18:09 26/11/2021

Ô tô nào nhanh nhất thế giới?

An Huy

Có rất nhiều kỷ lục đã được thiết lập, nhưng việc xác định đâu là ô tô nhanh nhất thế giới vẫn là một việc khó...

Porsche 919 Evo.
Porsche 919 Evo.

Chưa đầy một thập kỷ sau khi xuất hiện chiếc ô tô hiện đại đầu tiên - chiếc Patent Motor Wagen do Karl Benz chế tạo vào năm 1887 với vận tốc tối đa đạt 12 dặm (hơn 19 km)/giờ - thế giới đã bắt đầu có những cuộc đua toa xe không dùng ngựa kéo mà chạy bằng xăng để xác định xem đâu là chiếc xe chạy nhanh nhất.

Cuộc đua xe hiện đại đầu tiên trên thế giới diễn ra vào năm 1894 trên quãng đường Paris-Rouen đã xác định chiến thắng thuộc về một toa xe chạy bằng hơi nước và được cầm lái bởi bá tước de Dion. Tuy nhiên, do cần phải có một người đốt lò hơi, chiếc xe này được cho là không phù hợp với tiêu chuẩn của cuộc đua, và danh hiệu thắng cuộc đã được trao cho một chiếc Peugoet có công suất 3 mã lực và tốc độ trung bình trong cuộc đua đạt 11 dặm/giờ. Ở thời điểm đó, chiếc Peugeot này chính là xe chạy nhanh nhất thế giới.

Sau đó, mọi thứ bắt đầu “nóng” lên. Vào năm 1898, một chiếc Jeantaud Duc chạy điện do Gaston de Chasseloup-Laubat điều khiển đạt tốc độ 39,24 dặm/giờ. Vài năm sau, ông de Chasseloup-Laubat tham gia vào một cuộc đua quyết liệt với một người Bỉ có tên Camille Jenatzy, trong đó hai đối thủ dùng xe chạy hoàn toàn bằng điện để thiết lập kỷ lục trên mặt đất (land speed record).

Kỷ lục tốc độ do Jenatzy thiết lập trong vòng đua cuối cùng vào năm 1899 là 65,79 dặm/giờ, đạt được trên chiếc xe điện có hình một chiếc bút chì, chiếc La Jamais Contente. Kỷ lục này duy trì cho tới tận năm 1902 trước khi bị xô đổ vào tháng 4 năm đó bởi Leon Serpollet trên một chiếc ô tô chạy bằng hơi nước do chính người này chế tạo.

Và rồi kỷ lục 75,06 dặm/giờ của Serpollet cũng không tồn tại lâu. Ngay trong tháng 8/1902, William K. Vanderbit đã đạt tốc độ 76 dặm/giờ trên một chiếc ô tô chạy bằng xăng có tên là Mors.

1888 Benz PatentMotorwagen
1888 Benz PatentMotorwagen

Từ đây, động cơ đốt trong bắt đầu thống trị trong các cuộc đua tốc độ và đua ô tô. Cho tới thập niên 1930, những chiếc xe lập kỷ lục về tốc độ vẫn là loại được truyền động qua bánh xe, nhưng một số chiếc xe lập kỷ lục trên mặt đất bắt đầu trông giống như những chiếc máy bay phản lực. Xu hướng này được củng cố khi chiếc xe chạy bằng phản lực Spirit of America do Craig Breedlove điều khiển giành kỷ lục tốc độ tại cuộc đua Bonneville Salt Flats ở Mỹ vào năm 1963 với tốc độ 407 dặm/giờ.

Ở thời điểm đó, chiếc xe sản xuất đại trà có tốc độ nhanh nhất thế giới là chiếc Aston Martin DB4 thuộc dòng xe du ngoạn thoải mái (grand tourer) của nhà sản xuất đến từ nước Anh, với tốc độ tối đa đạt 152 dặm/giờ. Trên trường đua Công thức 1 (F1) khi đó, chức vô địch thế giới thuộc về Jim Clark với chiếc Louts 25.

