07:30 03/04/2009

Chứng khoán thế giới đồng loạt tăng điểm mạnh

Duy Cường

Ngày 2/4, chứng khoán thế giới đã có phiên giao dịch thành công nhờ thông tin lạc quan đến từ phiên họp nhóm G20

Phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm mạnh thứ ba trong tuần - Ảnh: AP.
Phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm mạnh thứ ba trong tuần - Ảnh: AP.
Ngày 2/4, chứng khoán thế giới đã có phiên giao dịch thành công nhờ thông tin lạc quan đến từ phiên họp nhóm G20.

Hôm thứ Năm, hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 - gồm 7 nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Italia, Canada và các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc...), đã khai mạc tại London, Anh.

Các nhà lãnh đạo G20 đã cam kết cung cấp 1.100 tỷ USD cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) để giúp ổn định hệ thống tài chính, thương mại và phục hồi kinh tế.

Chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh ngày thứ ba liên tiếp

Ngày 2/4, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, số đơn đặt hàng mới tại các nhà máy ở nước này đã tăng 1,8% trong tháng 2/2009 sau khi giảm 2,5% trong tháng 1/2009. Trong đó, số đơn đặt hàng lâu bền tăng 3,5%, số đơn đặt hàng không thuộc nhóm hàng lâu bền tăng 0,3%...

Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ thông báo, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 28/3/2009 đã tăng 12.000 lên 669.000 người - mức cao nhất kể từ 2/10/1982, từ mức 657.000 trong tuần trước đó.

Theo số liệu của Bộ này, tính đến ngày 21/3/2009, số người đang nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ là 5,73 triệu.

Chuyển qua thông tin đáng chú ý nhất trong ngày 2/4, Ủy ban Tiêu chuẩn Kế toán Tài chính (FASB) - một tổ chức phi lợi nhuận chịu trách nhiệm lập nên bộ tiêu chuẩn kế toán cho các công ty đại chúng ở Mỹ- cho biết những thay đổi mà họ đề xuất đối với quy định về nghiệp vụ kế toán đánh giá giá trị tài sản theo giá trị thị trường (mark-to-market), đã được hoàn tất và sẽ có hiệu lực từ quý 2/2009, áp dụng cho hầu hết các công ty ở Mỹ.

Quy định này buộc các ngân hàng từng bước loại bỏ một số loại tài sản xấu, đặc biệt là các chứng khoán có liên quan mật thiết với những tài sản thế chấp dưới chuẩn có tính rủi ro cao ra khỏi bảng cân đối kế toán.

Những thay đổi đã được ban hành để khắc phục những điểm yếu đã từng xảy ra và tạo nên cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ.

Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm ngày thứ ba liên tiếp trong tuần nhờ những số liệu khả quan về kinh tế được công bố cho thấy những tín hiệu ổn định của kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, những thay đổi mang tính tích cực đối với quy định về nghiệp vụ kế toán định giá tài sản theo giá trị thị trường, đã tác động đến quyết định gom mua cổ phiếu khối ngân hàng, qua đó kéo thị trường đi lên.

Một tác động tích cực khác đến từ cuộc họp của nhóm G20 khi các lãnh đạo nền kinh tế phát triển và mới nổi đã cam kết chi những khoảng tiền lớn cho kế hoạch phục hồi kinh tế thế giới.

Phố Wall mở cửa ngày giao dịch cao hơn 2% so với phiên trước đó. Chỉ mất hơn 1 tiếng sau khi thị trường bước vào phiên giao dịch, các chỉ số đã nhanh chóng tăng lên 3% giá trị. Xu hướng tăng điểm được duy trì trong cả phiên buổi sáng và thời gian điều chỉnh xuống của các chỉ số chỉ xảy ra trong ngắn hạn, rồi lại đi lên.

Đến 12h30 (giờ địa phương), các chỉ số đã xác lập mức tăng trên 4% giá trị, đưa chỉ số Dow Jones nhanh chóng vượt qua ngưỡng 8.000 điểm, còn chỉ số S&P 500 lên ngưỡng 840 điểm.

