14:00 23/01/2017

Nhập khẩu sắt thép Việt Nam cao nhất từ trước đến nay

Bạch Dương

Năm qua, Trung Quốc đã bán cho Việt Nam được 11 triệu tấn thép, thu về 4,45 tỷ USD

Nhập khẩu thép qua các năm của Việt Nam (Đơn vị: tỷ USD).<br>
Nhập khẩu thép qua các năm của Việt Nam (Đơn vị: tỷ USD).<br>
Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu xuất nhập khẩu chính thức năm 2016. Theo đó, năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu 18,4 triệu tấn sắt thép, trị giá hơn 8 tỷ USD -  tăng 18,4% về lượng và 7,2% về trị giá so với năm trước 2015.

Ngoài ra, Việt Nam còn chi gần 3 tỷ USD nhập khẩu các sản phẩm từ sắt thép. Như vậy, năm 2016, cả nước đã chi gần 11 tỷ USD nhập khẩu sắt thép các loại.

Trong khi đó, xuất khẩu sắt thép các loại chỉ khiêm tốn ở mức 3,9 tỷ USD đẩy Việt Nam vào thế nhập siêu gần 7 tỷ USD sắt thép các loại.

Theo thống kê, năm 2016, Việt Nam nhập khẩu sắt thép kỷ lục của Việt Nam từ trước đến nay. Năm 2015 Việt Nam nhập khoảng 15,5 triệu tấn, trị giá 7,4 tỷ USD; Năm 2014 nhập khoảng 11,7 triệu tấn, trị giá 7,7 tỷ USD.

Nếu so sánh với thời điểm thị trường bất động sản đóng băng vài năm trước thì lượng nhập khẩu sắt thép tăng gấp đôi.

Sắt thép từ Trung Quốc năm qua ồ ạt vào Việt Nam với gần 11 triệu tấn, trị giá 4,45 tỷ USD, tăng 14,25% về lượng và 7,1% về trị giá so với năm trước. Đây là thị trường nhập khẩu thép lớn nhất của Việt Nam.

Nhật Bản đứng thứ 2 với 2,64 triệu tấn, trị giá 1,19 tỷ USD, tăng 2,2% về lượng và 6,4% về trị giá. Hàn Quốc đạt hơn 1,8 triệu tấn, trị giá gần 1,01 tỷ USD, tăng 3,16% về lượng và giảm 3,37% về trị giá so với với năm trước.

Đặc biệt, nhập khẩu thép năm 2016 đã vượt qua tổng sản xuất thép trong nước. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2016, tổng các loại sản phẩm thép trong nước sản xuất đạt 17,5 triệu tấn, tăng 16,8% so với năm trước. Trong đó, lượng tiêu thụ đạt 15,3 triệu tấn, tăng 23,7% so với năm 2015.

VSA cho biết, năm qua việc xuất khẩu thép khá khó khăn do vấp phải hàng chục vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước Mỹ, Canada, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia,… Tuy vậy, các thị trường nhập khẩu thép lớn nhất của Việt Nam vẫn là Mỹ và ASEAN.

Trao đổi với VnEconomy, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, nhập khẩu sắt thép tăng mạnh chủ yếu từ Trung Quốc cho thấy nhu cầu trong nước rất lớn. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, yêu cầu xây dựng hạ tầng, đô thị luôn ở mức cao. Theo Quy hoạch thép cho đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025 thiếu 20 triệu tấn.

"Thép Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam chủ yếu được sản xuất ở các khu công nghiệp, nhà máy ven biển của Trung Quốc. Nhóm này mới có khả năng cạnh tranh với Việt Nam bởi chi phí vận chuyển bằng đường biển rẻ và thuận tiện. Các dự án thép trong nội địa Trung Quốc không thể cạnh tranh với thép Việt bởi chi phí vận chuyển trên bộ vô cùng đắt đỏ”, ông Hoài khẳng định.

Thép ngoại ồ ạt vào Việt Nam và có nhiều biểu biện gian lận, lách thuế, lẩn trốn thuế tự vệ, 18 doanh nghiệp thép đã kiến nghị Bộ Công Thương, Chính phủ mở rộng phạm vi áp dụng thuế tự vệ thương mại, kiểm soát chặt nhằm ngăn chặn việc chuyển mã để hưởng chênh lệch thuế.

Trước đó, Bộ Công Thương đã ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế tự về lần lượt là 15,4% đối với thép dài và 23,3% đối với phôi thép. Tuy nhiên, thép ngoại đã lẩn trốn bằng cách khai các mã HS khác.