Sự phân tán trên cho thấy rất khó để xác định đâu là chiếc xe nhanh nhất thế giới, bởi việc này không chỉ tuỳ thuộc vào định nghĩa thế nào là nhanh, mà còn tuỳ thuộc vào định nghĩa ô tô. Một chiếc xe nhanh như chớp trên những khúc cua ngoằn ngoèo của đường đua chuyên nghiệp lại có thể chạy chậm hơn trên đường thẳng. Tranh cãi còn diễn ra xung quanh việc chiếc xe lập kỷ lục tốc độ là xe sử dụng trên đường công cộng, hay chỉ cần là một thứ gì đó có 4 bánh và một động cơ.

Vậy đâu là chiếc ô tô nhanh nhất thế giới hiện nay? Do không có một “ban trọng tài” nào để xác định, trang Driving đã điểm qua một loạt hạng mục xe khác nhau:

Đầu tiên là xe giữ kỷ lục tốc độ trên mặt đất.

Kỷ lục tốc độ trên mặt đất hiện nay thuộc về một chiếc xe siêu thanh có tên Thrust SSC, một dự án của Anh. Chiếc xe này đạt tốc độ 763 dặm/giờ khi chạy trên sa mạc Nevada của Mỹ vào năm 1997, dưới sự điều khiến của Andy Green.

Thrust SSC
Thrust SSC

Thrust SSC là “ô tô” đầu tiên vượt qua tốc độ của âm thanh, nhờ được trang bị hai động cơ máy bay dạng turbofan do hãng Rolls-Royce chế tạo. Cặp động cơ này có tổng công suất khoảng 102.000 mã lực.

Được thiết lập cách đây gần 25 năm nhưng kỷ lục của Thrust SSC vẫn chưa bị phá vỡ, bất chấp nỗ lực của nhiều chiếc xe khác, gồm chiếc Bloodhound SSC (và gần đây là Bloodhound LSR). Bloodhound cũng là một dự án của Anh, được thúc đẩy bởi chính Richard Noble, người đứng sau dự án Thrust SSC và cũng từng nắm giữ kỷ lục tốc độ trên mặt đất. Theo dự định ban đầu, Bloodhound cũng sẽ do Andy Green điều khiển.

Bloodhound
Bloodhound

Về mặt lý thuyết, Bloodhound LSR – chiếc xe được trang bị động cơ phản lực và tên lửa đẩy - có thể đạt vận tốc 1.000 dặm/giờ và đã đạt tốc độ khi thử nghiệm là 628 dặm/giờ. Tuy nhiên, khó khăn tài chính đã gây trở ngại cho các cuộc chạy thử tiếp theo, và tương lai của dự án này hiện đang rất mờ mịt.

Cả Thrust và Bloodhound đều trông không giống những chiếc ô tô bình thường, và cả hai đều được trang bị động cơ phản lực hoặc tên lửa, không hề được truyền động qua bánh xe. Turbinator II – một chiếc xe của Team Vesco ở Mỹ - mới là chiếc xe truyền động bánh xe nhanh nhất thế giới, với tốc độ đạt được 503 dặm/giờ vào năm 2018.

Thứ hai là ô tô có thể sử dụng trên đường công cộng (street legal) đạt tốc độ nhanh nhất thế giới.

Đây cũng là một chủ đề khó. Chính thức mà nói, chiếc ô tô được sản xuất đại trà chạy nhanh nhất thế giới là chiếc Koenigsegg Agera RS với vận tốc tối đa đạt 277,8 dặm/giờ. Chiếc Agera RS lập kỷ lục tốc độ này là xe chưa qua chỉnh sửa, được trang bị động cơ V8 với công suất 1.160 mã lực. Kỷ lục được thiết lập vào năm 2017 trên một đoạn đường thẳng được đóng kín dài 11 dặm gần Las Vegas. Điều này có nghĩa là tốc độ tối đa mà chiếc Agrea RS đó đạt được là tốc độ cao nhất mà một chiếc ô tô từng đạt được khi chạy trên đường công cộng.

Một phần của khó khăn trong việc xác định chiếc xe sản xuất đại trà chạy nhanh nhất thế giới nằm ở việc không có một đơn vị quản lý chính thức nào về vấn đề này ngoài Sách kỷ lục thế giới Guinness. Các nỗ lực thiết lập kỷ lục cũng phải được thực hiện theo cả hai chiều để tính đến các yếu tố sức gió và độ dốc của mặt đường.