Tuy nhiên sau đó thị trường chứng khoán lại quay đầu giảm điểm và duy trì xu hướng giảm điểm đến hết ngày giao dịch. Do đó, biên độ tăng của các chỉ số chỉ còn ở mức 2,8-3,3% khi chốt phiên.

Cổ phiếu khối tài chính đã có phiên giao dịch thành công khi chỉ số S&P Tài chính lên 2,9%, trong đó cổ phiếu Citigroup tăng 2,2%, cổ phiếu Wells Fargo tiến thêm 5,9%, cổ phiếu Goldman Sachs lên 3,56%...

Cổ phiếu của Bank of America đã tăng 2,7% sau khi ông Kenneth Lewis - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành ngân hàng này, cho biết Bank of America sẽ mất vài quý để có thể trả hết số nợ 45 tỷ USD mà họ đã vay từ hồi tháng 10/2008 từ Chính phủ Mỹ.

Bên cạnh đó, Wall Street Journal loan báo Bank of America đã lên kế hoạch bán bớt tài sàn ở Quỹ Columbia Management và First Republic Bank

Cổ phiếu ngành công nghiệp, công nghệ, hàng tiêu dùng thiết yếu và năng lượng cũng tăng mạnh. Trong đó, cổ phiếu của Research in Motion (hãng sản xuất điện thoại BlackBerry) tăng 7,6%; cổ phiếu IBM lên 3,3%, cổ phiếu tập đoàn sản xuất máy móc cho hoạt động khai mỏ, xây dựng – Caterpillar tăng 8,8%; cổ phiếu Chevron lên 2,9%...

Chứng khoán thế giới đồng loạt tăng điểm mạnh - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến của các chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 2/4 - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 2/4: chỉ số Dow Jones tiếp tục tăng 216,48 điểm, tương đương 2,79%, chốt ở mức 7.978,08.

Chỉ số Nasdaq phiên này lên 51,03 điểm, tương đương 3,29%, chốt ở mức 1.602,63.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 23,3 điểm, tương đương 2,78%, đóng cửa ở mức 834,38.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,87 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 7 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,76 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 4 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu mất điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng từ 4,3-6,1% giá trị

Ngày 2/4, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa ra quyết định cắt giảm 0,25% lãi suất cơ bản đồng Euro xuống 1,25%/năm, từ mức 1,5% - thấp hơn 0,25% so với dự báo của giới phân tích.

Như vậy, qua 6 lần cắt giảm lãi suất kể từ tháng 10/2008 đến nay, lãi suất cơ bản đồng đồng Euro đã giảm từ 4,25% xuống 1,25%/năm.

Chứng khoán châu Âu đã tăng điểm mạnh nhờ những hy vọng từ cuộc họp của nhóm G20 và những thay đổi trong nghiệp vụ kế toán định giá giá trị tài sản của ngân hàng Mỹ.

Bên cạnh đó, quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản của ECB đã đẩy cổ phiếu khối ngân hàng tăng mạnh, qua đó góp phần giúp thị trường khởi sắc.

Cổ phiếu Deutsche Bank tăng 14,6%, cổ phiếu HSBC, BNP Paribas, Banco Santander, Standard Chartered tăng từ 9,5-15,9% giá trị.

Cổ phiếu ngành sản xuất ôtô, năng lượng, khai mỏ cũng đạt được mức tăng với biên độ lớn. Trong đó, cổ phiếu Daimler, BMW, Porsche và Volkswagen tăng từ 4-16,6%; cổ phiếu BG Group, BP, Royal Dutch Shell và Total tăng từ 2,5-5,3%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 169,36 điểm, tương đương 4,28%, chốt ở mức 4.124,97. Khối lượng giao dịch tăng vọt lên 3,1 tỷ cổ phiếu, từ mức 2,45 tỷ cổ phiếu phiên trước đó.

