09:26 02/04/2009

Trông đợi điều gì ở hội nghị thượng đỉnh G20?

Mai Phương

Thế giới đang dồn sự chú ý vào hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 tại London, Anh, diễn ra hôm nay (2/4)

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và đệ nhất phu nhân Michelle Obama (thứ hai từ phải sang) gặp gỡ với Thủ tướng Anh Gordon Brown và phu nhân Sarah tại số 10 phố Downing, London, ngày 1/4/2009. Ông Obama vừa tới Anh để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và đệ nhất phu nhân Michelle Obama (thứ hai từ phải sang) gặp gỡ với Thủ tướng Anh Gordon Brown và phu nhân Sarah tại số 10 phố Downing, London, ngày 1/4/2009. Ông Obama vừa tới Anh để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 - Ảnh: Reuters.
Thế giới đang dồn sự chú ý vào hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 tại London, Anh, diễn ra hôm nay (2/4).

Cuộc họp được kỳ vọng sẽ vạch ra những biện pháp hữu hiệu để đưa kinh tế thế giới thoát khỏi giai đoạn suy thoái hiện nay. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát có quan điểm cho rằng, cuộc họp G20 có lẽ sẽ chẳng đáp ứng được những kỳ vọng này.

Nhìn lại cuộc họp gây thất vọng năm 2008

Trong nhiều năm qua, không ít nhà bình luận đã đưa ra vô số lý do để chứng minh cho lập luận rằng, nhóm các nước công nghiệp phát triển G8 là một nhóm quốc gia lỗi thời ở phương diện là đầu tàu kinh tế chính trị của thế giới. Chẳng hạn, Trung Quốc và Ấn Độ không nằm trong nhóm này, ngoại trừ họ được tham dự những hoạt động không mấy quan trọng của G8. Việc Brazil ở ngoài nhóm trong khi Italy là một thành viên của G8 cũng bị không ít người chỉ trích. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đã thay đổi cục diện cuộc chơi.

Từ quý 3 năm ngoái, khi khủng hoảng leo thang mạnh mẽ, các cuộc họp của G20, thay vì G8, đã trở thành những cuộc họp chủ chốt. Về mặt lý thuyết, điều này là tốt. Các diễn đàn quốc tế phản ánh sự phân chia quyền lực toàn cầu ở thời điểm hiện tại sẽ là những diễn đàn có trách nhiệm và thẩm quyền để tạo ra những thay đổi thực sự. Nhóm G20 không chỉ bao gồm các cường quốc công nghiệp trong G8, mà còn bao gồm các nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), cùng với các nước xuất khẩu dầu lửa lớn.

Tuy nhiên, trên thực tế, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm G20 trong lần khủng hoảng này diễn ra vào tháng 11 năm ngoái tại Washington, Mỹ,  đã làm nhiều người thất vọng. Thông cáo chung chốt lại cuộc gặp gỡ này chẳng qua chỉ là lời hứa rằng các nguyên thủ của G20 sẽ họp tiếp một lần nữa trong 6 tháng tới.

Các quốc gia trong nhóm đã thừa nhận rằng “các chính sách kinh tế vĩ mô thiếu nhất quán và còn chưa mang tính phối hợp cao” là nguyên nhân sâu xa dẫn tới cuộc khủng hoảng, đồng thời cam kết sẽ phối hợp hành động trong hoạt động mở rộng tài khóa. Tuy nhiên, từ sau thông cáo chung này, phản ứng của các nền kinh tế lớn nhất trong nhóm là rất khác nhau. Nước Mỹ và Trung Quốc đã đẩy nhanh những nỗ lực kích thích kinh tế, trong khi Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố, các “tác nhân ổn định kinh tế tự động”(automatic stabilizer - việc chính phủ tăng chi tiêu và giảm thuế cho dân khi tăng trưởng kinh tế đi xuống) của họ đã là đủ.

Trong lĩnh vực thương mại, tình hình còn tệ hơn. Trong thông cáo chung của cuộc họp năm ngoái, nhóm G20 hứa như đinh đóng cột rằng: “Trong vòng 12 tháng tới, chúng tôi sẽ hạn chế việc gia tăng những rào cản mới đối với hoạt động đầu tư hoặc thương mại hàng hóa và dịch vụ”.

Tuy nhiên, đúng hai ngày sau khi hội nghị kết thúc, Nga tuyên bố tăng thuế nhập khẩu xe hơi. Một ngày sau đó, Ấn Độ áp thuế nhập khẩu 5% đối với nhiều sản phẩm sắt thép. Một tháng sau, Brazil phê chuẩn việc tăng thuế nhập khẩu chung trong khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) đánh vào một số loại hàng hóa nhập khẩu từ các nước bên ngoài khối, bao gồm hàng dệt may và rượu. Trung Quốc tăng hoàn thuế xuất khẩu cho hơn 3.700 mặt hàng của các công ty trong nước. Quốc hội Mỹ phê chuẩn điều khoản “Người Mỹ dùng hàng Mỹ” trong đạo luật kích thích kinh tế của ông Obama.

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cho hay, 17 trong số 20 quốc gia của G20 đã áp dụng tổng cộng 47 biện pháp hạn chế thương mại kể từ sau hội nghị thượng đỉnh đó. Tóm lại, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của G20 trong lần khủng hoảng này đã “nói thì nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu”.

