Ông Đỗ Cao Bảo: “Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất chip toàn cầu”
Sự cạnh tranh ngày càng sâu sắc giữa Washington (Mỹ) và Bắc Kinh (Trung Quốc) trong việc tiếp cận công nghệ cũng như việc Mỹ ban hành đạo luật chip đã có tác động rõ rệt đến các quốc gia Đông Á và mở ra cơ hội cho Việt Nam tham gia vào nhóm các quốc gia sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới...
Nhận định trên được ông Đỗ Cao Bảo, Thành viên HĐQT Tập đoàn FPT, chia sẻ trên trang cá nhân của mình cách đây ít phút. Ông Bảo dẫn thông tin tổng hợp từ các trang báo quốc tế (như Techmonitor, Asia Times, Nikkei, Bloomberg, New York Times), cho biết các quốc gia Đông Á, từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc đến Singapore, Malaysia và Việt Nam đều đang rất nỗ lực để đón xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu về chip bán dẫn, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất chip.
Theo đó, các chuyên gia quốc tế cho rằng, “người chiến thắng lớn nhất” trong cuộc đua này có thể là Việt Nam và rất có thể Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm sản xuất chip toàn cầu mới. Bằng chứng thuyết phục nhất là Việt Nam đang có sự gia tăng đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Cụ thể, năm 2021, Intel đã đầu tư 475 triệu USD vào nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip lớn nhất của hãng tại TP.HCM.
Hay tháng 8/2022, Samsung đã công bố khoản đầu tư trị giá 3,3 tỷ USD để mở rộng quy mô sản xuất linh kiện bán dẫn tại nhà máy Thái Nguyên (sẽ triển khai vào tháng 7/2023). Samsung cũng đang xây dựng một trung tâm R&D có qui mô 3.000 kỹ sư ở tây Hồ Tây, Hà Nội, dự kiến khai trương vào đầu năm 2023.
Tháng 11/2021, “gã khổng lồ” trong lĩnh vực bán dẫn, Amkor Technology (USA), đã ký một thỏa thuận đầu tư 1,6 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại tỉnh Bắc Ninh.
Ông Bảo dẫn chứng thêm về trường hợp Synopsys, một công ty dẫn đầu thế giới về thiết kế chip đang chuyển các hoạt động đầu tư và đạo tạo kỹ sư thiết kế chip sang Việt Nam. Synopsys có hai văn phòng tại TP.HCM và hai văn phòng tại Đà Nẵng với hơn 400 nhân viên và có kế hoạch bổ sung thêm 300 đến 400 người nữa.
Ông Đỗ Cao Bảo cũng ví dụ về FPT Semiconductor, thành viên của tập đoàn FPT mới đây đã ra mắt dòng chip bán dẫn đầu tiên trong lĩnh vực IoT cho Y tế và đã có kế hoạch cung cấp 25 triệu chip trên toàn cầu trong 3 năm tới.
Với các khoản đầu tư nước ngoài trên, theo ông Đỗ Cao Bảo, đã tạo ra những đột phá trong việc đưa Việt Nam tham gia vào nhóm các quốc gia sản xuất chip và có thể trở thành một trong những trung tâm sản xuất chip toàn cầu.
Trong đó, việc Synopsys chuyển việc đào tạo kỹ sư thiết kế chip sang Việt Nam và FPT thiết kế, tổ chức sản xuất và thương mại chip IoT cho y tế là những bước khởi đầu đầy hứa hẹn đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng chip toàn cầu. “Con đường đi tốt nhất của Việt Nam là bắt đầu từ các con chip IoT cho y tế, chip cho tủ lạnh, máy điều hoà không khí, máy giặt. Khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, chúng ta sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo”, ông Đỗ Cao Bảo nhìn nhận.
Và rằng, theo ông, việc tham gia vào chuỗi giá trị chip bán dẫn có nghĩa là Việt Nam có cơ hội chia phần trong chiếc bánh có qui mô 1.500 tỷ USD (vào năm 2030) với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 12%. “Chỉ cần 10% trong chiếc bánh 1.500 tỷ USD cũng đủ giúp Việt Nam cất cánh, bởi chip bán dẫn là công nghệ nền tảng cho tất cả các công nghệ khác, không chỉ trong quốc phòng, an ninh, máy bay, tên lửa, tàu chiến mà cả trong tất cả các thiết bị ở xung quanh chúng ta”, ông Bảo cho hay.
Theo Gartner, năm 2021, ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu mang về doanh thu gần 600 tỷ USD. Tại Việt Nam, số lượng tổ chức và doanh nghiệp trong ngành chip vi mạch bán dẫn phần lớn tập trung vào các trường đại học kỹ thuật hoặc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhà máy sản xuất.