06:00 08/06/2022

Những dấu ấn về chuyển đổi số quốc gia

Thủy Diệu

Công nghệ số dường như đang lan tỏa và thâm nhập tới mọi hoạt động của đời sống kinh tế, xã hội của các địa phương, bộ, ngành và Chính phủ...

Hơn một năm sau khi Thủ tướng phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã đạt được những kết quả bước đầu rất rõ ràng, đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân không ngừng được nâng cao. 

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 3/2022, cả nước đã có 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số; 17/22 bộ, ngành và 57/63 địa phương ban hành chương trình/kế hoạch/đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm. Công cuộc chuyển đổi số đã, đang lan tỏa tới tất cả các cấp, các ngành, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu đã có chuyển biến rõ nét; 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban (có 6 địa phương do Bí thư trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo là Bến Tre, Hà Giang, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Lào Cai, Bình Định).

NỀN MÓNG CHO CHUYỂN ĐỔI SỐ, CHÍNH PHỦ SỐ

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến thời điểm hiện tại các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho chính phủ số được đẩy mạnh triển khai, đây là điều kiện tiên quyết để triển khai chính phủ số. Trong đó, đáng chú ý là cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc có khoảng 23 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 7 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định; trên 4,5 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; trên 3,2 triệu dữ liệu đăng ký khai tử. Tỷ lệ dịch vụ công đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3% (chiếm 52,33% tổng số thủ tục hành chính); tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ là 17,17%, tương đương quý 1/2021; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 24,75%, tăng 8,82% so với quý 1/2021.

 
Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính.
“Chuyển đổi số là một động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, là nền tảng cho một nền kinh tế hiện đại”.

Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp với 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp truy cập thuận tiện (một cửa) đến dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước các cấp.

Trong quý 1/2022, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có trên 167.000 tài khoản đăng ký; trên 14 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 332.000 lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích từ cổng; trên 510.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; trên 163.000 giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 366 tỷ đồng. Hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai toàn quốc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trong quý 1/2022, cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý 77.732.636 hóa đơn điện tử.

Kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022–2025, tầm nhìn đến năm 2030, cũng nhấn mạnh rằng các bộ, cơ quan đã và đang tích cực, khẩn trương triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử, bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, đất đai, tài chính để kết nối, chia sẻ trên toàn quốc. Trong đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu quốc gia rất quan trọng, gắn với từng người dân, từng gia đình - tế bào của xã hội, là nền tảng, cơ sở dữ liệu lớn để hình thành công dân số, xã hội số.

Trên thực tế, Bộ Công an đã tích cực, phối hợp với các bộ, ngành triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư; từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số (kết nối với 8 bộ, ngành để bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, bao gồm trên 17 triệu thông tin bảo hiểm xã hội; gần 78 triệu thông tin công dân với trên 133 triệu mũi tiêm chủng; trên 570.000 thông tin dữ liệu về cán bộ, giáo viên; triển khai thí điểm chip điện tử gắn trên thẻ căn cước công dân; cấp trên 7 triệu số định danh cho trẻ em đăng ký khai sinh; thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân trong khám chữa bệnh…).

Ngoài ra, các cơ sở dữ liệu quốc gia khác như bảo hiểm, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp đã đi vào vận hành ổn định, đang mang lại hiệu quả tích cực. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đang được tích cực triển khai; bước đầu thí điểm chia sẻ thông tin dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

RÀ SOÁT THỂ CHẾ, THÁO GỠ VƯỚNG MẮC VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Khẳng định chuyển đổi số gắn với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, gắn với phục hồi kinh tế nhanh và phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay, tại phiên họp lần 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cuối tháng 4/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là rất nặng nề, và yêu cầu Ủy ban phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

 
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ngày 10/10 hàng năm là Ngày chuyển đổi số quốc gia với ba mục tiêu chính là: đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia; nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Chính vì thế, Thủ tướng chỉ đạo phải rà soát thể chế, tháo gỡ vướng mắc cũng như hoàn thiện thể chế phục vụ chuyển đổi số; đầu tư công nghệ, hạ tầng để phát triển chuyển đổi số, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin; huy động nguồn lực, trong đó thúc đẩy hợp tác công-tư, huy động sự đóng góp của người dân; có cơ chế chính sách phù hợp với cơ chế chung nhưng cũng có những ưu tiên để tạo ra động lực phát triển nhanh chuyển đổi số; đổi mới quản trị theo hướng hiện đại để đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số; đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

“Có chính phủ số, chính quyền số mà không có công dân số thì không thành công. Trong quá trình này, cần kiểm tra, giám sát thường xuyên, tránh những tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm. Đầu tư phát triển chuyển đổi số không dàn trải, phải chọn trọng tâm, trọng điểm, chọn vấn đề ưu tiên, có sức lan tỏa, hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó, không chạy theo thành tích...”, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo.

Là người đứng đầu cơ quan dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhiều lần nhấn mạnh: 2022 là năm “tổng tấn công về chuyển đổi số” và là năm tập trung phục vụ người dân. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, mỗi tỉnh, thành cần tập trung chọn 3 đến 5 nền tảng số để giải các bài toán của địa phương về tiếp cận y tế, giáo dục, nông nghiệp, sàn thương mại điện tử…

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết trong năm 2022 sẽ tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ, đó là hoàn thiện thể chế chính sách, phát triển hạ tầng số và các nền tảng số quan trọng. Riêng về thể chế chính sách, sẽ tập trung hoàn thiện Luật Giao dịch điện tử sửa đổi; Nghị định về định danh, xác thực điện tử; Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động của fintech…