10:26 28/08/2008

Olympic, “cục nợ” của các thành phố chủ nhà

Olympics đã đi qua 22 thành phố trên thế giới và để lại đằng sau những thành phố hoặc thay đổi tích cực hoặc què quặt

Mô hình sân vận động Olympic của London 2012.
Mô hình sân vận động Olympic của London 2012.
Vào thời điểm Bắc Kinh còn đang kết sổ Olympic, thủ đô London đã nhìn thấy triển vọng của việc tổ chức Olympic 2012.

Tuy nhiên trong thực tế, theo tờ The Independent, hiếm có thành phố nào biết tạo lợi nhuận từ sự kiện thể thao hành tinh này.

"Khổ" vì Olympic

Vào kỷ nguyên được gọi là hiện đại của mình, Olympic đã đi qua 22 thành phố trên thế giới, từ lớn (Los Angeles, London, Sydney) cho đến khiêm tốn (Seoul, Helsinki, Anwept) và để lại đằng sau những thành phố hoặc thay đổi tích cực hoặc trở nên què quặt.

Những kỳ Olympic thành công là giúp làm sống lại những khu phố không được quan tâm đầy đủ, kích thích trẻ em chơi thể thao và để lại một thành phố đầy cơ sở vật chất thể thao đẳng cấp thế giới và “bơi” trong những đồng Đôla kiếm được từ tổ chức sự kiện (Barcelona là một dẫn chứng). Và những kỳ Olympic thất bại là để lại gánh nặng nợ nần cho đất nước và thành phố đầy những dị dạng, như Athens chẳng hạn.

Mọi việc có vẻ tốt đẹp đối với London 2012, nhưng những rạn nứt đang bắt đầu xuất hiện. Boris Johnson, thị trưởng thành phố được bầu sau khi quyền đăng cai Olympic 2012 thuộc về London, đã tuyên bố rằng chẳng cần phải bơm tiền vào các địa điểm tổ chức thi đấu nếu không ai biết thật sự họ muốn làm gì.

Đầu năm nay, một nhóm dân biểu đã tố cáo huân tước Coe và ê kíp tổ chức thiếu tầm nhìn xa và chi tiêu vô tội vạ. Một nghiên cứu của chính phủ thực hiện tháng vừa rồi cho thấy rằng mức độ tham gia vào các sự kiện thể thao ở London đang tụt giảm. Và ngân sách Olympic 2012 đã tăng từ 3,4 tỉ Bảng Anh (4,3 tỉ Euro) lên 9,3 tỉ (11,7 tỉ Euro).

Dù có thể đã quá muộn để rút ra những bài học từ những thành phố đăng cai Olympics, nhưng các dẫn chứng dưới đây là khá rõ ràng.

Điểm mặt "nạn nhân"

Athens 2004: Bản tổng kết Olympic Athens có lẽ là tệ nhất hết thảy. Bốn năm sau lễ bế mạc, 21 trong số 22 địa điểm thi đấu đang bị hoang phế. Bể bơi vắng người và dơ bẩn, những người vô gia cư cất lều sinh sống trước khu thể thao Faliron và vẽ đủ thứ nguệch ngoạc lên đấy.

Với chi phí kỷ lục 9,3 tỉ bảng Anh (12 tỉ Euro), Olympic Athens đã để lại món nợ khổng lồ cho Hy Lạp. Trong những tháng sau đó, mức thâm hụt lên đến 500.000 Euro tính cho mỗi gia đình và cho đến nay người dân vẫn còn è cổ ra nộp thuế trả nợ. Chi phí bão dưỡng các địa điểm thi đấu đã khiến thành phố tiêu tốn đến 500 triệu bảng Anh (627 triệu Euro). Athens trở thành “hình mẫu” không nên theo khi đăng cai tổ chức Olympic.

