14:33 03/04/2009

Niềm hy vọng mang tên G20?

Kiều Oanh

Có thể xem kết quả hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 vừa kết thúc là một niềm hy vọng, mà cũng có thể là không

Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Anh Gordon Brown tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm G20 - Ảnh: Getty Images.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Anh Gordon Brown tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm G20 - Ảnh: Getty Images.
Vượt qua những chia rẽ sâu sắc về cách thức giải cứu nền kinh tế toàn cầu, các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) trong cuộc họp thượng đỉnh vừa kết thúc tại London, Anh, đã nhất trí đưa ra những cam kết quan trọng.

Những cam kết này bao gồm, tăng cường cho vay các nền kinh tế đang phát triển, kích thích thương mại thế giới, và giám sát chặt chẽ hơn hệ thống tài chính.


Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình, thậm chí cả Tổng thống Mỹ Barack Obama, vẫn tỏ ra thận trọng về tác dụng của cuộc họp đối với triển vọng kinh tế toàn cầu.

G20 nói gì?

Đáng chú ý nhất trong số những cam kết mà lãnh đạo khối G20 đưa ra trong cuộc họp lần này là việc tăng gấp 3 lần ngân quỹ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ mức 250 tỷ USD hiện nay lên mức 750 tỷ USD.

Mục đích của việc tăng cường ngân quỹ cho IMF là nhằm thúc đẩy vai trò của quỹ này trong việc cho vay đối với các nền kinh tế thuộc thế giới thứ ba gặp thách thức về tài chính vì khủng hoảng. Chính cuộc khủng hoảng hiện nay đã đưa vai trò của IMF trở lại vị trí quan trọng, khi định chế này cấp hàng tỷ USD vốn vay khẩn cấp cho nhiều quốc gia sau nhiều năm vai trò đi xuống.

Thêm vào đó, IMF được trao thẩm quyền hành động như một hệ thống cảnh báo sớm những rủi ro tài chính. Ngoài ra, để phản ánh vai trò của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ… các nhà lãnh đạo G20 cũng kêu gọi IMF cải tổ ban lãnh đạo trong thời gian từ nay tới năm 2011.

“Ngày hôm nay là một bằng chứng về sự trở lại của IMF”, giám đốc điều hành IMF, ông Dominique Strauss-Kahn nói.

Trong nguồn quỹ IMF tăng thêm nói trên, dự kiến, Trung Quốc sẽ đóng góp 40 tỷ USD. Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) cam kết mỗi bên đóng góp 100 tỷ USD. Mỹ cho biết cũng sẽ góp 100 tỷ USD, nhưng khoản đóng góp này còn phải chờ sự phê chuẩn của Quốc hội.

Ngoài số vốn vay 500 tỷ USD bổ sung ở IMF, G20 còn thông qua một chương trình phát hành quyền rút vốn đặc biệt (SDR) trị giá 250 tỷ USD dành cho 185 quốc gia thành viên.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo G20 nhất trí cung cấp 250 tỷ USD tín dụng thương mại nhằm cấp vốn cho hoạt động thương mại xuyên quốc gia. Suy thoái kinh tế và khủng hoảng tín dụng đã khiến thương mại thế giới thời gian qua sụt giảm 10%.

Song song với các biện pháp tài chính trên, Thủ tướng nước chủ nhà của hội nghị G20 lần này, ông Gordon Brown, vạch ra chi tiết của những biện pháp giám sát mới dành cho các quỹ đầu cơ và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm; đưa các nền kinh tế được xem là “thiên đường trốn thuế” vào vòng kiểm soát, thậm chí đề xuất các biện pháp trừng phạt nếu như các địa chỉ này không chịu chia sẻ thông tin thuế với cơ quan chức năng của các quốc gia khác.

Các nhà lãnh đạo G20 còn đạt sự đồng thuận đối với một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong dư luận thời gian qua - chuyện tiền thưởng của lãnh đạo ngành tài chính. G20 nhất trí đi tới những quy định mới có phạm vi áp dụng toàn cầu để quản lý lương thưởng của các lãnh đạo nhà băng.

Cuối cùng, các nhà lãnh đạo của khối cũng đồng ý chỉ tên và phê phán những quốc gia dựng lên các rào cản thương mại, qua đó cho thấy sự phản đối trước sự gia tăng của tinh thần bảo hộ mậu dịch.

Hưởng ứng những tuyên bố trên của G20, thị trường chứng khoán thế giới đêm qua và sáng nay ngập trong sắc xanh. Trong khi giá vàng, mặt hàng đầu tư phòng khủng hoảng số 1, trượt dốc thảm hại. Rõ ràng, G20 đã đem đến cho thế giới một niềm hy vọng mới về triển vọng phục hồi kinh tế.

