật trục trặc
Phó chủ tịch cho biết đã có 80 vị đại biểu đăng ký phát biểu, do trục trặc kỹ thuật nên đại biểu không thể phát biểu tại chỗ như mọi phiên mà được mời lên bục gần đoàn chủ toạ để phát biểu.
Nhưng cũng mất gần 10 phút xôn xao micro trên bục mới có thể hoạt động được.
Đăng đàn đầu tiên, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) chọn ngân sách là vấn đề trọng tâm với nhận xét Chính phủ đang gặp trục trặc về khả năng trả nợ và loay hoay với bài toán chi thường xuyên.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) phân tích sâu về tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo, trong đó có nguyên nhân người đứng đầu một số nơi còn ngại tiếp dân. Ông Hiểu đề nghị coi kết quả xử lý khiếu nại tố cáo là tiêu chí quan trọng trong bổ nhiệm cán bộ.
Đại biểu Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng) nhắc lại điệp khúc buồn được mùa rớt giá, dù có giải cứu như đối với thịt lợn hay dưa hấu cũng chưa làm yên lòng bà con nông dân. “Ở Lâm Đồng có lúc người trồng cà chua bỏ trái chín rục trên cây vì giá quá thấp”, ông Việt nói.
Các ý kiến liền sau đó đề tản mạn khá nhiều vấn đề, từ khó khăn của ngư dân đến phân vân về chỉ tiêu tăng trưởng, liên kết phát triển vùng, Đồng bằng Sông Cửu Long tỷ lệ các cô gái lấy chồng ngoại quốc cao nhất cả nước....
Sau 40 phút, các đại biểu không còn cần lên bục mà có thể đứng tại chỗ để phát biểu như mọi ngày.
Doanh nghiệp khó, lại phải tăng khai thác dầu
Báo cáo của Chính phủ nêu tình hình khá lạc quan về sự phát triển của doanh nghiệp, nhưng đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho biết có nơi chính quyền chưa đồng hành thực sự cùng doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp làm ăn chân chính than phiền là thường xuyên phải tiếp các đoàn thanh tra, phiền hà sách nhiễu, đại biểu này phản ánh.
Cụ thể hơn, vị đại biểu đến từ Bình Phước nêu ví dụ một doanh nghiệp đã bị thiệt hại không nhỏ khi buộc dừng hoạt động dây chuyền sản xuất chỉ vì lý do tự ý thay đổi dây chuyền, cho dù dây chuyền này hiện đại hơn trong xử lý môi trường. Rồi một chủ doanh nghiệp là đại biểu Quốc hội khoá trước cũng than phiền về thanh tra, kiểm tra.
Doanh nghiệp không thể hoạt động tốt, theo đại biểu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, dẫn đến việc phải tăng khai thác vài triệu tấn dầu để tăng GDP.
Đại biểu Tuấn Anh cũng đề nghị không nên tập trung khai thác dầu và tài nguyên để tăng GDP hay tăng nguồn thu từ tiền sử dụng đất, mà hãy coi đó là của để dành cho con cháu mai sau.
Đề nghị Chính phủ phân tích đầy đủ nguyên nhân chủ quan để thấy thấu đáo những hạn chế của nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho biết rất phân vân về chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% của năm 2017. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần giải thích có sức thuyết phục cao về chỉ tiêu này.
Theo đại biểu Phúc, 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp tại báo cáo của Chính phủ chủ yếu tập trung vào phát triển kinh tế, còn những vấn đề xã hội, môi trường, an ninh trật tự cử tri rất quan tâm lại chưa được đề cập nhiều.