Cuộc khủng hoảng chip (bán dẫn) trên toàn cầu vẫn đang diễn ra và được dự đoán sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới. Chính phủ một số quốc gia và nhiều tập đoàn công nghệ trên thế giới đã công bố các kế hoạch đầu tư hàng chục tỷ USD để gia tăng năng lực và mở rộng thêm các nhà máy sản xuất bán dẫn để củng cố khả năng cạnh tranh và tạo lợi thế trong tương lai.

Lĩnh vực sản xuất bán dẫn của Việt Nam đã được “định hình” từ năm 1979, tuy nhiên đến nay Việt Nam vẫn chưa thực sự có một nhà máy sản xuất bán dẫn đúng nghĩa. Đâu là lý do khiến sản xuất bán dẫn của Việt Nam vẫn nằm trong quy mô... “phòng thí nghiệm"? Liệu Việt Nam có thể bắt tay đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bán dẫn lúc này để “điền tên” vào bản đồ các quốc gia sản xuất bán dẫn trên thế giới? 

Với chủ đề: “Gập ghềnh con đường bán dẫn”, VnEconomy sẽ cùng bạn đọc đi tìm câu trả lời cho những băn khoăn đó trong 3 bài viết sau đây. 

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

VnEconomy

Gập ghềnh con đường bán dẫn - Ảnh 1

Bài 1: Việt Nam vẫn chưa có nhà máy sản xuất vi mạch

Ngành công nghiệp bán dẫn (vi mạch) là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Chính phủ đã xem vi mạch là sản phẩm trọng điểm quốc gia thông qua các chương trình đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm...

Công nghiệp vi mạch điện tử là một trong 9 ngành trọng điểm đã được Chính phủ quan tâm và đầu tư từ rất sớm. Tiêu biểu là “Nhà máy bán dẫn Việt Nam” (Nhà máy Z181) mà tiền thân là Phân viện Vật lý kỹ thuật - Viện Kỹ thuật quân sự đã được Chính phủ cho thành lập từ năm 1979.

Nhà máy Z181 được đầu tư đồng bộ các dây chuyền công nghệ gồm các thiết bị để nghiên cứu và sản xuất vật liệu, linh kiện bán dẫn điện tử như transitor, diod, thyristor, sensor bán dẫn và các sản phẩm điện tử khác. Từ năm 1979 - 1989, một số sản phẩm của Nhà máy Z181 đã được xuất khẩu sang các nước các nước Đông Âu như Tiệp Khắc, Liên Xô, Ba Lan.

TỪNG ĐƯỢC QUAN TÂM VÀ ĐẦU TƯ RẤT SỚM 

Tuy nhiên, do không thể cạnh tranh cũng như trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sản xuất bán dẫn trên toàn cầu, hoạt động nghiên cứu và sản xuất vật liệu, linh kiện bán dẫn điện tử của Nhà máy Z181 dường như đã “khép” lại. 

Gập ghềnh con đường bán dẫn - Ảnh 2

Thực tế, trong khoảng hơn 10 năm qua đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực điện tử vi mạch như Tập đoàn Intel, Jabil, Sonion, Datalogic, GES... tại Khu công nghệ cao Tp.HCM (SHTP) hay các tập đoàn Microchip, Renesas, Applied Micro (AMCC), Marvell, Arrive Technologies, eSilicon, Sigma Designs, Uniquify... chuyên về gia công thiết kế các sản phẩm vi mạch và phần mềm nhúng trên địa bàn.

Trong nước, tiêu biểu có Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) đang trong quá trình nghiên cứu chuẩn bị đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất chip hay Công ty TNHH Nghiên cứu và Triển khai quang lượng tử Việt Mỹ (UVP) đang sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm linh kiện bán dẫn công suất (wafer FRED 200V, wafer Schottky Diode...) cho các đối tác nước ngoài.
Được sự cho phép của Ủy ban nhân dân Tp.HCM, Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn Tp.HCM (HSIA) được thành lập năm 2013. HSIA hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, phổ biến, ứng dụng, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngành vi mạch bán dẫn tại Tp.HCM.

Nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế và xúc tiến đầu tư vào Tp.HCM, tìm kiếm cơ hội kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài, HSIA đã tổ chức ký kết nhiều Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác với các hiệp hội trên thế giới như Hội Công nghệ Điện tử và Vi mạch bán dẫn Kyushu (SIIQ), Hiệp hội Hỗ trợ thương mại bán dẫn Á châu (ASTSA), Hiệp hội Công nghệ Thiết bị và Vật liệu bán dẫn quốc tế (SEMI), Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn Singapore (SSIA), Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn Hàn Quốc (KSIA)...

 
Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/04/2012 về phê duyệt “Danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012 thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020”, trong đó xác định và chỉ rõ “vi mạch điện tử” được xem là một trong 9 sản phẩm chủ lực phát triển của đất nước.