Cuộc họp này đã làm dịu những mối lo ngại trước đó rằng các nhà lãnh đạo thế giới sẽ lặp lại thất bại của một cuộc họp tương tự diễn ra vào năm 1933 mà sau đó là sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ khiến Đại suy thoái kéo dài.

Hội nghị lần này giúp ông Obama có sự ra mắt ấn tượng ở sự kiện quốc tế lớn nhất mà ông tham gia kể từ ngày nhậm chức. Ông đã bày tỏ sự hối tiếc về vai trò của nước Mỹ trong việc châm ngòi cho khung hoảng, thúc đẩy quyết tâm toàn cầu giải quyết khủng hoảng, cũng như hòa giải bất đồng giữa Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào về giải quyết tình trạng trốn thuế.

Kết quả cuộc họp này cũng được xem là một thành công cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner, người vốn đi đầu trong việc tăng cường vai trò của IMF. Và ông Geithner đã đạt được kết quả tốt hơn dự kiến của giới phân tích.

Bên cạnh đó, theo ông Obama, cuộc họp đã tăng cường vai trò của các quốc gia đang phát triển, báo hiệu cho một kỷ nguyên mới mà ở đó các quyết sách về tương lai của kinh tế toàn cầu sẽ không chỉ là quyết định của một nhóm nhỏ các cường quốc phương Tây.

Thủ tướng Anh Brown thì nói: “Đây là ngày mà thế giới sát lại cùng nhau để chống suy thoái toàn cầu. Thông điệp của chúng ta hôm nay là rõ ràng và chắc chắn, rằng chúng ta tin tưởng những vấn đề toàn cầu phải cần tới những giải pháp toàn cầu”.

Còn phải chờ xem

Tuy nhiên, theo bình luận của các chuyên gia, hội nghị này vẫn tồn tại không ít khiếm khuyết.

Thứ nhất, hội nghị này chưa đưa ra được cam kết nào về việc tăng cường các gói kích thích tài khóa cho các nền kinh tế. Từ trước, đây vẫn được xem là một vấn đề gây chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu, khi Mỹ luôn đề nghị các nước chi thêm tiền để kích thích tăng trưởng, trong khi châu Âu phản đối chuyện này.

Tại cuộc họp vừa kết thúc Đức và Pháp là hai nước lớn tiếng nhất trong việc phản đối những đề xuất về kích thích kinh tế của ông Obama, khẳng định, hệ thống an sinh xã hội của họ hiện nay đã là quá đủ. Sự thiếu vắng một cam kết về vấn đề này có thể được coi là một điểm chưa thành công của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp.

Thứ hai, thông cáo chung của hội nghị dường như có tác động nhiều hơn tới việc giải quyết khủng hoảng ở các nền kinh tế đang nổi lên hơn là suy thoái sâu ở các nền kinh tế lớn nhất, vốn là nơi khủng hoảng bắt nguồn.

Thứ ba, những biện pháp được đề xuất mới chỉ nhằm vào những ảnh hưởng của khủng hoảng, chứ chưa đánh được vào gốc rễ của khủng hoảng. Các nhà lãnh đạo G20 mới chỉ tuyên bố khá chung chung về mục tiêu giải quyết tình trạng tài sản xấu trong hệ thống tài chính của châu Âu và Mỹ, chứ chưa hề đưa ra được các biện pháp hành động cụ thể.

Thứ tư, nỗ lực của châu Âu trong việc thúc đẩy một hệ thống giám sát toàn cầu đối với hệ thống tài chính đã bị cản trở đáng kể bởi phía Mỹ. Mặc dù G20 đã thống nhất thành lập một ban ổn định tài chính để giám sát hệ thống tài chính nhằm tìm ra những dấu hiệu rủi ro, họ vẫn chưa cấp cho các nhà giám sát thẩm quyền xuyên biên giới - điều mà nước Pháp mong muốn.

Thay vào đó, các nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát những định chế tài chính có vai trò quan trọng trong hệ thống. Chưa hề có một cơ chế nào để giải quyết các tranh chấp xuyên biên giới có thể xảy ra trong việc đóng cửa những ngân hàng sụp đổ… “Thỏa thuận về quy chế giám sát tài chính gần như là con số 0”, Giáo sư kinh tế học Simon Johnson thuộc Viện Công nghệ Massachusetts nói.

Tổng thống Obama cũng khẳng định, việc đưa 20 quốc gia chấp nhận những biện pháp chống khủng hoảng chung sẽ là một việc đặc biệt khó, vì mỗi quốc gia có một hoàn cảnh khác nhau. Ông cũng thận trọng khi cho rằng, hiện tại chưa có sự đảm bảo chắc chắn nào những biện pháp được đưa ra ở cuộc họp này có thể giúp kinh tế thế giới thoát khỏi sự tụt giảm tăng trưởng tồi tệ hiện nay.

(Theo New York Times, Reuters)