14:26 21/01/2021

Nhân tố Covid-19 và con đường đi đến thất cử của ông Trump

Kiều Oanh

Khả quan kinh tế Mỹ trong 3 năm đầu cầm quyền của ông Trump tưởng như đã đảm bảo cho ông một “tấm vé” đi đến nhiệm kỳ thứ hai

Vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump về tư dinh ở ngày 20/1, khi ông Trump hết nhiệm kỳ - Ảnh: Reuters.
Vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump về tư dinh ở ngày 20/1, khi ông Trump hết nhiệm kỳ - Ảnh: Reuters.

Vào ngày 20/1, Tổng thống Donald Trump đã chính thức kết thúc nhiệm kỳ kéo dài 4 năm, nhường lại cương vị nhà lãnh đạo nước Mỹ cho người kế nhiệm là ông Joe Biden. Tình hình khả quan của kinh tế Mỹ trong 3 năm đầu cầm quyền của ông Trump tưởng như đã đảm bảo cho ông một "tấm vé" đi đến nhiệm kỳ thứ hai, nhưng Covid-19 đã thay đổi tất cả.

Chí ít, ông Trump đã từng tin rằng thành tựu kinh tế sẽ giúp ông tái đắc cử. Tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ vào đầu năm 2020, ông tự tin nói với giới tinh hoa toàn cầu tại cuộc hội tụ: "Nước Mỹ đang phát đạt, nước Mỹ đang phồn thịnh. Vâng, nước Mỹ lại đang thắng lợi như chưa từng trước đây".

NHÂN TỐ COVID

Hầu hết các Tổng thống Mỹ đều tái đắc cử. Trước ông Trump, chỉ có hai Tổng thống Mỹ chỉ trúng cử một khóa, là Tổng thống Jimmy Carter và Tổng thống George Bush cha. Đặc biệt, những Tổng thống mà nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tương đối tốt trong nhiệm kỳ đầu tiên thường tái đắc cử khá dễ dàng. Theo tờ Guardian, có lẽ ông Trump đã đặt niềm tin vào một kịch bản như vậy khi ông phát biểu ở Davos.

Vào thời điểm đó, với tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ cuối thập niên 1960, không nhiều người cho rằng ông Biden - ứng cử viên của Đảng Dân chủ - có thể vượt qua ông Trump trong cuộc bầu cử ngày 3/11.

Tình hình kinh tế Mỹ hiện nay, trước ngày nhậm chức của ông Biden, là một bức tranh hoàn toàn trái ngược. Số liệu hàng tuần mới nhất cho thấy người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng thêm 181.000 người so với tuần trước đó, lên 965.000 người, mức cao nhất kể từ tháng 8. Tốc độ lây nhiễm Covid-19 cao kỷ lục trong những tháng mùa đông đã khiến các tiểu bang phải phong tỏa và triển khai các biện pháp hạn chế để chống dịch. Trong bối cảnh đó, nhiều hoạt động kinh tế rơi vào tê liệt, khiến các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ phải cắt giảm bớt nhân viên.

Về phần mình, ông Biden được cử tri nhìn nhận là có nhiều kinh nghiệm cần thiết để chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế mà nước Mỹ đang phải đương đầu. Khi trở thành Phó tổng thống trong chính quyền Tổng thống Barack Obama vào năm 2009, ông Biden đã tham gia vào nỗ lực vực dậy kinh tế từ khủng hoảng tài chính.

Quyết tâm của ông Trump tập trung phát triển kinh tế khiến ông đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của Covid-19, dẫn tới trì hoãn hành động cần thiết để chống đại dịch, Guardian nhận định. Tuy nhiên, virus đã khiến tât cả những nỗ lực kinh tế của ông Trump "đổ sông đổ bể": đến tháng 3/2020, doanh nghiệp Mỹ đóng cửa hàng loạt, tỷ lệ thất nghiệp đe dọa quay trở lại mức của Đại suy thoái 1930, và thị trường chứng khoán Phố Wall lao dốc thảm hại.

Có thể nói, nền kinh tế Mỹ thời ông Trump được chia làm hai giai đoạn rõ rệt: 3 năm đầu là giai đoạn tương đối thành công, và 2020 là một năm tồi tệ. Cho tới khi ông Trump thua ông Biden trong cuộc bầu cử ngày 3/11, kinh tế Mỹ đã phục hồi được phần lớn những mất mát xảy ra ở giai đoạn đầu của đại dịch, nhưng đã quá muộn đối với ông Trump. Gần đây, tình hình kinh tế Mỹ lại xấu đi do sự xuất hiện của làn sóng virus mới, tồi tệ nhất kể từ đầu đại dịch.

