“Ông trùm” sushi Nhật Bản chi hơn 3 triệu USD mua một con cá ngừ
Chủ một chuỗi nhà nhà hàng sushi nổi tiếng ở Nhật Bản trả mức giá kỷ lục 3,1 triệu USD để mua một con cá ngừ khổng lồ
Chủ một chuỗi nhà nhà hàng sushi nổi tiếng ở Nhật Bản ngày 5/1 đã trả mức giá kỷ lục 3,1 triệu USD để mua một con cá ngừ khổng lồ tại phiên đấu giá đầu năm ở chợ cá mới của Tokyo - hãng BBC đưa tin.
Ông Kiyoshi Kimura, người tự xưng là "vua cá ngừ" đã trả số tiền trên để sở hữu con cá ngừ vây xanh nặng 278 kg thuộc loài cá đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Mức giá kỷ lục trước đó của phiên đấu giá cá ngừ đầu năm ở chợ cá lớn nhất Tokyo được thiết lập vào năm 2013, khi ông Kimura trả 1,4 triệu USD để mua con cá ngừ ngon nhất.
Theo truyền thống, các nhà bán buôn và chủ các nhà hàng sushi ở Nhật thường trả giá cao cho con cá ngon nhất trong phiên đấu giá đầu năm diễn ra trước khi mặt trời mọc.
"Tôi đã mua được một con cá ngừ ngon", ông Kimura hồ hởi nói sau phiên đấu giá. "Mức giá cao hơn so với tôi nghĩ lúc đầu. Nhưng tôi hy vọng là khách hàng sẽ thưởng thức con cá ngừ tuyệt vời này".
Ông Kimura là Chủ tịch công ty Kiyomura vận hành chuỗi nhà hàng Sushi-Zanmai nổi tiếng tại Nhật. Trong 8 năm qua, có 7 năm ông là người trả mức giá cao nhất trong phiên đấu giá cá đầu năm.
Phiên đấu giá cá đầu năm 2019 ở chợ cá Toyosu, Tokyo - Ảnh: EPA/BBC.
Đây là phiên đấu giá cá đầu năm diễn ra lần đầu tiên tại chợ cá mới ở Toyosu, khu chợ được xây dựng trên nền một nhà máy khí đốt cũ và đi vào hoạt động hồi tháng 10 năm ngoái. Trước đây, chợ cá nổi tiếng này của Tokyo đặt ở Tsukiji suốt từ năm 1935 và là chợ cá lớn nhất thế giới, thu hút một lượng du khách lớn ghé thăm hàng năm.
Những lo ngại về tình trạng xuống cấp của chợ cá Tsukiji đã dẫn tới việc chuyển khu chợ tới một nơi rộng lớn và được trang bị tốt hơn.
Cá ngừ vây xanh đã được Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF) đưa vào danh sách những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, loài cá này rất được ưa chuộng để chế biến món sushi của Nhật Bản.
Tháng trước, Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ nối lại việc đánh bắt cá voi vì mục đích thương mại. Nước này nói sẽ rút khỏi Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC), tổ chức ban lệnh cấm đánh bắt cá voi vì mục đích thương mại từ năm 1986 sau khi một số loài cá voi rơi vào tình trạng gần như tuyệt chủng.
Các nhóm bảo tồn động vật hoang dã cảnh báo rằng động thái trên của Nhật bản có thể sẽ dẫn tới những hậu quả tiêu cực.