Có thể nói, Tp.HCM là địa phương đi đầu và duy nhất hiện nay có ban hành Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch hoàn chỉnh. Ủy ban nhân dân Tp.HCM đã phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch, giai đoạn 2013 – 2020 bao gồm 10 đề án/dự án thành phần tại các Quyết định số 6358/QĐ-UBND ngày 14 /12/2012 và Quyết định số 1780/QĐ-UBND ngày 17/04/2015.

Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã hết sức quan tâm và ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ cao nói chung và vi mạch bán dẫn nói riêng. Tiêu biểu là một số chính sách như Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020”, Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020”. Đặc biệt, Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/04/2012 về phê duyệt “Danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012 thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020”, trong đó xác định và chỉ rõ “vi mạch điện tử” được xem là một trong 9 sản phẩm chủ lực phát triển của đất nước.

Gập ghềnh con đường bán dẫn - Ảnh 3

Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg về “Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển” và “Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển”, trong đó chỉ rõ các công nghệ thiết kế, chế tạo vi mạch bán dẫn và sản phẩm vi mạch bán dẫn thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Ngoài ra, Chính phủ thông qua các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước và Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia, các Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) và Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì đã hỗ trợ nhiều hoạt động nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm các sản phẩm vi mạch bán dẫn.

NHƯNG VẪN CHƯA CÓ NHÀ MÁY SẢN XUẤT VI MẠCH 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HSIA, cho rằng ngành sản xuất vi mạch thực sự là bài toán “con gà – quả trứng”. Nếu doanh nghiệp không có thị trường ban đầu thì không có cơ hội để tồn tại, hoàn thiện và phát triển sản phẩm và từ đó mất khả năng cạnh tranh và không thể tham gia thị trường.
Bên cạnh đó, ngành vi mạch điện tử là ngành yêu cầu rất cao về cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động nghiên cứu, thiết kế như các phần mềm lõi IP phục vụ thiết kế vi mạch, các phòng thí nghiệm với các máy móc chuyên dùng cho hoạt động sản xuất thử nghiệm đa phần vượt quá khả năng đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, của các trường – viện. 

 
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có một nhà máy sản xuất vi mạch (chip điện tử) đúng nghĩa. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn gia công thiết kế (outsourcing) vi mạch hoặc láp ráp – kiểm định (back – end) là chính.

HSIA cũng đã đề xuất Chính phủ và các địa phương một số chính sách để hỗ trợ cho việc phát triển thị trường vi mạch như: các chính sách về đấu thầu, vay tài chính, bảo hiểm, truyền thông... ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có những sản phẩm ứng dụng vi mạch Việt (do Việt Nam tự chủ trong nghiên cứu thiết kế hoặc sản xuất) tham gia vào các dự án sử dụng ngân sách của Nhà nước như chiếu sáng công cộng, vé xe thông minh, điện lực, viễn thông, y tế...

Đối với những dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến yếu tố như an toàn an ninh thông tin (truyền hình, viễn thông), an toàn năng lượng (dầu khí, điện lực) từng bước ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật cho các thiết bị và tiêu chí bắt buộc ứng dụng các sản phẩm vi mạch Việt. Đây là giải pháp căn cơ tạo cơ sở cho sự phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và có tính khả thi cao.

Sản xuất linh kiện IC bán dẫn tại Công ty Mtex (Nhật Bản) trong KCX Tân Thuận, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất linh kiện IC bán dẫn tại Công ty Mtex (Nhật Bản) trong KCX Tân Thuận, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có một nhà máy sản xuất vi mạch (chip điện tử) đúng nghĩa. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn gia công thiết kế (outsourcing) vi mạch hoặc láp ráp – kiểm định (back – end) là chính.

Hầu hết các chuyên gia đều nhìn nhận: ngành vi mạch Việt còn một khoảng cách rất xa so với các nước phát triển. Chúng ta khó có thể cạnh tranh với các tập đoàn hàng đầu thế giới như Intel, Qualcomm, Samsung, Sony, Toshiba, STMicroelectronics, NXP, MediaTek... với các dòng chip (vi xử lý, bộ nhớ, đồ họa...) đã có nhiều năm phát triển và ứng dụng trong các sản phẩm cao cấp như máy tính, điện thoại thông minh, ti vi thông minh... mà chỉ nên tập trung vào những sản phẩm vừa sức, có vòng đời sử dụng dài và đáp ứng các nhu cầu bức thiết của xã hội và có thị trường ứng dụng cao.

Hiện nhu cầu trong nước về ứng dụng các sản phẩm vi mạch điện tử là rất lớn trong các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao (truy xuất nguồn gốc thực phẩm, quản lý và điều khiển tự động trong tưới tiêu hay nuôi trồng thủy sản...), cơ sở hạ tầng (đặc biệt là xu hướng đô thị thông minh, giao thông thông minh, điện lực, chiếu sáng, viễn thông...), an ninh quốc phòng (hộ chiếu, chứng minh nhân dân điện tử),...

Theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), xu hướng IoT (Internet of Things) đã dần hình thành nên một thị trường rất lớn cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia. Với hơn 95 triệu dân, nền kinh tế đang phát triển là một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước.

Thực hiện: Hồng Vinh
Bài 2: Việt Nam có nên đầu tư nhà máy sản xuất chip?