13:51 22/11/2021

Cuộc đua công nghiệp ô tô điện “nóng” lên

An Huy

Nóng không kém cơn sốt cổ phiếu ô tô điện là cuộc chạy đua giữa các nhà sản xuất, từ các hãng xe trăm năm tuổi cho tới những startup mới tinh....

Lắp ráp ô tô điện trong một nhà máy của Tesla ở Mỹ - Ảnh: Reuters.
Lắp ráp ô tô điện trong một nhà máy của Tesla ở Mỹ - Ảnh: Reuters.

Giới đầu tư ở Phố Wall đang đổ xô mua cổ phiếu của các hãng sản xuất ô tô điện, đặt cược vào sự dịch chuyển của ngành công nghiệp ô tô từ động cơ đốt trong sang động cơ điện – một xu hướng phù hợp với các mục tiêu về bảo vệ môi trường.

Nóng không kém cơn sốt cổ phiếu ô tô điện là cuộc chạy đua giữa các nhà sản xuất, từ các hãng xe trăm năm tuổi cho tới những startup mới tinh.

CƠN SỐT CỔ PHIẾU Ô TÔ ĐIỆN

Tuần vừa rồi chứng kiến sự bùng nổ về giá trị vốn hoá thị trường của hai startup ô tô điện còn ít người biết đến, đó là Rivian và Lucid.

Đầu tiên là vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Rivian - hãng xe điện do nhà sáng lập hãng thương mại điện tử Amazon.com, tỷ phú giàu thứ hai thế giới Jeff Bezos nắm cổ phần 20%. Huy động được gần 12 tỷ USD, cuộc phát hành này của Rivian là vụ IPO lớn nhất của một công ty Mỹ kể từ IPO của mạng xã hội Facebook vào năm 2012.

Một bằng chứng cho sức hút mãnh liệt của cổ phiếu xe điện: lúc đầu Rivian chỉ định bán 135 triệu cổ phiếu, nhưng lượng đặt mua “khủng” đã khiến công ty bán 153 triệu cổ phiếu trong cuộc phát hành này. Phiên chào sàn, giá cổ phiếu Rivian có lúc tăng tới 29%, đưa giá trị vốn hoá thị trường của công ty vượt qua mốc 100 tỷ USD ngay trong ngày đầu tiên trở thành công ty đại chúng. Đà tăng duy trì trong những phiên sau đó trước khi cổ phiếu này sụt giảm hơn 15% trong phiên ngày 17/11.

Với mức vốn hoá gần 125 tỷ USD, Rivian đang lớn hơn cả những hãng xe đồng hương có bề dày lịch sử như General Motors (GM), công ty ra đời năm 1908 và đang có mức vốn hoá gần 94 tỷ USD, hay Ford – công ty thành lập năm 1903 và vốn hoá hiện đạt xấp xỉ 80 tỷ USD.

Tiếp đến là màn gây ấn tượng của một startup xe điện khác, có tên Lucid – khi công ty này cho Ford “hít khói” về vốn hoá và rút ngắn khoảng cách với GM. Phiên giao dịch ngày 16/11, cổ phiếu Lucid tăng gần 24%, đưa giá trị vốn hoá vượt 89 tỷ USD.

Rivian và Lucid là hai trong số những startup ô tô điện lên sàn chứng khoán trên thế giới trong những năm gần đây, tranh thủ phong trào đầu tư cổ phiếu ô tô điện mà Tesla chính là nguồn cảm hứng. Đặc điểm chung của các startup này là vẫn thua lỗ và chưa hoặc mới bắt đầu cung cấp xe ra thị trường, nhưng cổ phiếu “đắt như tôm tươi”.

Lucid lỗ 524 triệu USD trong quý 3 vừa qua, và mới bắt đầu giao những chiếc sedan điện Lucid Air đầu tiên cho khách hàng trong tháng 10, dự kiến đến cuối năm nay bán được khoảng 575 chiếc xe này. Rivian lỗ khoảng 1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021, mới chỉ giao những chiếc xe đầu tiên của hãng cách đây 2 tháng, và chủ yếu là xe bán cho nhân viên. Trong năm nay, hãng dự kiến sản xuất khoảng 1.200 xe tại nhà máy ở Normal, Illinois.

Có thể nói, cơ hội cho các hãng sản xuất ô tô điện chưa bao giờ tốt hơn. Các mục tiêu đẩy tham vọng về chống biến đổi khí hậu của các nước trên thế giới, từ Trung Quốc tới Mỹ và châu Âu, đồng nghĩa với các chính phủ đã rót nhiều tỷ USD để trợ cấp cho ngành sản xuất xe điện trong những năm qua. Gần đây “bầu sữa” trợ cấp xe điện đã giảm xuống, nhưng các chính sách thuận lợi cho ngành này vẫn được đẩy mạnh, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng gần đây khiến nhu cầu dịch chuyển sang các phương tiện giao thông không sử dụng nhiên liệu hoá thạch càng trở nên cấp bách hơn.

Tại Mỹ, gói đầu tư cơ sở hạ tầng 1,2 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden bao gồm hạng mục phát triển hạ tầng cho ô tô điện, đặc biệt là mạng lưới xạc pin xe. Phát biểu khi tới thăm Detroit, thủ phủ của ngành công nghiệp ô tô Mỹ vào ngày 17/11, ông Biden nói rằng kế hoạch của ông là một cách để cạnh tranh với vị thế của Trung Quốc trên thị trường xe điện toàn cầu.

