Nhộn nhạo sản xuất thức ăn chăn nuôi
Hàng trăm cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện có quy mô nhỏ, toàn bộ giá trị máy móc chỉ vài chục triệu đồng
Hàng trăm cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện có quy mô nhỏ, toàn bộ giá trị máy móc chỉ vài chục triệu đồng.
Thậm chí, sắm chiếc máy trộn bê tông, máy nghiền, cùng với một nhân công xúc nguyên liệu bằng xẻng cũng đủ thành "dây chuyền" chế biến thức ăn gia súc.
Từ khi các công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, thị trường thức ăn gia súc Việt Nam trở nên sôi động. Các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi nhỏ lẻ theo nhau mọc lên như nấm sau mưa, công nghệ sản xuất và phương thức kinh doanh "học" từ doanh nghiệp nước ngoài được áp dụng "sáng tạo" bằng vô vàn chiêu thức để tranh phần thị trường với các tập đoàn lớn.
Dây chuyền sản xuất quá giản đơn
Chủ nhân của những doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nhỏ lẻ hầu hết đã từng là nhân viên tiếp thị, kỹ thuật của các công ty lớn như: Cagirl, Pro Con Cò, Charoen Pokphand, Japfa Comfeed, Biomin... Sau một thời gian làm việc cho các công ty nước ngoài, tích luỹ được một số kinh nghiệm makering sản phẩm, cùng với vốn kiến thức về kỹ thuật, họ tự thành lập doanh nghiệp riêng.
Ông Vinh - cán bộ của Phòng chăn nuôi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội - người chuyên trách việc cấp đăng ký cho các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi nhỏ cho biết, đã có trên 200 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội được cấp phép hoạt động.
Cách đây 3 năm, hầu hết những cơ sở thức ăn chăn nuôi nhỏ lẻ đều sản xuất thủ công với "dây chuyền" giản đơn, chỉ cần sắm máy nghiền, máy trộn bê tông, với chi phí khoảng 30 triệu đồng, thêm một chiếc máy khâu chuyên đóng bao bì khoảng 500-700 ngàn đồng. Thế mà đủ cho ra sản phẩm, nhãn mác cũng "oách" không kém các tập đoàn nước ngoài, được bày bán bên cạnh những thương hiệu nổi tiếng, trong khi các công ty lớn phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nhập ngoại máy móc.
Nếu đến Pháp Vân (Hà Nội), có thể thấy hàng chục công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi nằm san sát nhau. Chính từ đây, những bao thức ăn chăn nuôi hiệu P.T, Đ.N, H.Q... được những cỗ máy siêu mini, công suất chỉ vài tấn/ngày, đều đặn cho "xuất xưởng".
Ngay cả khu nhà xưởng mang tên Đ.L ở Hoài Đức (Hà Tây) có hệ thống máy móc được coi là hiện đại trong giới sản xuất thức ăn chăn nuôi nhỏ, cũng chỉ gồm lò rang sấy đậu tương đốt bằng bếp than tổ ong, máy nghiền chạy bằng dầu diezen, và máy trộn có công suất 300 kg/mẻ trộn. "Nhà máy" này do 5 chủ công ty chung vốn đầu tư.
Nếu như các công ty nước ngoài nắm giữ những bí quyết công nghệ được nghiên cứu qua hàng chục năm, cùng với hệ thống kiểm nghiệm luôn song hành cùng quy trình sản xuất, thì các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không cần bí quyết công nghệ gì hết. Họ thuê chuyên gia dinh dưỡng lập công thức phối chế sản phẩm. Một số cán bộ của Viện Chăn nuôi, nhiều chuyên gia dinh dưỡng làm việc tại các tập đoàn nước ngoài đang kiếm thêm thu nhập nhờ nghề lập công thức cho các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi nhỏ.
Với dây chuyền sản xuất đơn giản và thủ công như vậy, liệu có đảm bảo chất lượng sản phẩm? Ông Đỗ Lân, một trong số các chuyên gia thức ăn chăn nuôi uy tín, người đang được hàng chục cơ sở sản xuất thức ăn gia súc thuê lập công thức, cho biết: "Nếu các nhà sản xuất tuân thủ đúng công thức phối chế, chất lượng sẽ đảm bảo. Sản phẩm của các công ty thức ăn chăn nuôi nhỏ đang chiếm giữ thị phần đáng kể, dám cạnh tranh cùng các tập đoàn lớn, bởi sản phẩm của họ đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của một số đối tượng khách hàng".
Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nhỏ có nhiều phương thức để cạnh tranh với các công ty lớn: cho nợ tiền, vận chuyển hàng đến tận kho của đại lý, trả chiết khấu cao cho đại lý... Thậm chí, họ sản xuất theo giá mua hàng do đại lý đặt ra, khách hàng cần loại sản phẩm giá rẻ chỉ bằng nửa so với sản phẩm của công ty nước ngoài, họ cũng đáp ứng được. Dĩ nhiên, "tiền nào của nấy", giá thấp thì chất lượng không thể đảm bảo được.
Anh T, người được coi là có thâm niên dày dặn trong nghề chế biến thức ăn chăn nuôi tại cơ sở sản xuất Đ.L (Hoài Đức, Hà Tây), đã "bật mí": "Thành phần dinh dưỡng của thức ăn chăn nuôi không quan trọng, chế biến thế nào cũng xong, miễn là giá thành rẻ. Bí quyết công nghệ là trong sản phẩm thức ăn chăn nuôi phải có chất VLHH, tác dụng làm cho gia súc ngủ nhiều, hồng da, lông mượt. Chỉ cần sử dụng sau một tuần, người chăn nuôi đã thấy ngay hiệu quả: lợn hồng hào, lông da bóng mượt".
Khi được cật vấn: "Liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi với hàm lượng dinh dưỡng thấp, không đạt tiêu chuẩn chất lượng như vậy có vi phạm pháp luật?", anh T. khẳng định: "Chúng tôi không vi phạm mà chỉ lách luật thôi".
Trước kia, sản phẩm thức ăn chăn nuôi phải đăng ký chất lượng với Cục Đo lường chất lượng, tuân thủ triệt để quy định về chất lượng do Cục Đo lượng chất lượng đề ra. Mỗi lô hàng sản xuất phải lưu mẫu gửi về Cục Đo lượng chất lượng để kiểm tra giám sát.
Nhưng từ năm 2000 trở đi, cơ chế thông thoáng hơn nhiều. doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi chỉ cần công bố sản phẩm với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiêu chuẩn chất lượng do cơ sở sản xuất tự đề ra. Các doanh nghiệp thường công bố sản phẩm với hàm lượng dinh dưỡng thấp. Sản phẩm sản xuất ra không kém chất lượng tiêu chuẩn mà họ công bố, vì vậy luôn đúng pháp luật.
Mặt khác, nhà sản xuất dùng "mẹo" đánh đồng giữa năng lượng thô và năng lượng trao đổi, thường đưa những nguyên liệu có chứa nhiều đạm và năng lượng thô ít giá trị trao đổi chất vào trong sản phẩm (chủ yếu là những chất xơ), bởi những nguyên liệu này rất rẻ tiền.
Làm như vậy sản phẩm cũng có hàm lượng đạm và năng lượng cao, mặc dù chúng chẳng có tác dụng gì về mặt dinh dưỡng đối với chăn nuôi gia súc vì không thể tiêu hoá được. Nhiều sản phẩm thức ăn chăn nuôi, trên bao bì ghi hàm lượng đạm và năng lượng rất cao, nhưng thực chất phần nhiều trong đó là đạm và năng lượng của chất xơ.
Không ít doanh nghiệp sử dụng phương thức "bình mới rượu cũ", liên tục thay đổi nhãn mác. Vì được trả chiết khấu cao, các đại lý thường giới thiệu, quảng bá chất lượng của các sản phẩm này cho những người chăn nuôi còn thiếu kinh nghiệm. Sau một thời gian sử dụng, khi người chăn nuôi không còn tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm đó, thì doanh nghiệp sẽ đăng ký nhãn mác với tên sản phẩm mới.
Chiêu thức này luôn phát huy hiệu quả khi quyền lợi của doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi nhỏ và đại lý tiêu thụ gắn chặt với nhau.