10:27 18/05/2023

Nợ toàn cầu vượt 300 nghìn tỷ USD, các thị trường mới nổi đang nợ nhiều chưa từng thấy

Đức Anh

Tại các thị trường mới nổi, tổng nợ toàn cầu đạt mức 100,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay...

Tại các thị trường mới nổi trên thế giới, tổng nợ vượt 100 nghìn tỷ USD trong quý 1/2023 - Ảnh: Shutterstock
Tại các thị trường mới nổi trên thế giới, tổng nợ vượt 100 nghìn tỷ USD trong quý 1/2023 - Ảnh: Shutterstock

Theo báo cáo công bố ngày 17/5 của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), nợ toàn cầu đã đạt mức gần kỷ lục trong quý 1/2023 trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều lo ngại rằng việc Chính phủ Mỹ vỡ nợ có thể gây ra hỗn loạn trên thị trường tài chính toàn cầu.

Cụ thể, nợ toàn cầu đã tăng thêm 8,3 nghìn tỷ USD lên 304,9 nghìn tỷ USD trong ba tháng đầu năm nay. Kỷ lục trước đó được thiết lập vào quý 1/2022 khi mức nợ toàn cầu đạt 306,3 nghìn tỷ USD.

Tại các thị trường mới nổi, tổng nợ đạt mức 100,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, tương đương 250% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Con số này tăng từ mức 75 nghìn tỷ USD vào năm 2019, tương đương mức tăng 34%.

“Các thị trường phát triển ghi nhận mức tăng mạnh hơn, chủ yếu bắt nguồn từ Nhật, Mỹ, Pháp và Anh. Còn tại các thị trường mới nổi, mức tăng mạnh ghi nhận tại Trung Quốc, Mexico, Brazil, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ”, IIF viết trong báo cáo đánh giá về tình hình nợ toàn cầu.

Theo đánh giá của Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia (NIFD) có trụ sở tại Bắc Kinh, đòn bẩy nợ vĩ mô tại Trung Quốc có xu hướng tăng lên chủ yếu do nền kinh tế suy giảm tăng trưởng. Dữ liệu của NIFD cho thấy tỷ lệ nợ trên GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng đáng kể lên 281,8% trong quý 1/2023, từ mức 273,2% vào cuối năm 2022.

Cũng theo báo cáo của IIF, đòn bẩy nợ trong hệ thống tài chính cũng như chi phí nợ dịch vụ ngày càng tăng là do lãi suất tăng và các vấn đề về thanh khoản trên bảng cân đối kế toán của các tổ chức tài chính yếu (do động thái thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh của các chính phủ).

Đầu tháng này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp chỉ trong vòng 14 tháng. Trong khi đó, các quan chức cấp cao tại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và Bộ Tài chính Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh mối lo ngại về dòng vốn chảy khỏi các thị trường mới nổi do lãi suất cao và khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ.

Dữ liệu từ IIF cho thấy Trung Quốc ghi nhận vốn ròng chảy ra khỏi thị trường ở mức kỷ lục 80 tỷ USD trong năm 2022. Tính đến tháng 3/2023, các chính phủ nước ngoài nắm giữ khoảng 3,57% nợ bằng đồng Nhân dân tệ tại Trung Quốc, giảm từ mức 4,22% so với một năm trước. Tuy nhiên, dòng vốn từ các quỹ chảy ra khỏi thị trường cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc đã chậm lại từ đầu năm nay.

Trên toàn cầu, giới đầu tư vẫn lo lắng liệu kết quả các cuộc đàm phán về trần nợ công tại Mỹ có thể giúp Chính phủ nước này tránh được một vụ vỡ nợ hay không. Nếu không thể đi đến một thỏa thuận về trần nợ công, Chính phủ Mỹ có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ nghiêm trọng với khoản nợ 31,4 nghìn tỷ USD sau ngày 1/6.

Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn thứ hai của Chính phủ Mỹ, sau Nhật Bản, Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ, tính tới tháng 3, Trung Quốc nắm khoảng 869,3 tỷ USD nợ công của Mỹ, tăng từ 848,8 tỷ USD hồi tháng 2. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tăng nắm giữ nợ công của Mỹ sau 7 tháng giảm và đưa con số này xuống mức thấp nhất trong vòng gần 13 năm.

Theo ông Hu Jie, cựu chuyên gia kinh tế tài chính cấp cao tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta (Mỹ) và hiện là giáo sư Đại học Jiao Tong Thượng Hải, các chủ nợ đã đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ như Nhật Bản và Trung Quốc dường như không quá lo ngại về một vụ vỡ nợ.

“Có thể ghi nhận áp lực nhất định trên thị trường trái phiếu và có thể xảy ra tình trạng bán tháo trái phiếu Mỹ ở mức độ nhất định. Nhưng nếu xem xét kỹ thì có thể thấy những biến động này thiên về phản ứng mang tính cảm xúc nhiều hơn”, ông Hu phát biểu hôm 13/5 trên kênh Phoenix New Medi của Trung Quốc.