11:28 23/10/2009

Tiêu chí nào để đánh giá tình hình tham nhũng?

Minh Thúy

Chính phủ đánh giá tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng, nhưng nhiều địa phương cho rằng tình hình vẫn "bình thường"

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp toàn thể của Quốc hội.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp toàn thể của Quốc hội.
Chính phủ đánh giá tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng, nhưng nhiều địa phương cho rằng tình hình vẫn "bình thường".

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bà Lê Thị Nga, đã trao đổi với VnEconomy về công tác phòng chống tham nhũng, một vấn đề còn đang gây nhiều tranh cãi.

Thưa bà, quá trình chuẩn bị kỳ họp Quốc hội thứ sáu, nhiều đại biểu đã đề nghị thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng tại hội trường. Cá nhân bà thấy việc này có thực sự cần thiết không?

Theo tôi thì không phải không thảo luận tại hội trường thì có nghĩa là đại biểu không được thể hiện chính kiến. Dù là thảo luận thành một chuyên đề riêng hay thảo luận chung cùng với nội dung thảo luận kinh tế - xã hội thì đại biểu cũng có cơ hội phát biểu tại hội trường. Đương nhiên nếu thảo luận tại hội trường thành một chuyên đề riêng thì sẽ thu hút sự tập trung của đại biểu và dư luận hơn.

Tuy nhiên thời gian họp thì ngắn, nội dung lại nhiều nên không thể đưa ra thảo luận hết tại hội trường. Chính phủ đã gửi báo cáo đến và đại biểu có thể đề cập khi thảo luận chung về kinh tế xã hội hoặc về công tác tư pháp.

Bà có nhất trí với những đánh giá của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng tại bản báo cáo đó?

Báo cáo của Chính phủ có một số đánh giá không đồng nhất. Thể hiện rõ nhất ở các tiêu chí chứng minh cho nhận định công tác phòng chống tham nhũng có những chuyển biến tiến bộ. Như vụ việc tham nhũng bị phát hiện giảm dần; nhiều địa phương đánh giá công tác phòng chống tham nhũng có chuyển biến tích cực…

“Kinh tế của đất nước đạt chỉ tiêu tăng trưởng, trong lúc nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, khủng hoảng” cũng được coi là một tiêu chí để đánh giá kết quả công tác phòng chống tham nhũng. Trong khi mối quan hệ của tiêu chí này với “chuyển biến tiến bộ về phòng chống tham nhũng” là khá xa nhau.

Điều mâu thuẫn ở đây là, ngay sau khi đưa ra các tiêu chí để chứng minh cho sự tiến bộ, Chính phủ lại cho rằng “tình hình tham nhũng ở nước ta vẫn còn ở mức độ nghiêm trọng, phức tạp”.

Nhưng tiêu chí nào để đánh giá là “nghiêm trọng, phức tạp” thì bản báo cáo lại không đưa ra được.

Vậy theo bà thì dựa vào tiêu chí nào để có thể đánh giá đúng mức về tình hình tham nhũng?

Đó là những tiêu chí đã được nêu trong báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bao gồm: số lượng các đơn vị, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng; các lĩnh vực có tham nhũng; số tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát bởi các hành vi tiêu cực, tham nhũng và hậu quả, tác động xấu về mặt kinh tế, xã hội; số cán bộ công chức tiêu cực, tham nhũng bị phát hiện và xử lý; ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân đối với hoạt động của bộ máy Nhà nước, nhất là trong công tác phòng chống tham nhũng.

Đối chiếu với những tiêu chí này thì tình hình tham nhũng có “nghiêm trọng và phức tạp”  như Chính phủ nhận định không, thưa bà?

Nghiêm trọng và phức tạp, theo tôi là đúng với tình hình tham nhũng. Nhưng đấy là Chính phủ đánh giá thôi. Còn chúng tôi đi giám sát ở nhiều tỉnh, lãnh đạo tỉnh không đồng ý với nhận định này, họ bảo đấy là tình hình chung thôi, chứ còn tỉnh tôi tình hình tham nhũng “bình thường”.

Đề cập đến phòng chống tham nhũng ở địa phương, một số đại biểu cho rằng ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng còn lúng túng trong hoạt động. Phải chăng đây là nguyên nhân của những đánh giá như trên?

Theo quan điểm cá nhân tôi thì cần đánh giá về hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng thời gian qua để khẳng định có hay không nên có mô hình tổ chức này.

Như hiện nay, trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng là chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, rất dễ xảy ra tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Và thực tế hoạt động là đang lúng túng và kém hiệu quả. Trong khi đó một số địa phương còn thành lập cả ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở cấp huyện nữa. Việc thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở cấp huyện là không đúng luật.

Ngoài nguyên nhân về tổ chức bộ máy, theo bà còn có nguyên nhân nào làm hạn chế hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng nữa không?

Có rất nhiều nguyên nhân, song tôi chỉ đơn cử một việc trả lương qua tài khoản. Các khoản thu nhập khác ngoài lương của cán bộ, công chức không được thể hiện qua tài khoản dẫn đến việc khó kiểm soát thu nhập thực tế của họ.

Trong khi đó cơ sở hạ tầng của hệ thống ngân hàng và hệ thống bán lẻ chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng thẻ cũng như yêu cầu hạn chế sử dụng tiền mặt. Có khi người rút tiền qua ATM bị điện giật nhưng thông báo mãi ngân hàng mới khắc phục.

Do đó việc trả lương qua tài khoản chưa đem lại hiệu quả cao  trong công tác phòng ngừa tham nhũng. Điều quan trọng là cần phải thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt để kiểm soát thu nhập và chi tiêu.

Vậy còn vai trò giám sát của Quốc hội, thưa bà?

Chính vì có tác động từ sự giám sát của Quốc hội nên có công tác phòng chống tham nhũng đã có chuyển biến đáng ghi nhận, nhưng so với yêu cầu của nhân dân thì chưa đáp ứng được.

Với cương vị là Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bà có những đề xuất gì để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng?

Theo tôi chỉ cần thực hiện tốt tất cả các quy định của Luật Phòng chống tham nhũng là đủ để cải thiện tình hình. Đối với công tác giám sát, nên chú trọng việc đánh giá thông qua kết quả giám sát những vụ việc điển hình, những vi phạm có địa chỉ cụ thể . Tăng cường giám sát theo chiều sâu, tránh việc giám sát chỉ qua nghe và thảo luận báo cáo của đối tượng bị giám sát.

Các đoàn giám sát khi đi địa phương không cần phải trải rộng ra nhiều tỉnh, thành mà chỉ chọn một số tỉnh. Mỗi tỉnh cần làm sâu, làm kỹ khoảng 7-10 ngày, kết hợp cả nghe, thảo luận báo cáo, cả xem xét hồ sơ vụ việc, đối thoại, nghe phản ánh của dân… Có như vậy thì giám sát mới có chất lượng và hiệu quả.