Có nên hy vọng ở cuộc họp lần này?

Vậy liệu hội nghị diễn ra tại London vào ngày 2/4 này có thể đem tới kết quả tốt đẹp hơn? Nhìn chung, có một số lý do để lạc quan về hội nghị này.

Cuộc họp G20 hồi tháng 11/2008 đã được sắp xếp quá gấp gáp, đồng thời lại được tổ chức bởi chính quyền Tổng thống Mỹ Bush khi đó đang mất uy tín. Mặt khác, ở thời điểm đó, khả năng lan rộng của suy thoái trên phạm vi toàn cầu còn chưa rõ nét.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác. Vốn liếng chính trị của người kế nhiệm ông Bush, Tổng thống Barack Obama, là một vấn đề quan trọng. Phạm vi rộng và mức độ ăn sâu của cuộc khủng hoảng lúc nay ai cũng đã rõ. Bên cạnh đó, với 6 tháng để chuẩn bị cho hội nghị, nhiều cơ quan và đơn vị của khu vực công và tư nhân đã soạn thảo một số tư vấn quan trọng cho các nguyên thủ quốc gia. Cuộc họp các bộ trưởng tài chính G20 mới đây cũng phản ánh sự đồng thuận trong việc giám sát rộng rãi hơn đối với ngành tài chính.

Đó là những thông tin tốt lành. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, có nhiều vấn đề gây chia rẽ trong G20 hơn là những vấn đề đưa các nước này sát lại gần nhau. Những tranh cãi xung quanh chuyện chính sách tài khóa vẫn đang căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu.

Tuần trước, Thủ tướng Cộng hòa Czech (người đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU), ông Mireck Topolanek, đã cảnh báo Nghị viện châu Âu rằng, kế hoạch tài khóa của chính quyền Obama là “đường tới địa ngục”. Cảnh báo này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Chính phủ của ông Topolanek ở Prague sụp đổ, làm suy yếu khả năng của EU đi tới một tiếng nói chung với Mỹ.

Trong một tháng qua, các nền kinh tế BRIC đã thể hiện sự không hài lòng với sân chơi kinh tế quốc tế hiện nay . Nga và Trung Quốc đã liên tục lên tiếng cho rằng, đồng USD không còn phù hợp với vai trò đồng tiền dự trữ của thế giới. Cả hai nước này đã đề xuất biện pháp để đi tới một “siêu tiền tệ” làm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD.

Các quan chức cao cấp của Mỹ, bao gồm Tổng thống Obama, Bộ trưởng Bộ Tài chính Tim Geithner, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Ben Bernanke, hay cố vấn kinh tế Paul Volcker của ông Obama, đều đã thể hiện thái độ gạt phăng những ý tưởng trên. Brazil thì lập luận rằng, trách nhiệm về hoạt động kích thích tài khóa nên được đặt lên vai những nước chịu trách nhiệm trước hết về cuộc khủng hoảng hiện nay, tức các nước phát triển.

Có lẽ, vấn đề gây nhiều hoài nghi nhất mà G20 đối mặt trong cuộc họp lần này là việc khẳng định đi tới kết thúc vòng đàm phán Doha về thương mại. Lời hứa này đã được đưa ra ở hội nghị Washington 6 tháng trước, nhưng sau đó, đã bị chìm vào quên lãng. Với sự gia tăng của quan điểm cần làm thỏa mãn những hy vọng của người dân về kinh tế, ý chí chính trị của các nguyên thủ G20 về việc hoàn thành vòng đàm phán Doha tới lúc này đã suy giảm xa hơn.

Tuy nhiên, có lẽ các nhà lãnh đạo tại cuộc họp sẽ cảm thấy sự cần thiết phải đưa ra một lời hứa “hão” nào đó về vấn đề này. Cách đây chưa lâu, Thủ tướng Brazil Celso Amorim đã lý giải, nếu những tuyên bố tích cực về vòng đàm phán Doha không được đưa ra trong thông cáo chung của hội nghị, các chính phủ sẽ cảm thấy dễ dàng hơn về mặt chính trị trong việc gia tăng mạnh hơn những rào cản của chủ nghĩa bảo hộ.

Chủ tịch WB gần đây nhận định, việc thúc đẩy nhóm G20 trên trường quốc tế là một sự tình cờ của lịch sử. Nhóm này đã tồn tại mà chẳng hề có ý nghĩa gì trong vòng gần 1 thập kỷ. Khi khủng hoảng xảy ra, nhóm này trở thành diễn đàn duy nhất bao gồm tất cả những nền kinh tế chủ chốt trong hệ thống tài chính toàn cầu.

G20 đã hứng chịu ít nhiều chỉ trích sau cuộc họp được tổ chức vội vã vào năm ngoái. Nếu lần nay, cuộc họp của nhóm lại thất bại trong việc đưa ra những hành động cụ thể, hậu quả sẽ càng tai hại hơn. Thiếu vắng sự hợp tác toàn cầu, các quốc gia sẽ tự mình hành động, đồng nghĩa với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ trong các lĩnh vực tài chính, thương mại và tài khóa. Trong khi đó nền kinh tế toàn cầu lúc này đã có không ít điểm tương đồng với những gì xảy ra ở thập niên 1930.

(Theo Newsweek)