Kể từ sau kỷ lục của chiếc Agera RS, một chiếc xe mẫu trước sản xuất của chiếc Bugatti Chiron Super Sport 300+ được dỡ bỏ bộ giới hạn tốc độ đã đạt vận tốc 304,77 dặm/giờ tại đường thử xe Ehra-Lesssien của hãng Volkswagen ở Đức. Tuy nhiên, chiếc Chiron này không được trao kỷ lục tốc độ của một chiếc xe sản xuất đại trà, bởi ở thời điểm đó, Super Sport 300+ còn chưa phải là một mẫu xe sản xuất đại trà, và nỗ lực thiết lập kỷ lục đó mới chỉ được thực hiện trên một chiều đường.

Bugatti Chiron 2019
Bugatti Chiron 2019

Năm 2021, hãng Shelby Supercar (SSC) được tuyên bố đạt vận tốc 331 dặm/giờ với chiếc hypercar Tuatara trong một cuộc chạy ở Nevada. Tuy nhiên, hãng này sau đó buộc phải thừa nhận đã nói dối và kỳ thực chiếc Tuatara chưa bao giờ đạt tới vận tốc 300 dặm/giờ.

Thứ ba, đâu là chiếc xe đua nhanh nhất thế giới?

Các loại xe đua khác nhau có năng lực khác nhau, có loại rất nhanh trên một đường đua này, nhưng lại kém hơn trên một đường đua khác.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất thường sử dụng đường chạy Nurburgring Nordschleife ở Đức làm tiêu chuẩn để đánh giá xe đua mà họ làm ra. Là một con đường vòng vèo có tổng chiều dài 12,9 dặm, với 150 khúc cua và mặt đường vồng, đường chạy này được xem là nơi lý tưởng để chạy thử cho cả những mẫu xe dành cho sản xuất đại trà và xe đua. Bởi vậy, Nurburgring được coi là một tiêu chuẩn của ngành công nghiệp ô tô.

Porsche 919 Evo
Porsche 919 Evo

Kỷ lục hiện nay về quãng thời gian để một chiếc xe đua chạy hết đường chạy Nurburgring là 5 phút và 19,5 giây, thuộc về một chiếc Porsche 919 Evo. Chiếc xe này là phiên bản được hiệu chỉnh của một chiếc xe mẫu của cuộc đua Le Mans. Được điều khiển bởi tay đua Lemo Bernhard, chiếc xe sử dụng động cơ hybrid kết hợp giữa động cơ đốt trong và mô-tơ điện, đạt công suất 1.144 mã lực. Kỷ lục tốc độ của chiếc xe được thiết lập vào năm 2018.

Porsche 911 GT2 RS
Porsche 911 GT2 RS

Về xe sản xuất đại trà, kỷ lục tốc độ ở Nurburgring là 6 phút và 38,8 giây, thiết lập vào tháng 6/2021 bởi một chiếc Porsche 911 GT2 RS. Một lần nữa, những kỷ lục này lại gây tranh cãi khi nhiều người phân tích về giới hạn của thứ mà gọi là ô tô “hợp pháp trên đường công cộng” (street legal).

Và cuối cùng, đâu là ô tô tăng tốc nhanh nhất thế giới?

Những chiếc xe đua drag (loại hình đua xe trên đường đua cực ngắn) Top Fuel, sử dụng nhiên liệu là hỗn hợp nitromethane và methanol, có thể tăng tốc từ 0 lên 100 dặm/giờ chỉ trong vòng khoảng 0,8 giây đồng hồ, và thường hoàn tất đường chạy 1.000 feet (khoảng 305 mét) chỉ trong vòng khoảng 3,62 giây.

Xe đua drag  Top Fuel
Xe đua drag  Top Fuel

Hiện nay, chiếc xe sản xuất đại trà có khả năng tăng tốc nhanh nhất thế giới là Tesla Model S Plaid. Trong một số điều kiện nhất định, chiếc xe có thể chạy nước rút từ 0 lên 60 dặm/giờ chỉ trong 1,98 giây đồng hồ.

Tesla Model S Plaid
Tesla Model S Plaid