13:30 25/10/2009

“Nói cho an lòng nhau” và “nói như vậy hòa cả làng”

Nguyên Hà

Một số băn khoăn của đại biểu Quốc hội trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp Quốc hội thứ sáu

Đại biểu Trần Du Lịch: Sửa Luật Giáo dục như ngôi nhà chỉ sửa sang nội thất thay vì gia cố móng tốt.
Đại biểu Trần Du Lịch: Sửa Luật Giáo dục như ngôi nhà chỉ sửa sang nội thất thay vì gia cố móng tốt.
Thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2010, có vị đại biểu nhận xét, những giải pháp đề ra “chỉ để an lòng nhau”. Bàn về trách nhiệm thành lập trường đại học, vị đại biểu khác đưa ra dẫn chứng “nói như vậy là hòa cả làng”. Còn tham nhũng thì “phát hiện khó, xử lý lại chưa nghiêm”…

Nhiều băn khoăn của đại biểu Quốc hội cả khi xem xét tình tình kinh tế - xã hội và xây dựng pháp luật đã bộc lộ trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp Quốc hội thứ sáu.

Đại biểu Lê Văn Cuông: Không có trong dự toán sao cứ chi?

“Việc bơm tiền vào tăng trưởng dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, có nên không? Vấn đề tài chính ngân sách Quốc hội phải quản thật chặt, vì đây là vấn đề thiết yếu của sự phát triển. Năm qua có những khoản không có trong dự toán mà Chính phủ cứ chi nhưng không xin ý kiến Quốc hội.

Trên đã thế, dưới địa phương cũng cứ học tập để qua mặt hội đồng nhân dân thì sao? Luật pháp là tối thượng nhưng thực tế như vậy thì rất băn khoăn”.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi:  “Ma trận chính sách”

“Trong điều hành của Chính phủ về cơ chế tài chính, khi nghiên cứu chính sách đầu tư cho chương trình giảm nghèo, chúng tôi thấy hiện nay có 36 chính sách hỗ trợ người nghèo. Trong 36 chính sách có 75 hợp phần, 100 văn bản hướng dẫn hỗ trợ người nghèo.

Nghiên cứu ma trận các chính sách cho người nghèo thì có hợp phần bị chồng chéo quá nhiều. Có đến 18 hợp phần nằm trong một chương trình phát triển sản xuất. Tuy nhiên qua giám sát chúng tôi thấy đưa chính sách xuống nhưng không có cơ quan nào chủ trì, điều hành, tổng hợp đánh giá đầy đủ về chương trình giảm nghèo”.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận: Nói cho an lòng nhau

“Những giải pháp nêu trong báo cáo của Chính phủ có phải giải pháp cho năm 2010 không, hay cho nhiều năm. Nói thế cho an lòng nhau thôi, chứ nhiều giải pháp làm sao mà triển khai trong năm 2010 được.

Ví dụ, “triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn” thì làm sao có thể thực hiện trong năm 2010?

Cách viết như thế là không được, giải pháp đọc lên thì rất hay nhưng cho năm 2010 hay cho cả một chuỗi năm? Nhiều nội dung giống nhau từ năm này qua năm khác, mới phân tích cho an lòng nhau chứ thực sự chưa phải cái Quốc hội cần”.

Đại biểu Dương Ngọc Ngưu: Xử lý tham nhũng chưa nghiêm

“Hành vi tham nhũng được thanh tra phát hiện ra rất nhiều, số tài sản phát hiện là trên 22 ngàn tỷ đồng. Song chuyển sang cơ quan điều tra để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội chỉ có 103 trường hợp thì rất là ít, trong khi đó luật quy định chỉ cần tham ô 500 ngàn đồng là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi tham nhũng phát hiện khó, xử lý lại chưa nghiêm, còn đến hơn 30% cho hưởng án treo”.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng: Nói như vậy là hòa cả làng

“Không quan trọng vấn đề ai cấp phép thành lập trường đại học, mà vấn đề là phải làm rõ trách nhiệm của người ra quyết định. Sau khi xảy ra vụ Đại học Phan Thiết, tôi có hỏi một vị Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại sao lại xảy ra nông nỗi này.

Ông này nói, trách nhiệm thẩm định thành lập đại học không phải chỉ mình Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ khác đều có trách nhiệm như nhau. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ trình lên Thủ tướng. Nói như vậy là hòa cả làng, vì chẳng ai chịu trách nhiệm”.