Sydney 2000: Ngân sách tổ chức đã tăng theo hình xoắn ốc một cách khác thường tại Olympic: tăng gần gấp ba lần để lên đến 6 tỉ Đôla Úc (3,5 tỉ Euro) ngay trước khi chiếc huy chương đầu tiên được trao. Công viên Olympic Sydney - địa điểm chính của sự kiện - đã rơi vào quên lãng sau năm 2000. Người ta phải chờ đến 2005 mới thấy xuất hiện dự án cải tiến thành các căn hộ và văn phòng.

Atlanta 1996: Đây là kỳ Olympic đầu tiên được tài trợ gần như hoàn toàn từ các doanh nghiệp và quả bom nổ làm chết một du khách đe dọa xóa nhòa danh tiếng của thành phố và của cả Olympic. Tuy nhiên, Atlanta lại có một trong những bảng tổng kết Olympic khả quan nhất.

Ken Livingstone, cựu thị trưởng London đã đề nghị ban tổ chức London 2012 lấy Atlanta là hình mẫu. Hai thành phố này có sự đa dạng về chủng tộc và đều xem việc cải tạo trung tâm thành phố là trọng tâm của việc đăng cai.

Các khu nhà xây xung quanh Công viên Olympic thiên niên kỷ đã mang đến lớp cư dân mới cho trung tâm Atlanta và, theo các kế hoạch do thành phố lập ra, 20% tiền thuế phát sinh từ việc cải tạo được chuyển cho các khu phố nghèo hơn.

Barcelona 1992: Olympic đã làm thay đổi khung cảnh của Barcelona và diện mạo của thành phố này, biến nó thành một trong những điểm đến du lịch đông nhất châu Âu. Người ta đã xây một cảng mới và một số địa điểm thi đấu ăn ảnh nhất trong lịch sử Olympic xuất hiện trên ngọn đồi của thành phố. Olympic cũng đã biến Barcelona thành một trung tâm kinh doanh.

Theo báo cáo hàng năm, Barcelona đã nhảy vọt từ vị trí thứ 11 lên thứ 4 trong bảng xếp hạng các thành phố kinh doanh ở châu Âu. Và số phòng khách sạn đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2004.

Seoul 1988: Seoul đã cho thấy Olympic có thể có hệ quả về mặt chính trị. Trong khi mọi chú ý đang dồn vào Olympic, các cuộc biểu tình đòi dân chủ đã nổ ra, lãnh đạo Hàn Quốc bị mất chức và được thay bằng một chính phủ dân cử.

Luồng ngoại tệ đổ vào trong thời gian diễn ra Olympic nhờ các kênh truyền hình và tập đoàn tài trợ quốc tế vẫn không ngừng chảy sau khi các vận động viên trở về nhà. Hàng loạt doanh nghiệp kéo đến Seoul, nhờ đó Hàn Quốc trở thành cường quốc kinh tế đứng hàng thứ ba ở châu Á. Olympic cũng đã tạo đà tích cực cho thể thao Hàn Quốc.

Los Angeles 1984: Nếu có một kỳ Olympic có thể tự hào là đã làm thay đổi diện mạo của Olympic hiện đại, thì đó chính là Los Angeles. Thay vì xây dựng các địa điểm thi đấu nổi tiếng tạo hình ảnh bề ngoài nhưng làm thâm hụt ngân sách, ban tổ chức đã chọn cách cải thiện các cơ sở thi đấu hiện có.

Peter Ueberroth, chủ tịch ủy ban tổ chức, đã biến sự kiện này thành một doanh nghiệp. Los Angeles đã lãi hơn 200 triệu Đôla Mỹ, trở thành kỳ Olympic đầu tiên sinh lãi kể từ 1932. Ngoài ra, nó còn mang lại sự phát triển kinh tế của miền nam California, ước tính đạt 3,2 tỉ Đôla Mỹ (2,3 tỉ Euro) và 30% lợi nhuận được dùng tổ chức các hoạt động thể thao dành cho giới trẻ.

Điều đó cho thấy rằng ít ra cũng có một hướng thứ ba cho các thành phố lớn đăng cai: tận dụng Olympic để kiếm tiền và giới thiệu thể thao, rồi ngay sau đó chuyển sang làm chuyện khác.

(Theo TBKTSG)