09:32 09/06/2008

OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế

Trung Việt

OECD dự báo, mức tăng trưởng của 30 nền kinh tế phát triển trong năm 2008 sẽ đạt 1,8%, thấp hơn so với dự báo 2,3% trước đây

OECD dự báo, kinh tế Mỹ, đầu tầu của nền kinh tế toàn cầu, tiếp tục trì trệ với mức tăng trưởng dự kiến 1,2% trong năm nay.
OECD dự báo, kinh tế Mỹ, đầu tầu của nền kinh tế toàn cầu, tiếp tục trì trệ với mức tăng trưởng dự kiến 1,2% trong năm nay.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa dự báo, mức tăng trưởng của 30 nền kinh tế phát triển trong năm 2008 sẽ đạt 1,8%, thấp hơn so với dự báo 2,3% đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái.

Tổ chức này khẳng định, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã vượt qua thời kỳ đen tối nhất, nhưng vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn.

Kinh tế Mỹ chưa hết trì trệ

OECD dự báo, kinh tế Mỹ, đầu tầu của nền kinh tế toàn cầu, tiếp tục trì trệ với mức tăng trưởng dự kiến 1,2% trong năm nay. Hiện nay đang xuất hiện những mối lo ngại trước nguy cơ nước Mỹ sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tương tự thập niên 70 của thế kỷ trước, khi tiền lương và giá cả bám đuổi nhau leo thang tới mức vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), ông Ben Bernanke cho rằng giá cả sinh hoạt tại Mỹ sẽ không rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như trong thập niên 70 của thế kỷ trước, do nền kinh tế Mỹ linh hoạt hơn trong việc đối phó với các khó khăn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, ông Bernanke cảnh báo, lạm phát của Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới và các nhà hoạch định chính sách cần chú ý đặc biệt tới vấn đề này. Tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong 5 tháng qua ở mức trung bình 3,5% (riêng tháng 4/08 lên tới 3,9%).

OECD nhận định, tốc độ tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Nhật Bản cũng sẽ chậm lại, với tăng trưởng dự kiến là 1,7% năm 2008. Sự suy giảm chung của các nền kinh tế lớn trong OECD cũng tác động tới các nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc và Ấn Độ. Tăng trưởng của các nền kinh tế đang nổi có dấu hiệu giảm sút, nhưng vẫn ở mức cao.

Theo OECD, tăng trưởng của Trung Quốc năm nay sẽ đạt 10%, so với mức 11,9% năm 2007; kinh tế Ấn Độ sẽ chỉ tăng trưởng 7,8%, so với mức 8,7% năm ngoái. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh hy vọng, Ấn Độ sẽ có thể vừa kiềm chế được lạm phát vừa hỗ trợ được tăng trưởng, trong bối cảnh lạm phát hiện đã ở mức cao nhất trong vòng 3,5 năm qua.

OECD dự báo, mức lạm phát của 30 nền kinh tế thành viên trong năm nay sẽ đạt mức trung bình 3,4%, đúng bằng mức lạm phát của khu vực Eurozone. Đây là mức lạm phát cao nhất của Eurozone kể từ khi đồng EUR được đưa vào lưu hành năm 1999.

Lạm phát tiếp tục leo thang ở châu Á

Bên cạnh những lo ngại về giá dầu, giá gạo và lương thực tăng cao, mối lo lớn nhất hiện nay của các nước châu Á là lạm phát ngày càng căng thẳng. Đây là thách thức gay gắt nhất đối với các nhà hoạch định chính sách châu Á, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997.

Lạm phát tại Hàn Quốc đã lên mức cao nhất trong 7 năm qua, tiến sát mức cao nhất trong vòng một thập kỷ qua. Chính phủ Hàn Quốc đang thúc ép Ngân hàng Trung ương nước này cắt giảm lãi suất. Chỉ số giá tiêu dùng CPI ở Hàn Quốc đã tăng 4,9% tháng 5/2008, cao nhất kể từ tháng 6/2001.

Tại Indonesia, Cục thống kê trung ương (BPS) cho biết, tháng 5, tỉ lệ lạm phát tính theo tháng ở nước này tăng 1,41% so với cùng kỳ năm trước, lên tới 10,35% và tăng 5,47% từ đầu năm tới nay. Ông Boediono, Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) dự báo, lạm phát cả năm 2008 có thể tới 11,5-12,5%.

Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, tỷ lệ lạm phát tháng 5 của nước này đã tăng lên tới 7,6%, cao nhất trong một thập kỷ qua. Tính trung bình 5 tháng qua, tỷ lệ lạm phát ở Thái Lan vào khoảng 5,8% và nhiều khả năng còn tăng tiếp.

Những số liệu đáng lo ngại này buộc các ngân hàng trung ương châu Á thắt chặt chính sách tiền tệ để ngăn giá sinh hoạt và giá dầu leo thang, tác động tới tiền lương và các chi phí khác. Tuy nhiên, chính phủ các nước châu Á lại lo ngại việc tăng lãi suất tiết kiệm có thể khiến tốc độ tăng trưởng vốn đã chậm lại càng chậm hơn.

Nhà kinh tế Huw McKay của Tập đoàn ngân hàng hàng đầu của Australia, Westpac nhận định: “Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, các ngân hàng trung ương châu Á chưa bao giờ phải đối mặt với cảnh ngộ tương tự”. Khoảng cách giảm sút giữa sản xuất và nhu cầu đồng nghĩa với việc các nền kinh tế sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tăng trưởng nhanh mà không đẩy giá lên cao.