Chỉ số DAX của Đức lên 6,07%, khối lượng giao dịch đạt 46,6 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến thêm 5,37%, khối lượng giao dịch đạt 264 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á tăng vọt trước hội nghị G20

Hôm thứ Năm, giới đầu tư châu Á đang dồn sự chú ý vào hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 tại Anh.

Cuộc họp được kỳ vọng sẽ vạch ra những biện pháp hữu hiệu để đưa kinh tế thế giới thoát khỏi giai đoạn suy thoái hiện nay. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng, cuộc họp G20 có lẽ sẽ không đáp ứng được những kỳ vọng này.

Còn nhớ, tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm G20 trong lần khủng hoảng lên cao trào diễn ra vào tháng 11/2008 tại Mỹ, đã làm nhiều người thất vọng. Bởi vì các bên chỉ có thể đưa ra được một vài cam kết mang tính chất ngoại giao hơn là những hành động cụ thể để ngăn chặn cuộc khủng hoảng lan rộng.

Để rồi thị trường lại tiếp tục trượt dốc bởi không có một hành động cụ thể nào được đưa ra từ các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi trong nhóm G20.

Song song với cuộc họp của nhóm G20, tại Frankfurt, cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang diễn ra và rất có thể ECB sẽ đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản đồng Euro xuống 1%/năm.

Đây cũng là thông tin quan trọng tác động đến đà tăng của thị trường chứng khoán châu Á.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 4,6% lên 86,1 điểm, mức tăng mạnh nhất kể từ 30/10/2008.

Trên thị trường Mỹ, các chỉ số tương lai như Dow Jones, S&P 500, Nasdaq đều tăng trên 1,6% giá trị.

Chứng khoán Nhật đã tăng điểm với biên độ lớn trong phiên này, đưa chỉ số Nikkei 225 lên mức cao nhất kể từ ngày 9/1/2009.

Giới đầu tư nước ngoài đã tăng mạnh mua cổ phiếu của các hãng xuất khẩu lớn của Nhật nên đẩy cổ phiếu Canon, Sony tăng mạnh.

Trong khi đó, cổ phiếu của các hãng sản xuất ôtô Nhật cũng có phiên giao dịch thành công khi biên độ tăng điểm đã lên đến hơn 10%. Trong đó, cổ phiếu Nissan tăng vọt thêm 14%, cổ phiếu Toyota lên 5,5%, cổ phiếu Honda tiến thêm 11%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 367,87 điểm, tương đương 4,4%, chốt ở mức 8.719,78.

Trên thị trường Hồng Kông, bất ngờ đã xảy ra khi chỉ số Hang Seng đã có phiên tăng điểm với biên độ 7,41%, trong đó, cổ phiếu HSBC tăng trên 15%.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 3%. Chỉ số ASX của Australia tiến thêm 2,69%. Chỉ số BSE 30 của Ấn Độ lên 4,97%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc nhích 0,72%. Chỉ số Straits Times của Singapore tăng 5,61%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc lên 3,54%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
MỹDow Jones 7.761,60 7.978,08Up216,48Up2,79
Nasdaq1.551,601.602,63Up 51,03Up3,29
S&P 500811,08 834,38Up 23,30Up2,87
AnhFTSE 1003.95,614.124,97Up169,36Up4,28
ĐứcDAX4.131,07 4.381,92Up250,85Up6,07
PhápCAC 402.839,612.992,06Up152,45Up5,37
Đài LoanTaiwan Weighted5.314,455.473.78Up159,33Up3,00
NhậtNikkei 2258.351,918.719.78Up367,87Up4,40
Hồng KôngHang Seng13.519,5414.521.97Up1,002,43Up7,41
Hàn QuốcKOSPI Composite1.233,361.276.97Up 43,61Up3,54
Singapore Straits Times1.707,29 1.797,82Up95,56 Up5,61
Trung Quốc Shanghai Composite2.408,022.425.29Up 17,27Up0,72
Ấn ĐộBSE 309.823,16 10.394,32Up492,33 Up4,97
AustraliaASX3.527,203.622.20Up 95,00Up2,69
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg