15:49 08/01/2010

Nước Đức náo loạn vì 30 triệu thẻ ngân hàng tê liệt

Mai Phương

Hàng triệu người Đức khi vào siêu thị mua hàng đã ngã ngửa khi thẻ ngân hàng của họ bỗng nhiên không thể sử dụng được

Ước tính, khoảng 30 triệu thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng, chiếm khoảng 1/4 tổng số thẻ ngân hàng đang được lưu hành tại Đức đã rơi vào tình trạng tê liệt - Ảnh: Getty.
Ước tính, khoảng 30 triệu thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng, chiếm khoảng 1/4 tổng số thẻ ngân hàng đang được lưu hành tại Đức đã rơi vào tình trạng tê liệt - Ảnh: Getty.
Tuần này, hàng triệu người Đức khi vào siêu thị mua hàng đã ngã ngửa khi thẻ ngân hàng của họ bỗng nhiên không thể sử dụng được nữa. Lý do ở đây không phải là tiền trong tài khoản đã hết, mà là do lỗi trong con chip gắn trên thẻ khiến thẻ không thể nhận ra được năm 2010.

Ước tính, khoảng 30 triệu thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng, chiếm khoảng 1/4 tổng số thẻ ngân hàng đang được lưu hành tại Đức đã rơi vào tình trạng tê liệt vì lý do này, gây ra cảnh náo loạn tại các khu vực thanh toán và máy rút tiền trên khắp nước Đức.

Sự cố này khiến người ta hồi tưởng lại “sự cố thiên niên kỷ” (thường gọi là sự cố Y2K), trong đó nhiều chuyên gia dự báo, hệ thống máy tính trên toàn thế giới sẽ sụp đổ vào thời điểm chuyển giao từ năm 1999 sang năm 2000. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây là, “sự cố thiên niên kỷ” đã không xảy ra, còn “sự cố 2010” đã khiến hàng triệu người Đức toát mồ hôi ở máy ATM.

Bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự cố này là khách hàng của các ngân hàng tiết kiệm tại Đức - những ngân hàng thuộc khu vực công do các chính quyền địa phương quản lý. Hơn 20 triệu thẻ do các ngân hàng này phát hành đã bị vô hiệu hóa ngay trong ngày đầu tiên của năm 2010. Khoảng 2,5 triệu thẻ khác do các ngân hàng tư nhân như Comerzbank và Postbank cũng gặp rắc rối tương tự. Hiệp hội phát hành thẻ mang tên BVR có 4 triệu thẻ “lâm nạn”.

Để giải quyết vấn đề, các ngân hàng tại Đức đã chật vật thực hiện nhiều biện pháp trong suốt tuần qua, bao gồm việc đặt lại cấu hình cho hàng chục máy rút tiền và máy thanh toán tại các siêu thị, cửa hàng và tại cả những quốc gia mà khách du lịch Đức đặt chân tới. Các nhà chức trách cho biết, việc thay thế toàn bộ số thẻ là quá tốn kém và mất thời gian.

 “Đây là một sự cố chưa từng có tiền lệ vì lỗi phần mềm đã tấn công cùng lúc hàng triệu thẻ. Chung tôi đa g xem xét các lựa chọn và tin là có thể khắc phục được lỗi phần mềm trên con chip”, bà Michaela Roth, phát ngôn viên của Ủy ban Tín dụng Trung ương Đức (ZKA) nói.

Trong mấy ngày qua, các quan chức ngân hàng Đức cho biết, phần lớn các máy rút tiền ở nước này đã được cài đặt lại và đã bắt đầu đọc được thẻ trở lại. Tuy nhiên, phần lớn các điểm thanh toán bằng thẻ ít nhất phải tới đầu tuần sau mới hoạt động bình thường như trước được.

Để có thể thanh toán, nhiều khách hàng đã tìm ra giải pháp là dán kín con chip trên thẻ lại để máy thanh toán xử lý trên dải từ tính thay vì trên con chip. Mặc dù vậy, các nhóm bảo vệ người tiêu dùng chỉ ra rằng, dải từ tính có độ an toàn không cao bằng con chip, đồng thời thúc giục các ngân hàng khắc phục lỗi thẻ ở tốc độ nhanh nhất có thể.

 “Sự cố 2010” đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nhà bán lẻ Đức trong bối cảnh họ vừa trải qua một giai đoạn chồng chất khó khăn vì suy thoái kinh tế trong năm 2009. Doanh số bán lẻ mùa nghỉ lễ vừa qua trên thế giới cũng chẳng mấy khởi sắc. Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Đức (HDE), ít nhất 1/5 số điểm thanh toán tại các iêu thị ở Đức không thể đọc được các thẻ ngân hàng bị lỗi kể từ ngày 1/1/2010. Bất bình vì bị hao hụt doanh số, các nhà bán lẻ Đức đã chỉ trích gay gắt các ngân hàng đã không phát hiện sớm được vất đề.

“Khách hàng của chúng tôi rất bực mình, còn chúng tôi thì mất doanh thu vì một lý do chẳng ra đâu vào đâu”, ông Stefan Genth, người đứng đầu HDE phát biểu trên tờ nhật báo Bild của Đức. Theo ông Genth, trước khi sự cố này xảy ra, các nhà bán lẻ tại Đức đã mất mỗi năm khoảng 150 triệu USD doanh thu vì lỗi thẻ ngân hàng tại các điểm thanh toán. Việc 30 triệu thẻ đồng loạt “chết” lần này sẽ làm thiệt hại lớn hơn nhiều con số trên.

 “Đức là một quốc gia công nghệ cao và không thể tin được là sự cố phần mềm này có thể xảy ra ở đây. Đây là một lỗi lớn, rõ ràng là các ngân hàng đã không chịu chạy thử phần mềm từ trước”, ông Manfred Westphal, người đứng đầu bộ phận dịch vụ tài chính của Hiệp hội Người tiêu dùng Đức, phát biểu.

Trong khi đó, các quan chức ngân hàng lên tiếng phủ nhận những lời chỉ trích trên và cho rằng, nhà sản xuất con chip Gemalto phải là người chịu trách nhiệm về sự cố này. Là nhà cung cấp con chip chính cho các ngân hàng ở Đức, Gemalto tuyên bố họ đang hợp tác với các ngân hàng để tìm ra giải pháp tránh phải thay thế toàn bộ số thẻ, vì việc thay thế thẻ có thể tiêu tốn khoảng 430 triệu USD.

Cho tới khi vấn đề được khắc phục, người Đức chỉ có một lựa chọn duy nhất là kiên nhẫn, hoặc quay về với phương thức thanh toán bằng tiền mặt.

(Theo Time)