20:40 06/12/2016

“Nói đi, nói lại” tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam

Nguyên Vũ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ ngành nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị phù hợp

“Tôi đã trao đổi với các bộ trưởng và thứ trưởng có mặt tại diền đàn, rằng chúng ta đã lắng nghe, đã phản hồi, nhưng phải có biện pháp xử lý đúng mức kịp thời chứ không phải nghe để biết, để đó”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại VBF 2016.<br>
“Tôi đã trao đổi với các bộ trưởng và thứ trưởng có mặt tại diền đàn, rằng chúng ta đã lắng nghe, đã phản hồi, nhưng phải có biện pháp xử lý đúng mức kịp thời chứ không phải nghe để biết, để đó”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại VBF 2016.<br>
Trong 150 vấn đề từ các diễn đàn trước và trước thềm diễn đàn năm nay được tiếp nhận, đề xuất với Chính phủ và các cơ quan hữu quan, khoảng một phần ba đã được xem xét giải quyết.

Đó là thông tin từ Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đến báo chí, trong cuộc trao đổi về Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2016, vừa diễn ra ngày 5/12.

Kết quả như trên, theo đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc là “còn chậm trễ”.

Điều đó cũng lý giải vì sao, như tại các diễn đàn trước, VBF 2016 vẫn tiếp tục có những vấn đề được “nói đi, nói lại”.

Liên tục từ 8h sáng đến 13h chiều, chỉ nghỉ giải lao 15 phút, cường độ nghe và nói ở VBF 2016 có thể nói là rất cao với nhiều thông tin dồn nén.

Và, dù không có nhiều thời gian nhưng đại diện các hiệp hội, các nhóm công tác vẫn theo đuổi những vấn đề được nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần.

Năm ngoái, tại VBF 2015, bà Virginia B. Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đã nhấn mạnh một số vấn đề đã nhiều lần được đưa ra, như giảm tham nhũng và gánh nặng hành chính thông qua việc giảm sử dụng tiền mặt, giấy tờ và giao dịch thanh toán trực tiếp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, và doanh nghiệp với Chính phủ.

Tại VBF năm nay, những “áp lực” này, qua cảm nhận của các nhà đầu tư nước ngoài, dường như vẫn… nguyên vẹn.

Theo đại diện AmCham, sự không tín nhiệm - hậu quả gây nên bởi tham nhũng - tiếp tục là thách thức kinh doanh hàng đầu mà các thành viên của AmCham gặp phải.

AmCham cũng kêu gọi những chuyển biến nhanh hơn trong việc tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước - vấn đề luôn được đề cập ở các diễn đàn trước - để đảm bảo các doanh nghiệp được quản lý một cách minh bạch và có trách nhiệm.

Tại VBF năm ngoái, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận xét, các doanh nghiệp FDI chưa có sự lan tỏa, cắm rễ sâu vào kinh tế địa phương. Sự sốt ruột này tiếp tục được ông Lộc mang đến VBF năm nay.

Các nhà đầu tư cũng có những sốt ruột của riêng họ.

Vẫn như ở VBF 2015, các nhà doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản tại VBF 2016 lại tiếp tục đề nghị nới lỏng quy định làm thêm giờ, được cho là quá cứng nhắc với không quá 30 giờ/tháng, 200 giờ/năm.

Nhóm công tác đất đai thì “đòi” công bằng cho các nhà đầu tư nước ngoài về sở hữu nhà đất và kinh doanh bất động sản.

Trong khi đó, nhóm công tác ngân hàng đề cập đường cong lãi suất ngắn hạn được chờ đợi đã lâu...

Không có nhiều thời gian, song đại diện các bộ, ngành cũng đều đã có hồi âm kiến nghị của các doanh nhân ngay tại diễn đàn. Tất nhiên, có những vướng mắc chỉ có thể được tháo gỡ khi được Quốc hội đồng ý, vì cần phải sửa đổi, bổ sung một số đạo luật.

Cuối bài phát biểu tại VBF 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ ngành nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị phù hợp tại diễn đàn để sửa đổi bổ sung chính sách pháp luật liên quan.

Người đứng đầu Chính phủ cũng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, có kế hoạch triển khai những nội dung trong các nhóm vấn đề đã thảo luận tại VBF, trước hết là sửa thể chế chấn chỉnh một số bất cập tồn tại kéo dài.

“Tinh thần là luật pháp phù hợp với thông lệ quốc tế và tính thị trường”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đôn đốc giải quyết các kiến nghị được nêu tại diễn đàn, định kỳ báo cáo Thủ tướng và thông báo phản hồi cho diễn đàn biết việc tiếp thu, sửa đổi, bổ sung đã được Chính phủ thực hiện nghiêm túc bài bản và trách nhiệm thế nào.

“Tôi đã trao đổi với các bộ trưởng và thứ trưởng có mặt tại diền đàn, rằng chúng ta đã lắng nghe, đã phản hồi, nhưng phải có biện pháp xử lý đúng mức kịp thời chứ không phải nghe để biết, để đó”, Thủ tướng nói.