18:04 21/03/2008

“Nhiều nhà thầu đang có nguy cơ phá sản”

Vũ Trụ - N.Mạnh

Hỏi chuyện ông Vũ Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng, về khó khăn của các nhà thầu trong bối cảnh giá vật liệu tăng vọt

"Một số nhà thầu đã bị lỗ nặng, một số khác đành bỏ thi công, phá hợp đồng chấp nhận bị phạt để tránh nguy cơ phá sản".
"Một số nhà thầu đã bị lỗ nặng, một số khác đành bỏ thi công, phá hợp đồng chấp nhận bị phạt để tránh nguy cơ phá sản".
Hỏi chuyện ông Vũ Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng, về khó khăn của các nhà thầu trong bối cảnh giá vật liệu tăng vọt. 

Giá vật liệu xây dựng tăng cao dẫn tới nguy cơ phá sản của các nhà thầu, tình hình có thực sự nghiêm trọng tới mức như vậy không, thưa ông?

Thời gian qua, đặc biệt là từ những tháng cuối năm 2007, giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng tăng đột ngột và có xu hướng biến động mạnh làm cho chi phí xây dựng tăng từ 1,25 lên 1,40 lần.

Quả thực, với những cú “sốc” lớn về giá cả như vậy, nhiều nhà thầu đang có nguy cơ phá sản bất cứ lúc nào.

Cơn “bão giá” vật liệu xây dựng đã thực sự khiến các nhà thầu “chao đảo”, ông có thể phân tích rõ hơn về sự tác động này?

Trước tình hình căng thẳng này, nhiều dự án, công trình được triển khai thi công bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số nhà thầu đã bị lỗ nặng, một số khác đành bỏ thi công, phá hợp đồng chấp nhận bị phạt để tránh nguy cơ phá sản.

Do trượt giá, nhiều nhà thầu dù đã được lựa chọn nhưng không kí được hợp đồng, có những gói thầu tuy đã ký được hợp đồng và đang triển khai cũng bị ngưng trệ.

Cũng có dự án đang triển khai, đã lên kế hoạch đấu thầu nhưng khi mời thầu thì “vắng như chùa bà đanh” vì gói thầu không được điều chỉnh giá. Nhưng tệ hại hơn, do xây dựng là một trong các ngành chủ lực, nên chắc chắn nền kinh tế quốc dân là bị thiệt thòi lớn nhất. Nguyên nhân bởi các dự án đầu tư công về kết cấu hạ tầng bị đình trệ làm cho nền kinh tế không tiếp nhận nổi dòng vốn FDI, hiệu quả đầu tư bị giảm sút.

Hậu quả tệ hại đó sẽ khiến nhiều nhà thầu kìm hãm tiến độ thi công, bớt xén vật liệu xây dựng làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình?

Phải nói rằng đã xuất hiện hiện tượng đó ở nhiều nơi, nhưng để đảm bảo lợi ích của nhà nước, ngăn chặn hiện tượng vì biến động giá mà để ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án và suy giảm chất lượng công trình và để đảm bảo lợi ích chính đáng của các nhà thầu xây dựng, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã tích cực phản ánh và đề xuất giải pháp khắc phục với Chính phủ và các Bộ ngành.

Trước hết, chúng tôi cũng khuyến cáo các doanh nghiệp hãy vì lương tâm, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm với quốc gia mà giữ vững tiến độ và chất lượng công trình.

Nhưng, để làm được việc đó chỉ có các nhà thầu với năng lực tài chính hùng mạnh, vậy còn các nhà thầu nguồn vốn ít, nhà thầu phụ thì sao?

Đây đang là vấn đề thực sự khó khăn, nhiều nhà thầu lớn họ có đủ năng lực tài chính để bù đắp cho công trình, nhưng sẽ có những nhà thầu nhỏ hơn không có nguồn kinh phí dự phòng rơi vào cảnh phá sản bỏ công trình, tệ hơn nữa là nợ đọng vốn ngân hàng, phá sản.

Nhưng có lẽ cách giải quyết tốt nhất vào thời điểm này, theo như đề xuất của ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam là Chính phủ nên có sự chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư cần tạm ứng tiếp tục để các nhà thầu có vốn kinh doanh và trả nợ ngân hàng.

Nếu vốn tạm ứng được cung cấp, các nhà thầu chính “kìm” vốn không chuyển cho các nhà thầu phụ, giải quyết thế nào, thưa ông?

Công trình nào có nhà thầu phụ thì bên A nên trực tiếp tạm ứng cho thầu phụ nếu qua thầu chính thì chắc chắn sẽ bị giữ lại vì họ cũng đang rất “khát” vốn! Trong tình huống hiện nay thì các nhà thầu phụ và nhà cung ứng vật tư mới là những người bị thiệt thòi nhất vì phải gánh lấy phần rủi ro lớn.

Với cương vị là Chủ tịch hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, tôi cũng đã khuyến cáo các anh em nên đoàn kết, chia sẻ với nhau để vượt qua cảnh “nước sôi lửa bỏng” này.

Được biết, vừa qua Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, cho phép các nhà thầu được điều chỉnh giá và cũng cho phép chuyển đổi hợp đồng trọn gói sang hợp đồng theo đơn giá, ông nhận định như thế nào về sự điều chỉnh này?

Đấy là một điều vô cùng đáng mừng cho các nhà thầu, trên Văn bản số 164 TTg của Chính phủ, sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng đã có Thông tư số 05/2008 TT-BXD ngày 22/2/2008 “Hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng”.

Tuy vậy việc thực hiện như Thủ tướng đã chỉ đạo lại đòi hỏi một thời gian khá dài, khiến tình hình rơi vào cảnh “nước xa không cứu được lửa gần” (như lời ông Phạm Sỹ Liêm nói). Nguyên nhân của sự chậm trễ này vì còn đợi các Bộ và các địa phương hướng dẫn cụ thể; chờ bên A thỏa thuận chuyển đổi hợp đồng, chờ bên A bổ sung vốn; xác định cơ chế giải quyết tranh chấp.

Mặc dù biết quá trình này có thể đòi hỏi thời gian khá dài và phức tạp nhưng thay mặt nhà thầu chúng tôi mong rằng sẽ sớm được giải quyết các thủ tục để có thể vượt qua cơn “bĩ cực” này.