09:39 21/02/2014

Nước ngọt có gas “bị oan” nếu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt?

Hải Vy

Tới đây nước giải khát có gas không cồn có thể sẽ bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt

Chưa có cơ sở khoa học nào chắc chắn về việc các chất phụ gia trong nước
 giải khát có gas có thể gây các bệnh như mỡ máu, tiểu đường, gút hay ung
 thư.
Chưa có cơ sở khoa học nào chắc chắn về việc các chất phụ gia trong nước giải khát có gas có thể gây các bệnh như mỡ máu, tiểu đường, gút hay ung thư.
Theo một dự thảo của Bộ Tài chính, tới đây nước giải khát có gas không cồn có thể sẽ bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, với mức thuế suất là 10%.

Trong số các loại nước giải khát không cồn, chỉ có nước có gas phải chịu loại thuế này, xếp cùng với các mặt hàng truyền thống phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như bia, rượu, ôtô, du thuyền và các dịch vụ xa xỉ khác như golf, massage…

Theo lý giải của cơ quan soạn dự luật, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có gas không cồn là bởi loại nước giải khát này có thể gây ra một số bệnh như tiểu đường, béo phì, dạ dày, thậm chí ung thư...

Tuy nhiên, theo phản ánh của đại diện một số hiệp hội hàng tiêu dùng cũng như các chuyên gia, lý do này chưa có cơ sở khoa học chắc chắn, vì cho đến nay chưa có nghiên cứu hay báo cáo khoa học nào khẳng định rằng nước giải khát có gas không cồn có thể gây ra những loại bệnh nói trên.

Bên cạnh đó, cũng chưa có cơ sở khoa học nào chắc chắn về việc các chất phụ gia trong nước giải khát có gas có thể gây các bệnh như mỡ máu, tiểu đường, gút hay ung thư.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế gần đây cũng đã công bố trên trang web của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm về việc chất tạo màu caramel trong một số sản phẩm nước có gas phổ biến là an toàn. Hiện nay, mọi thực phẩm và đồ uống trước khi được lưu thông trên thị trường đều phải được cơ quan này kiểm tra và chứng nhận về chất lượng và độ an toàn đối với sức khoẻ, đặc biệt là đối với những chất phụ gia như chất tạo màu, tạo vị và chất bảo quản, là những phụ gia được sử dụng phổ biến trong các thực phẩm và đồ uống.

Nói như vậy để thấy rằng, lý do mà cơ quan soạn thảo đưa ra để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là hiện chưa đủ sức thuyết phục.

Trên thực tế, vì mục tiêu đảm bảo ngân sách, nhiều quốc gia đang đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng nước giải khát, nhưng họ không phân biệt nước có gas và nước không có gas.

Chẳng hạn, ở Thái Lan, Campuchia…, nhà nước đánh thuế 10% lên tất cả các loại đồ uống. Còn một số nước khác lại đang có xu hướng bỏ hoặc giảm sắc thuế này như Agentina, Đan Mạch, Bỉ, Indonesia, Pakistan, Philippines, Nam Phi, Zambia và một số bang của Mỹ…

Còn với người tiêu dùng, đành rằng lý do mà cơ quan thuế đưa ra cho việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào mặt hàng nước giải khát có gas cũng phần nào vì lý do bảo vệ sức khoẻ cho người sử dụng.

Tuy nhiên, với một sản phẩm đang được sử dụng phổ biến, rộng rãi như nước giải khát có gas, trong khi chưa gặp phải bất kỳ một khuyến cáo nào từ phía cơ quan y tế hay an toàn thực phẩm về độ nguy hại khi sử dụng, thì thiệt hại dễ nhìn thấy nhất của việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, đó là khiến người tiêu dùng phải “móc túi” trả thêm 10% khi mua các sản phẩm này.