23:12 20/08/2008

Quanh những chiếc ghế trống ở Olympic Bắc Kinh

Kiều Oanh

Thời tiết không phải là lý do duy nhất khiến nhiều người có vé xem thi đấu ở Olympic Bắc Kinh không tới sân vận động

Các em bé ở Trung Quốc với kiểu đầu chào mừng Olympic.
Các em bé ở Trung Quốc với kiểu đầu chào mừng Olympic.
Anh Li Ligong, 37 tuổi - giám đốc một công ty trang trí nội thất và là thành viên của một câu lạc bộ người hâm mộ bóng đá ở Bắc Kinh - đã cố tìm cách mua vé xem các trận đấu ở Olympic năm nay từ tháng 8 năm ngoái.

Anh đã nhiều lần cùng bạn bè cắm trại 3 ngày ròng trước khu vực bán vé trước mỗi đợt vé được bán ra, với hy vọng sẽ có được một tấm vé của bất kỳ môn thi đấu nào - cho dù đó là thể dục dụng cụ, bóng rổ, hay bơi lội - nhưng anh đã không gặp may.

Nhiều ghế trống

Tuy nhiên, vào ngày 11/8 vừa qua, tức là ba ngày sau khi Thế vận hội khai mạc, mọi cái đã thay đổi.

Hôm đó, anh Li nhận được một cú điện thoại từ câu lạc bộ mà anh là thành viên, hỏi anh có muốn đi xem trận đấu bóng đá giữa Canada và Thụy Điển trong khuôn khổ Olympic vào ngày 12/8? Tuyệt vời hơn, Li sẽ không phải bỏ ra một đồng nào.

Hôm sau, câu lạc bộ với hơn 100 người của anh đã có mặt trên những chiếc ghế trống ở Sân vận động Công nhân.

Chuyện này thực sự là một “bí ẩn” đối với các nhà báo và những khán giả có vé khác. Trước khi Thế vận hội bắt đầu, các nhà tổ chức của sự kiện này cho biết, toàn bộ 6,8 triệu vé của Olympic đã được bán hết. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 112 năm của lịch sử Thế vận hội mùa hè, vé không còn để bán.

Tuy nhiên, ngay trong tuần đầu tiên của Olympic, người ta có thể dễ dàng nhận thấy còn nhiều ghế trống trên khán đài của các sân vận động, không chỉ ở những sự kiện nhỏ, mà còn cả ở những trận thi đấu hấp dẫn của các môn bơi lội và bóng rổ.

Các nhà tổ chức Olympic đã nỗ lực giải quyết tình hình này bằng cách đề nghị thành viên của các câu lạc bộ bóng đá, học sinh các trường phổ thông, và cả người dân địa phương tới ngồi cho kín chỗ tại các trận thi đấu. Tuy nhiên, nhiều trận thi đấu vẫn có ghế bị bỏ trống.

Theo Ủy ban Tổ chức Olympic Bắc Kinh (BOCOG), trong ngày 11/8, có 20 trận thi đấu tại 18 sân vận động trên khắp Trung Quốc, với 40.000 khán giả theo dõi trực tiếp trên sân. Tuy nhiên, chỉ có 2 sân vận động có tỷ lệ lấp đầy chỗ trên 90% và 6 sân vận động có tỷ lệ này trên 80%. Còn lại quá nửa số sân vận động có ít nhất 30% ghế trống.

Những lý do

“Chúng tôi rất lo về tình trạng ghế trống trong các trận thi đấu. Tôi cho rằng lý do là thời tiết không tốt”, ông Wang Wei, Phó chủ tịch điều hành BOCOG cho biết. Tuy nhiên, cho dù thời tiết mưa, nóng và độ ẩm cao là một trở ngại đối với nhiều khán giả, ông Wang nói không chỉ thời tiết là trở ngại duy nhất.

“Đối với một số sự kiện như bóng rổ và bóng chuyền, một vé được dùng cho cả buổi sáng, buổi chiều hoặc buổi tối. Nhiều khán giả có thể chỉ muốn xem một trận đấu mà thôi”, ông Wang nói.

