23:49 21/09/2009

Nhật Bản: Hàng giá “bèo” gặp thời

Kiều Oanh

Cách đây chưa lâu, việc mua những quả dưa hấu giá 100 USD và những chiếc túi xách giá 1.000 USD là “chuyện thường ngày” ở Nhật

Xu hướng thắt lưng buộc bụng của người Nhật đang khiến “khoảng hụt giảm phát” trị giá 40.000 tỷ Yên trong nền kinh tế nước này gia tăng thêm - Ảnh: AP.
Xu hướng thắt lưng buộc bụng của người Nhật đang khiến “khoảng hụt giảm phát” trị giá 40.000 tỷ Yên trong nền kinh tế nước này gia tăng thêm - Ảnh: AP.
Cách đây chưa lâu, việc mua những quả dưa hấu giá 100 USD và những chiếc túi xách giá 1.000 USD là “chuyện thường ngày” ở Nhật, đến nỗi, người ta xem Nhật là quốc gia duy nhất trên thế giới nơi hàng hiệu được coi như hàng bình dân.

Thậm chí trong “thập kỷ mất mát” những năm 1990, người tiêu dùng Nhật vẫn thoải mái chi tiêu. Tuy nhiên, lần suy thoái hiện nay đã làm được điều mà những lần suy thoái trước đây không làm được: buộc người Nhật phải tới mua sắm ở những siêu thị có mức giá phải chăng như Wal-Mart.

Trong suốt 7 năm ròng hoạt động tại Nhật thông qua một chi nhánh với cái tên Seiyu, các cửa hiệu của Wal-Mart chưa từng làm ăn có lãi. Tuy nhiên, từ tháng 11/2008 tới nay, doanh số của các cửa hiệu này tháng nào cũng tăng và Seiyu dự kiến, năm nay họ sẽ kiếm được lợi nhuận. Các hãng bán lẻ giá rẻ khác cũng đang liên tục báo tăng doanh số.

Trong khi đó, các hãng bán lẻ cao cấp tại Nhật đang phải chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ của doanh số, có nơi lên tới mức hai con số. Chịu thiệt hại nặng nhất phải kể tới các hãng đồ hiệu.

Doanh số của hãng LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton, thương hiệu túi xách vốn rất được chuộng ở Nhật, đã giảm 20% trong 6 tháng đầu năm 2009 tại thị trường này. Tháng 12 năm ngoái, vì lý do khủng hoảng, Louis Vuitton đã hủy kế hoạch mở một cửa hiệu mới ở Tokyo.

Trước đây, vào các thập niên 1970, 1980, và thậm chí cả ở “thập niên mất mát” 1990, nhiều người Nhật vẫn chịu mua túi Louis Vuitton và khăn choàng Hermes dù phải “nhịn” đi du lịch, hay thậm chí phải chi tiêu hạn hẹp hơn vào chuyên ăn uống.

Thị trường hàng hiệu tại Nhật có doanh số từ 15-20 tỷ USD mỗi năm, nhưng theo hãng nghiên cứu McKinsey & Company, Nhật hiện đang nằm trong số những thị trường hàng hiệu chịu tác động mạnh nhất từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các nhà phân tích, các chuyên gia kinh tế và người tiêu dùng cùng có quan điểm cho rằng, sự thay đổi diễn ra lần này trên thị trường hàng cao cấp Nhật Bản sẽ là không phải là sự thay đổi nhất thời.

Hiện nay, một thế hệ “nghiền” thời trang mới tại Nhật thậm chí không buồn đoái hoài tới các món độ hiệu mà tỏ ra rất hứng thú với các cửa hiệu đồ “secondhand” (hàng đã qua sử dụng) đang mọc lên ở khắp nơi. Số cửa hàng thời trang “secondhand” có tên Hanjiro tại Nhật đã tăng lên mức 19 cửa hàng, từ chỗ chỉ có 1 cửa hàng vào năm 1992.

Không chỉ “xa lánh” những mặt hàng thời trang đắt đỏ, người Nhật thời gian này cũng tiết kiệm chi tiêu cho ăn uống hơn. Tại các siêu thị, doanh thu của những loại rau quả rẻ tiền như đậu, hành, nấm địa phương… đang tăng mạnh. Thay vì mua những trái dưa hấu đắt tiền, người Nhật đang chuyển sang mua loại quả rẻ hơn là chuối, khiến lượng chuối nhập khẩu vào nước này tăng tới mức kỷ lục.

Sự tiết kiệm của người Nhật trong lần suy thoái này còn được thể hiện qua cả những con số thống kê ít ai nghĩ tới như doanh số của những chiếc ô che mưa nắng. Theo Viện Nghiên cứu Dai-Ichi Life, doanh số thị trường ô tại Nhật đang tăng mạnh do nhiều người thà chịu cầm ô đi bộ dưới trời mưa nắng còn hơn là vẫy taxi.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng Toshihiro Nagahama thuộc Dai-Ichi Life, chi tiêu bình quân của một hộ gia đình tại Nhật trong năm 2008 đã giảm 762 USD so với năm 2007, xuống còn 38.475 USD, và còn có khả năng giảm thêm trong năm nay.

Xu hướng thắt lưng buộc bụng của người Nhật đang khiến “khoảng hụt giảm phát” trị giá 40.000 tỷ Yên trong nền kinh tế nước này gia tăng thêm. “Khoảng hụt” này là mức chênh lệch giữa tổng nhu cầu và tổng nguồn cung mà nền kinh tế sản xuất ra.

Do hàng hóa dư thừa, các công ty phải giảm giá hàng bán và sa thải nhân công. Mất việc, người tiêu dùng lại mua ít hàng thêm, giá cả lại bị giảm xuống thêm, từ đó tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn.

Tình trạng ảm đạm của kinh tế Nhật là lý do quan trọng khiến người dân nước này chi tiêu tiết kiệm. Tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này hiện đã lên tới mức kỷ lục 5,7%. Hệ thống lương hưu bị xem là yếu kém và những khoản nợ chính phủ khổng lồ khiến người Nhật lo ngại cho tương lai của mình, và vì thế họ tiết kiệm nhiều hơn chi tiêu.

Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) - đảng thắng cử trong cuộc tổng tuyển cử mới đây tại nước này, đã cam kết sẽ tăng thu nhập cho các hộ gia đình thông qua cắt giảm thuế và trợ cấp cho các hộ gia đình có trẻ em. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học lo ngại rằng, Nhật Bản sẽ khó mà phá được vòng xoáy giảm phát do làn sóng giảm giá để cạnh tranh đang leo thang mạnh ở nước này.

(Theo New York Times)