“Trong phần lớn thời gian của thế kỷ 21, chúng ta đã dẫn đầu thế giới một khoảng cách lớn… Nhưng Trung Quốc và phần còn lại của thế giới đang đuổi theo rất nhanh. Vậy thì chúng ta phải thay đổi tình thế này”, ông Biden nói khi xuất hiện tại nhà máy sản xuất ô tô điện Factory Zero của GM.

CUỘC ĐUA CHIẾM THỊ PHẦN

Đối mặt với mối đe doạ từ các hãng chuyên xe điện như Tesla, Lucid, Rivian, Nio…, các hãng xe truyền thống đứng ngồi không yên. Họ liên tục đưa ra cam kết phát triển xe điện và thể hiện sự cam kết đó bằng hàng tỷ USD vốn đầu tư.

Trên thực tế, những hãng xe lâu đời như: Toyota, Volkswagen, BMW, Daimler, GM, Ford, Chrysler… đã làm xe điện từ nhiều năm nay, nhưng hầu hết đều là các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) hoặc các chương trình marketing thử nghiệm. Sẽ phải mất nhiều năm để các hãng này xây dựng được một chuỗi cung ứng cũng như mạng lưới bán hàng và dịch vụ để có thể dịch chuyển sang sản xuất và bán đại trà ô tô điện. Các startup có quy mô sản xuất cũng còn rất khiêm tốn.

Bởi vậy, trang EV Volumes dự báo rằng trong mấy năm tới, Tesla được dự báo vẫn sẽ là “vua” của công nghiệp xe điện toàn cầu, dù thị phần của hãng này có thể giảm từ 23% hiện nay về mức 21% vào năm 2025. Mặc những biến động gần đây khi CEO của Tesla - Elon Musk - bán ra lượng cổ phiếu trị giá 8,8 tỷ USD trong vòng 7 ngày tính đến phiên ngày 17/11, cổ phiếu Tesla đã tăng khoảng 50% kể từ đầu năm và tăng gần 140% trong 12 tháng. Giới phân tích đã liên tục cảnh báo rằng Tesla được định giá quá cao so với giá trị thực, nhưng vốn hoá của hãng này đã điềm nhiên cán mốc 1.000 tỷ USD hồi tháng 10 và hiện đang ở mức khoảng 1.100 tỷ USD.

Đối với các hãng xe điện, có một “chìa khóa” để đạt tới khả năng sản xuất quy mô lớn, và đó là việc xây dựng được một chuỗi cung ứng về pin xe, bao gồm nhà máy sản xuất tấm pin, nguồn cung pin, và nguồn cung nguyên vật liệu cho việc sản xuất pin. Với tầm nhìn xa, ông Elon Musk – người giàu nhất thế giới hiện nay – đã hiểu điều này ngay từ những ngày đầu gia nhập cuộc chơi xe điện.

Đi sau Tesla, các hãng xe điện khác cũng nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của chuỗi cung ứng pin xe – bộ phận giữ vai trò “trái tim” của ô tô điện, tương tự như vai trò của động cơ đốt trong đối với chiếc ô tô truyền thống.

Volkswagen hiện đang mở rộng việc sản xuất hệ thống pin xe điện tại nhà máy của hãng ở Braunschweig, Đức. Hãng cũng đã mở một nhà máy để phục vụ cho việc thử nghiệm tái sinh pin xe và một phòng thí nghiệm chuyên về pin xe ở Chattanooga, bang Tennessee, Mỹ - nơi hãng sản xuất ô tô điện để cung cấp cho thị trường Bắc Mỹ. Volkswagen được EV Volumes dự báo sẽ trở thành hãng xe điện lớn thứ nhì thế giới về doanh số vào năm 2025, chiếm thị phần 12%.

Ford đã thành lập một liên doanh với Công ty SK Innovation để mở ba nhà máy pin lớn ở bang Kentuckey và Tennesse. GM gần đây công bố kế hoạch xây dựng một cơ sở phát triển pin ở Michigan. Cũng theo dự báo của EV Volumes, GM và liên doanh của hãng này với hai đối tác Trung Quốc Wuling và SAIC sẽ đứng thứ ba trong danh sách các hãng xe điện lớn nhất thế giới về doanh số vào năm 2025, với thị phần 8%. Tiếp sau sẽ là hãng xe Hàn Quốc Hyundai-Kia với thị phần 6%.

Trong khi đó, liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi và hãng xe điện Trung Quốc BYD - tất cả đều có vị trí đáng nể trên thị trường ô tô điện hiện nay - được cho là sẽ mất thị phần và sẽ bị “qua mặt” bởi Stellantis, hãng xe thành lập năm 2021 trên cơ sở sáp nhập Tập đoàn Fiat Chrysler Automobiles của Mỹ-Italy và Tập đoàn PSA của Pháp. Thị phần xe điện của Stellantis vào 2025 có thể đạt 7% từ 4% hiện nay, trong khi thị phần của Renault-Nissan-Mitsubishi có thể giảm từ 9% về 5%, và thị phần của BYD có thể giảm từ 6% về 3%.

Hiện đang khá chậm so với các hãng khác trong cuộc đua ô tô điện, hai “ông lớn” BMW và Toyota, được cho là sẽ tiến nhanh trong lĩnh vực này và chiếm thị phần tuy nhỏ nhưng cũng không đáng nể là 3% mỗi hãng trên thị trường ô tô điện toàn cầu vào năm 2025.