14:09 20/03/2008

“Nới” tỷ giá VND/USD: Những hệ quả không mong đợi

Kiều Oanh

Việc nới rộng biên độ tỷ giá VND/USD có thể giúp kiềm chế lạm phát, nhưng lại làm khó xuất khẩu và thị trường chứng khoán

Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Tờ Wall Street Journal của Mỹ số ra ngày 19/3 có đăng bài viết của tác giả James Hookway về những tác động không mong đợi khi Việt Nam nới rộng biên độ tỷ giá VND/USD. VnEconomy xin giới thiệu tới độc giả bản lược dịch bài viết này.

Việt Nam đang nỗ lực nhằm đưa nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng của mình thoát khỏi những tác động từ sự mất giá mạnh mẽ của USD.

Chính sách này có thể giúp kiềm chế lạm phát nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà xuất khẩu, thị trường chứng khoán và những người nắm giữ USD.

Mất niềm tin

Khi đồng USD bắt đầu thời kỳ xuống giá vào năm 2002, việc duy trì một biên độ tỷ giá hẹp đã giúp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu nhiều hàng mặt hàng, trong đó có hàng dệt may và hàng điện tử. Đồng VND khi đó được định giá thấp so với USD khiến hàng hóa của Việt Nam rẻ hơn đối với người tiêu dùng Mỹ so với hàng hóa từ các nước khác như Thái Lan, Malaysia và Philippines. Một phần nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ ở mức bình quân 7,5% kể từ năm 2000 tới nay.

Sau đó, xu hướng mất giá của VND theo USD đã làm gia tăng áp lực lạm phát ở Việt Nam, do giá nhiên liệu và các hàng hóa khác tăng cao. Thêm vào đó, tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam cũng bắt đầu có một số ảnh hưởng bất lợi. Tháng 2 vừa qua, giá cả ở Việt Nam tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất kể từ năm 1995, khiến các cơ quan chức năng của Việt Nam phải thực hiện một loạt biện pháp hút tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng.

Một trong số những biện pháp này là nới rộng biên độ tỷ giá giữa VND và USD. Sau nhiều ngày cân nhắc, Ngân hàng Nhà nước đã nâng biên độ tỷ giá từ mức +/-0,75% lên mức +/-1% và cho biết sẽ còn nâng biên độ này lên mức +/-2%.

Theo ông Võ Trí Thành, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc nới lỏng biên độ tỷ giá sẽ giúp VND lên giá so với USD, và như thế, sẽ làm Việt Nam có lợi hơn trong việc nhập khẩu xăng dầu và các hàng hóa khác, và như thế giảm bớt áp lực lạm phát.

Nhưng một kết quả không được mong đợi của chính sách này là nhiều người Việt Nam đột ngột mất niềm tin vào USD, một loại ngoại tệ được sử dụng phổ biến ở đây.

Kể từ khi biên độ tỷ giá mới được áp dụng ngày 10/3, tỷ giá chính thức USD/VND của Ngân hàng Nhà nước giảm 1% từ mức 16.030 đồng xuống còn 15.855 đồng. Nhưng trên thị trường chợ đen, nơi USD được giao dịch trong các tiệm vàng, quán ăn… tỷ giá USD/VND ngày 18/3 sụt xuống mức 1 USD bằng 15.500 đồng, giảm 3% so với ngày 10/3. Đây là một sự khác biệt lớn so với trước đây, khi đồng USD luôn được đánh giá cao ở Việt Nam.

Điều này cho thấy, người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối. Cũng do nước Mỹ đang cận kề bên bờ vực suy thoái, các ngân hàng không muốn mua USD từ các khách hàng cá nhân và các công ty xuất khẩu.

Tại nhiều ngân hàng của Việt Nam, trong đó có Ngân hàng Quân đội, khách hàng muốn đổi USD sang VND đã bị từ chối. Các ngân hàng đang lo ngại đồng USD sẽ còn mất giá nữa. Một số điểm giao dịch ngoại hối đã rút điện ngắt màn hình niêm yết giá mua và giá bán ngoại tệ, nhằm mục đích ngăn những khách hàng muốn tới bán USD. Nhiều người gửi tiền tiết kiệm USD ở ngân hàng đã chuyển những khoản tiết kiệm này sang VND, một số khác thì chuyển sang giữ vàng.