Tuy nhiên, Olympic năm nay không phải là kỳ Olympic duy nhất mà ban tổ chức phải đối mặt với chuyện ghế trống. Bốn năm trước, cũng có rất nhiều ghế trống ở Olympic Athens. Năm đó, ban tổ chức chỉ bán được có 2/3 toàn bộ số vé, mặc dù đã rất nỗ lực. Còn một lý do khác nữa là tại tất cả các kỳ Olympics, các ghế ở vị trí đẹp nhất tại các địa điểm thi đấu trong nhà thường được dành cho thành viên ban tổ chức hoặc các nhân vật quan trọng, nhưng cũng thường ít được sử dụng.

Mặc dù vậy, việc một ai đó là VIP không có nghĩa là họ được đảm bảo có vé trong những trận đấu được mong đợi nhất. Thậm chí cả cựu Chủ tịch Microsoft Bill Gates năm nay cũng phải đặt vé trước cho các trận đấu cầu lông ở Olympic.

Thêm vào đó, có một lượng vé lớn được chuyển cho các vận động viên và các doanh nghiệp tài trợ, thay vì được bán cho công chúng. Những nhà tài trợ lớn cho Olympic như Coca-Cola, McDonald’s hay Visa nhận được nhiều vé miễn phí để tặng cho khách hàng của họ. Song không phải ai được tặng vé cũng tới xem trực tiếp các trận đấu.

Một lý do khác là những khó khăn trong việc xin visa. Vài tháng trước khi diễn ra Olympic, Trung Quốc đã thắt chặt hoạt động cấp visa cho người nước ngoài nhằm mục đích đảm bảo an ninh. Người nước ngoài muốn tới Trung Quốc để làm ăn hoặc tham dự Olympic phải có thư mời từ một người đang ở Trung Quốc.

“Nhiều khách nước ngoài có kế hoạch tới Trung Quốc sau đó đã hủy bỏ kế hoạch này vì những khó khăn về giấy tờ”, một nhà chức trách cho biết. Còn những người xin được visa để tới Trung Quốc thì buộc phải ở trong những khách sạn với mức giá phòng cao bất thường trong dịp Olympic. Như khách sạn Red Hotel ở Bắc Kinh có giá phòng bình quân khoảng 262 USD/đêm kể từ trước khi Olympic khai mạc, cao gấp 6 lần bình thường.

Chính sách visa thắt chặt cũng buộc nhiều người nước ngoài đang sống và làm việc ở Trung Quốc phải rời nước này, mặc dù họ có vé xem Olympic. Đầu năm nay, cô Mathilde Deffieux còn làm việc ở Trung Quốc và cô đã mua vé xem thi đấu môn đấm bốc ở Olympic. Nhưng cô phải rời Trung Quốc trước ngày 28/7 và về Pháp vì visa của cô chỉ được gia hạn 1 tháng, thay vì 3 tháng như trước đây. Cô phải cho bạn bè vé mà cô đã mua, nhưng không chắc họ có thời gian để đi xem hay không.

Việc quản lý an ninh chặt hơn cũng là lý do khiến lượng khách nước ngoài tới Trung Quốc giảm tới 9,2% trong 7 tháng đầu năm nay, so với cùng kỳ năm ngoái, khiến tỷ lệ lấp đầy phòng ở nước này ở mức thấp, dù đang trong dịp Olympic. Hiện tỷ lệ lấp đầy phòng tại 22.300 phòng khách sạn 5 sao ở Bắc Kinh chỉ là 77,6%. Đối với 34.500 phòng 4 sao, tỷ lệ này là 45,5%. Hiện có tới hơn 60% phòng khách sạn 3 sao trở xuống ở thành phố này không có khách.

Tuy nhiên, trong cái rủi cũng có cái may. Những chiếc ghế trống đã tạo cơ hội cho nhiều người Trung Quốc, như anh Li ở đầu câu chuyện này, được xem Olympic miễn phí.

(Theo Business Week)