23:10 23/04/2008

“Ông lớn” đầu tư: Hàng chục nghìn tỷ đồng bất ổn

Minh Đức

Hàng chục nghìn tỷ đồng đang nằm trong bất ổn khi các doanh nghiệp lớn “vung tay” đầu tư

Đầu tư tài chính đứng trước thua lỗ lớn khi thị trường chứng khoán suy giảm mạnh và kéo dài.
Đầu tư tài chính đứng trước thua lỗ lớn khi thị trường chứng khoán suy giảm mạnh và kéo dài.
Hàng chục nghìn tỷ đồng đang nằm trong bất ổn khi các doanh nghiệp lớn “vung tay” đầu tư.

Những con số vừa được Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Tài chính công bố hé mở dần những lo ngại “ảo” trong thời gian qua về hoạt động đầu tư của những doanh nghiệp lớn.

Một lần nữa, việc xa rời những trục hoạt động chính của doanh nghiệp lại được cảnh báo với những rủi ro đã và đang hiện hữu.

15.000 và 23.300 tỷ đồng

Tính đến cuối năm 2007, số liệu thống kê chưa đầy đủ của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết số tiền mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước rót cho đầu tư tài chính, chứng khoán, bất động sản, ngân hàng… lên tới trên 15.000 tỷ đồng.

Cụ thể, đến thời điểm trên có 16 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng với tổng giá trị đầu tư là 4.965 tỷ đồng; 9 tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán với 316 tỷ đồng; 12 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tài chính, bảo hiểm với tổng giá trị 6.518 tỷ đồng; 13 tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với 2.331 tỷ đồng…

Còn theo số liệu của Bộ Tài chính, số vốn đầu tư ra bên ngoài của các tập đoàn, tổng công ty có giá trị lên đến gần 117.000 tỷ đồng; trong đó, có 28/70 tổng công ty có hoạt động vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm,… với giá trị lên đến hơn 23.300 tỷ đồng.

Ngoài ra, phía sau việc mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh, đầu tư là sự gia tăng số lượng doanh nghiệp thành viên của những tập đoàn, tổng công ty lớn nói trên. So với năm 2006, số lượng công ty con đã tăng 10% (68 công ty) và công ty liên kết tăng 39% (184 công ty). Và tiêu biểu vẫn là Vinashin; trong năm 2007, tập đoàn này đã tăng 43 công ty con và 111 công ty liên kết, liên doanh…

Rủi ro lớn

Nhìn lại, những khuyến cáo gần đây về rủi ro trong hoạt động đầu tư “tay trái” của nhiều doanh nghiệp đang có thêm cơ sở xác định.

Những con số trên 15.000 tỷ đồng và trên 23.300 tỷ đồng vốn đầu tư của những doanh nghiệp lớn này có điểm đến là chứng khoán, ngân hàng, bất động sản…, những lĩnh vực bắt đầu thể hiện bất ổn và suy giảm mạnh từ đầu năm 2008 đến nay.

Theo giải thích của lãnh đạo Vinashin, hoạt động đầu tư của tập đoàn nói trên là nhằm mục đích thu lợi nhuận (cao hơn các lĩnh vực khác) để phục vụ cho mục đích phát triển dài hạn. Nhưng với sự suy thoái của thị trường chứng khoán, khó khăn của thị trường bất động sản, xáo trộn trong hoạt động ngân hàng… thời gian qua, những giá trị đầu tư đó khó đảm bảo được mục đích ban đầu.

Đáng chú ý, theo Bộ Tài chính, tổng mức đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản của Vinashin bằng 1,1 lần vốn chủ sở hữu “chứng tỏ Vinashin đã sử dụng vốn vay để đầu tư tài chính”. Đây lại là một hạn chế nữa.

Còn theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, hiện nay nhiều tập đoàn đã sử dụng vốn vay để đầu tư tài chính như đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản… với số lượng vốn gấp từ 1 đến 2 lần số vốn chủ sở hữu; điều này ẩn chứa rủi ro lớn nếu các thị trường đó không phát triển, hoặc có dấu hiệu giảm sút. Và việc huy động vốn của nhiều tập đoàn mang tính tràn lan, hiệu quả đầu tư không cao do phải trả lãi ngân hàng nhiều.

Ngoài ra, theo Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, lo ngại khác còn tập trung ở rủi ro từ tính chất “tay trái” của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, nhất là trong những lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán…

Bộ Tài chính cho biết, để chấn chỉnh, trong thời gian tới sẽ có những sửa đổi trong nội dung Nghị định 199, dự kiến quy định Hội đồng Quản trị các công ty nhà nước chỉ được phép vay vốn bằng 3 lần vốn điều lệ; doanh nghiệp nhà nước đầu tư vốn ra bên ngoài cũng chỉ được tối đa bằng vốn điều lệ, cũng như tăng cường cơ chế giám sát hợp lý những hoạt động đầu tư này.