THÀNH TỰU KINH TẾ CỦA ÔNG TRUMP

Trong 3 năm đầu cầm quyền của ông Trump, kinh tế Mỹ tăng trưởng bình quân 2,5% mỗi năm, một tốc độ tăng được đánh giá là chắc chắn nhưng chưa thể coi là nổi bật. Dù ông Trump luôn khẳng định sự tăng trưởng này là kết quả từ các chính sách của ông, kinh tế Mỹ thực ra đã có một đà tăng vững vàng kể từ giữa năm 2009 trở đi cho tới hết nhiệm kỳ của ông Obama, với tốc độ tăng bình quân đạt 2,25% mỗi năm. Nếu không tính đến hiệu ứng của việc ông Trump tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, thì tăng trưởng kinh tế Mỹ thời ông Trump, ít nhất đến cuối năm 2019, không có nhiều sự khác biệt so với thời ông Obama. Hiện chưa có số liệu chính thức về tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 của Mỹ, nhưng một số dự báo cho rằng con số sẽ là âm 4,5%.

Tình hình thị trường việc làm ở Mỹ thời ông Trump và ông Obama cũng có một số điểm tương đồng. Thời ông Obama, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm hơn một nửa, đến nỗi Bộ Tài chính Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tin rằng tỷ lệ này không thể giảm thấp hơn trừ phi lạm phát tăng. Ông Trump đã tỏ ra ngoài nghi về quan điểm này, và ông đã đúng. Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm xuống trong nhiệm kỳ của ông, về mức 3,5% vào cuối năm 2019.

Số lượng việc làm mới được tạo ra mỗi năm trong 3 năm đầu cầm quyền của ông Trump có ít hơn đôi chút so với con số tương ứng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama, nhưng thị trường việc làm thắt chặt hơn thời ông Trump đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải trả lương cao hơn và phải tuyển dụng cả những người trước đây khó tìm việc, như người có kỹ năng kém hoặc khuyêt tật. Tỷ lệ thất nghiệp ở người da màu đã có lúc giảm dưới 6% trong nhiệm kỳ của ông Trump, lần đầu tiên kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được ghi nhận vào đầu thập niên 1970.

Thu nhập bình quân thực tế của hộ gia đình ở Mỹ - một thước đo về mức sống - tăng 6.000 USD trong 3 năm đầu nhiệm kỳ của ông Trump. Trong cả một thập kỷ rưỡi trước đó, mức thu nhập chỉ tăng chưa đầy 250 USD.

Nhưng những xu hướng tích cực này đã đột ngột chấm dứt khi đại dịch xuất hiện. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 14,7%, và dù hiện đã giảm về 6,7%, con số này vẫn cao gần như gấp đôi mức trước đại dịch. Hiện nay, số người thất nghiệp ở Mỹ nhiều hơn khoảng 5 triệu người so vơi thời điểm ông Trump nhậm chức.

Tất cả những thay đổi này khiến đặt ra một loạt câu hỏi "giá như". Giá như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa rồi diễn ra sớm hơn một năm thì sao? Giá như cuộc đua vào Nhà Trắng được lùi sang tháng 11/2021 thì sao? Liệu kết quả có gì khác biệt hay không?

Kết quả khá sít sao của cuộc bầu cử là một gợi ý cho thấy cục diện có thể đổi khác nếu diễn ra vào một thời điểm khác. Ông Trump giành 47% số phiếu phổ thông và hoàn toàn có thể có thêm một nhiệm kỳ nữa nếu vài ngàn cử tri khác ở các bang dao động bỏ phiếu cho ông thay vì ông Biden - Guardian nhận định.

Tuy nhiên, ông Trump đã không thể ngăn Covid-19 gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ, và ông cũng không thể trì hoãn ngày bầu cử. Nếu ông Trump thẳng thắn thừa nhận thất bại, người ta có lẽ đã nhìn nhận ông là một vị Tổng thống hoàn toàn có thể thắng trong cuộc bầu cử tháng 11/2020. Ông có thể được xem như một nhà lãnh đạo kém may mắn thay vì một người thất bại.