14:19 08/12/2009

Nhật Bản chi 81 tỷ USD cho gói kích cầu mới

Mai Phương

Chính phủ Nhật Bản vừa công bố một gói kích thích kinh tế mới trị giá 7.200 tỷ Yên, tương đương 81 tỷ USD

Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama - Ảnh: Getty Images.
Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama - Ảnh: Getty Images.
Chính phủ Nhật Bản vừa công bố một gói kích thích kinh tế mới trị giá 7.200 tỷ Yên, tương đương 81 tỷ USD. Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và uy tín của Thủ tướng Yukio Hatoyama đang có chiều hướng đi xuống.

Đây là chương trình kích thích kinh tế đầu tiên của Thủ tướng Hatoyama, người vừa nhậm chức hồi tháng 9 vừa qua. Gói kích thích kinh tế tương đương 1,5% GDP của Nhật này đã bị trì hoãn mất một thời gian vì những tranh cãi trong chính phủ liên minh, trong đó phe đối lập muốn đưa ra một gói kích thích có quy mô lớn hơn.

Nội các Nhật cho biết, theo kế hoạch, ông Hatoyama sẽ dành 3.500 tỷ Yên để giúp đỡ những khu vực gặp nhiều khó khăn của Nhật Bản, 600 tỷ Yên để hỗ trợ thị trường việc làm, và 800 tỷ Yên để thúc đẩy các sáng kiến về môi trường…

Giới phân tích tỏ thái độ hoan nghênh đối với gói kích thích kinh tế này. “Đây là một động thái cần thiết. Nếu không, rất có khả năng kinh tế Nhật sẽ lại rơi vào suy thoái. Chính phủ rõ ràng không thể khoanh tay đứng nhìn nền kinh tế ở thế rủi ro vào lúc này”, nhà kinh tế cao cấp Martin Schulz thuộc Viện nghiên cứu Fujitsu có trụ sở tại Tokyo nhận xét.

Kể từ khi lên cầm quyền, Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đã gặp không ít thách thức kinh tế. Nền kinh tế Nhật đã ở trong tình trạng tăng trưởng trì trệ suốt hai thập kỷ qua và hiện đang phải đương đầu với sự suy giảm của giá cả và đồng Yên lên giá.

“Những yếu tố rủi ro hiện nay bao gồm sự sa sút của thị trường việc làm, nhu cầu đình trệ vì áp lực giảm phát, sự gia tăng trong lãi suất dài hạn và những diễn biến trên thị trường tiền tệ. Sự biến động thái quá và bất thường của tỷ giá hối đoái có thể gây tác động bất lợi lớn tới sự phục hồi kinh tế. Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến này”, tuyên bố về gói kích cầu mới của nội các Nhật Bản cho biết.

Các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản đưa ra gói kích cầu mới lần này giữa lúc các quốc gia khác trên thế giới đang cân nhắc công tác “hậu kích cầu”.

Mới tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) thậm chí còn tung ra một chương trình tín dụng trị giá 10.000 tỷ Yên (tương đương hơn 100 tỷ USD) trong nỗ lực kìm hãm tình trạng giảm phát. Theo chương trình này, BoJ sẽ cung cấp cho các ngân hàng thương mại các khoản vay kỳ hạn 3 tháng với lãi suất 0,1%.

Chính phủ Nhật cho biết, họ muốn hạn chế tới mức tối đa việc phát hành trái phiếu mới để có ngân quỹ cho gói kích cầu mới. Một phần ngân quỹ cho chương trình sẽ được rút từ ngân sách thặng dư của chính phủ tiền nhiệm.

Lý do dễ hiểu về việc Chính phủ của ông Hatoyama không muốn phát hành thêm nợ là vì Nhật Bản hiện đang giữ vị trí nước gánh khoản nợ công lớn nhất thế giới, gần gấp đôi so với GDP.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Hirohisa Fujii cho biết, doanh thu từ việc bán trái phiếu chính phủ của nước này trong năm tài khóa hiện tại sẽ lần đầu tiên vượt doanh thu thuế kể từ Chiến tranh Thế giới 2 tới nay.

Theo ông Fujii, năm tài khóa này, Chính phủ Nhật sẽ bán số trái phiếu trị giá 53.500 tỷ Yên, vượt xa mức dự kiến 44.000 tỷ Yên ban đầu. Trong khi đó, doanh thu thuế dự kiến giảm còn 36.900 tỷ Yên, so với mức dự kiến 46.000 tỷ Yên.

Theo số liệu do Bộ Tài chính Nhật công bố ngày 7/12, xuất khẩu của nước này trong tháng 10 đã suy giảm với tốc độ chậm nhất trong vòng 1 năm qua. Tuy nhiên, những thống kê khác cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế Nhật đang chững lại. Sản xuất công nghiệp của nước này trong tháng 10 tăng trưởng chậm nhất trong 8 tháng, tiền lương giảm tháng thứ 17 liên tục, giá tiêu dùng giảm với tốc độ 2,2%...

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hồi tháng 10, kinh tế Nhật có thể suy giảm 5,4% trong năm nay, so với mức dự báo giảm 4,2% dành cho kinh tế khu vực sử dụng đồng Euro và giảm 2,7% đối với kinh tế Mỹ.

Những khó khăn kinh tế chưa được giải quyết là một trong những lý do khiến mức độ ủng hộ của dân chúng Nhật đối với Thủ tướng Hatoyama đang có chiều hướng giảm. Theo tờ Yomiuri, tỷ lệ ủng hộ của ông Hatoyama trong tháng này đã giảm còn 59% từ mức 63% trong tháng trước.

(Theo Bloomberg)