Nhiều quốc gia khác cũng đang tăng giá đồng nội tệ để kiềm chế lạm phát. Năm nay, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng giá khoảng 3% so với USD. Từ năm ngoái, Kuwait đã neo đồng Dinar của mình vào một rổ ngoại tệ, thay vì chỉ neo vào đồng USD như trước đây. Các quốc gia khác ở vùng Vịnh cũng đang cân nhắc việc “tháo neo” đồng tiền nước mình vào USD.

Nhưng hầu như chẳng có quốc gia nào trong số này lại phụ thuộc nhiều vào USD trong quá trình phát triển kinh tế như Việt Nam. Biên độ tỷ giá giữa USD và VND giúp tạo cho các nhà đầu tư niềm tin cần có khi đổ tiền vào một đất nước mà nền kinh tế mới chỉ mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu những năm 1990.

Mức độ phổ biến của USD ở Việt Nam là kết quả của lượng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nhiều và lượng kiều hối gửi về nước tăng mạnh.

Xuất khẩu, chứng khoán cùng “khổ”

Nhiều nhà xuất khẩu của Việt Nam đã kiến nghị lên Chính phủ đề nghị giúp đỡ khi mà kim ngạch xuất khẩu tính bằng USD của họ đang co lại khi đổi sang VND. Mặt khác, việc không thể đổi USD sang VND cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải chạy ngược chạy xuôi vay mượn VND để trang trải.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam mới đây đã gửi tờ trình lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị xin Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tiếp tục mua vào USD.

Ông Phan Văn Danh, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản tỉnh An Giang cho biết, hiện nay hợp tác xã này phải giảm lượng cá mua vào từ nông dân vì thiếu tiền. Theo ông Danh, từ khi biên độ tỷ giá được nới lỏng cho đến nay, có từ 50.000 - 70.000 tấn cá trong dân chưa tiêu thụ được.

Thị trường chứng khoán nhỏ bé của Việt Nam, thị trường hoạt động tốt nhất ở châu Á vào năm 2006 trước khi đi xuống vào năm 2007, đang phải trải qua những đợt điều chỉnh mạnh. Giá các cổ phiếu bắt đầu sụt mạnh khi Ngân hàng Nhà nước ra quyết định yêu cầu các ngân hàng thương mại phải mua tín phiếu bắt buộc nhằm hút tiền ra khỏi hệ thống tài chính để chặn lạm phát.

Sau khi biên độ tỷ giá được nới rộng và đồng USD sụt giá mạnh, các nhà đầu tư chứng khoán trong nước lo sợ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không có đủ tiền VND để mua chứng khoán.

Chính phủ Việt Nam đã giải quyết vấn đề bằng cách để Tổng công ty Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) mua vào cổ phiếu của những công ty hàng đầu. Một số người chỉ trích Chính phủ về biện pháp này, vì cho rằng biện pháp này có ảnh hưởng không tốt đến mức giá trị thực của thị trường. Đến nay, VN-Index đã giảm khoảng 50% so với mức đỉnh vào tháng 3 năm ngoái.

Do khối lượng giao dịch chứng khoán co lại, một số nhà đầu tư đã chuyển sang những lĩnh vực khác. Cô Trần Hồng Lan, một người làm quản lý trong công ty chứng khoán VinaSecurities mới đây đã mở một nhà hàng nhằm tận dụng cơ hội trong lĩnh vực du lịch đang phát triển nhanh của Việt Nam. Cô cho biết, cô đã lên lịch cho dự án này từ trước khi biên độ tỷ giá giữa VND và USD được nới lỏng.

“Tiền là vua”, cô Lan nói, và cô dự báo, cho dù thị trường chứng khoán có hồi phục thì tốc độ tăng của Vn-Index cũng sẽ chậm hơn trước rất nhiều.

Mặc dù lạm phát cao, so với nhiều quốc gia khác ở châu Á, Việt Nam vẫn được coi là một nơi có mức giá rẻ để làm ăn kinh doanh. Theo nhiều nhà kinh tế, trong đó có nhà kinh tế Song Seng Wun chuyên nghiên cứu về kinh tế Đông Nam Á của công ty nghiên cứu CIMB-GK có trụ sở ở Singapore, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đổ đến Việt Nam, gây áp lực lạm phát cao.