07:11 12/05/2023

Nông nghiệp TP.HCM nên kết hợp phát triển du lịch sinh thái

Mộc Minh

Để nâng cao hiệu quả của mô hình nông nghiệp xanh, TP.HCM cần gắn với phát triển du lịch bên cạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất...

Rau trồng tại khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM.
Rau trồng tại khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM.

Cần có các giải pháp để hoàn thiện thể chế, chính sách, để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của TP.HCM, cũng như đổi mới mô hình tổ chức bộ máy và hoạt động của Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM trong thời gian tới.

 20 NĂM CHƯA RÕ MÔ HÌNH

Tại hội thảo khoa học Mô hình tổ chức bộ máy và hoạt động của Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM, được Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM phối hợp Học viện Cán bộ TP.HCM tổ chức vào sáng 11/5/2023, ông Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là nhu cầu cấp thiết của xã hội, đặc biệt trong thời đại công nghệ số.

Do đó, cần có các giải pháp để hoàn thiện thể chế, chính sách, để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của TP.HCM, cũng như đổi mới mô hình tổ chức bộ máy và hoạt động của Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Duy Sơn, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM, dù đã qua gần 20 năm hình thành và phát triển, nhưng đến nay Ban quản lý của Khu Nông nghiệp Công nghệ cao chưa được thành lập để quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao theo đúng quy định của Luật Công nghệ cao. 

“Do đó, mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động hiện nay của Ban quản lý phát sinh một số vấn đề khó khăn, nguyên nhân đây là mô hình đơn vị đặc thù đầu tiên của cả nước nên chưa có quy định pháp luật chuyên ngành nào điều chỉnh tổ chức và hoạt động của đơn vị” ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Duy Sơn, Phó Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM: "mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động hiện nay của Ban quản lý phát sinh một số vấn đề khó khăn" - Ảnh: NV.
Ông Nguyễn Duy Sơn, Phó Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM: "mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động hiện nay của Ban quản lý phát sinh một số vấn đề khó khăn" - Ảnh: NV.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, cho biết theo Luật Công nghệ cao thì Khu Nông nghiệp Công nghệ cao là khu ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, có nghĩa đây là khu công nghệ, là cơ quan hành chính đặc thù nhưng hiện các cơ quan liên quan vẫn khẳng định đây là đơn vị sự nghiệp công lập.

Bởi vì được xác định là đơn vị sự nghiệp công lập nên Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM đang rất vướng về chức năng quản lý nhà nước, nhất là quản lý đầu tư, quản lý doanh nghiệp, quản lý hạ tầng. “Cần phải kiến nghị để xác định rõ mô hình hoạt động của Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao”, ông Hiệp đề nghị.

Ngoài ra, về sứ mệnh của Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, các diễn giả cho rằng không chỉ giới hạn trong việc thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao của thành phố, mà còn đóng vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi nông nghiệp của miền Đông và miền Tây Nam bộ. Do vậy, việc hoàn thiện mô hình hoạt động theo hướng tăng cường phân cấp quản lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Khu làm tốt chức năng, nhiệm vụ.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy các quy định pháp luật về khoa học công nghệ, đất đai, đầu tư của nước ta vẫn còn chồng chéo và chưa được thực thi một cách hiệu quả.

Do đó, cần bổ sung, sửa đổi pháp luật trong thời gian tới nhằm định hướng đúng cho chính sách xây dựng và mở rộng các khu nông nghiệp công nghệ cao tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

GIA TĂNG GIÁ TRỊ CHO NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Theo TS Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM, nông nghiệp công nghệ cao của TP.HCM đã dần chuyển dịch từ cây trồng chính là lúa sang nông nghiệp đô thị với hoa, cây cảnh, cá cảnh, rau an toàn, bò sữa... Nhiều sản phẩm thành công nhưng chưa mạnh dạn liên kết phát triển du lịch tại chỗ để gia tăng giá trị cộng thêm.

 “Cần xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp; cách thức quản lý sử dụng tối ưu đất nông nghiệp trong tương lai; và phát triển nông nghiệp đô thị gắn với phát triển du lịch”, ông Nhựt nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM: "nâng cao hiệu quả của mô hình nông nghiệp xanh, TP.HCM cần gắn với phát triển du lịch" - Ảnh: NV.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM: "nâng cao hiệu quả của mô hình nông nghiệp xanh, TP.HCM cần gắn với phát triển du lịch" - Ảnh: NV.

Ông Nhựt cũng cho rằng để nâng cao hiệu quả của mô hình nông nghiệp xanh, TP.HCM cần gắn với phát triển du lịch. Do đó, cần xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao để gắn với du lịch sinh thái, hình thành các tour du lịch tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất, thưởng thức sản phẩm nông nghiệp tại trang trại nhà vườn.

Cùng với đó, mở rộng sản phẩm du lịch, hỗ trợ, định hướng các cơ sở, điểm du lịch tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng...

Ngoài ra, các diễn giả cũng cho rằng cần tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi để huy động các nguồn lực đầu tư; phát triển nhân lực công nghệ cao; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hình thành mạng lưới cung ứng sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cho ngành công nghiệp công nghệ cao…

Như vậy, phải tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách khuyến khích liên kết theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng…