11:02 20/12/2007

Ôtô hàng rong mọc khắp thành phố

Hàng rong "quang gánh" bây giờ phải “ngả mũ” trước ôtô khi gần đây, tại Tp.HCM xuất hiện khá nhiều ôtô bán hàng lưu động

Việc tiếp thị và bán hàng lưu động như trên được một số người đánh giá là nhạy bén và thu hút khách.
Việc tiếp thị và bán hàng lưu động như trên được một số người đánh giá là nhạy bén và thu hút khách.
Hàng rong "quang gánh" bây giờ phải “ngả mũ” trước ôtô khi gần đây, tại Tp.HCM xuất hiện khá nhiều ôtô bán hàng lưu động.

Bán rong hàng tấn

Trên đường Thành Thái (quận 10, Tp.HCM), sáng và chiều đều xuất hiện xe bán bánh mì hamburger, khoai tây, nước uống đậu sát lề đường. Xe này được tận dụng từ xe lam, chỉ cần sơn phết lại, bỏ các băng ghế, thế là thùng xe biến thành nhà bếp. Tương tự, một số xe ôtô, xe tải cỡ nhỏ bán bánh mì, bánh ngọt gắn hiệu Hỷ Lâm Môn, Đức Phát... cũng xuất hiện rải rác khắp thành phố, nhất là khu quận 1, quận 6, quận 7.

Ở trung tâm thành phố, khu vực công viên 23-9 có hai xe ôtô bán nước giải khát hiệu Mobile Coffee đậu thường trực. Xe là loại xe du lịch “cá mập” đã được dọn sạch “ruột” đi, làm thành một “cửa hàng di động”. Khách ghé mua thức uống rồi mang đi, cũng khá gọn gàng.

Thậm chí cách đây ít lâu, một xe buýt cỡ 30 chỗ ngồi tiếp thị rượu hiệu B. vẫn xuất hiện ở khu vực trung tâm, khoang xe được thiết kế như một quầy bar thực thụ. Xe rượu di động này dừng trước các quán cà phê lớn ở khu trung tâm, mời chào dùng thử miễn phí.

Việc tiếp thị và bán hàng lưu động như trên được một số người đánh giá là nhạy bén và thu hút khách. Thậm chí một cán bộ quản lý về đô thị cũng cho rằng việc bán này mới, lạ, trông cũng hay hay, sạch sẽ và vệ sinh hơn hàng rong, xe đẩy.

Không cần xin phép

Sở Thương mại Tp.HCM cho biết không hề cấp phép cho doanh nghiệp bán hàng lưu động như trên. Hiện tại, chỉ có Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Tp.HCM (Saigon Co.op) là được cấp phép bán hàng lưu động nhằm phục vụ bà con vùng xa thành phố và chỉ bán trong từng dịp lễ, Tết nhất định. Việc cấp phép bán lưu động này không có nghĩa là bán hàng “rong”.

Thậm chí sở này cũng cho biết không có cơ quan nào có thể cấp phép cho kiểu bán hàng lưu động nói trên vì ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn giao thông.

Theo Nghị định 39/2007 thì những người bán hàng rong (bánh mì, vé số, bán báo, đánh giày...) không phải đăng ký kinh doanh, không phải xin phép hoạt động nhưng khi hoạt động thì phải tuân thủ các quy định về thương mại, trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm...

Lâu nay, việc xử lý đối với hàng rong do các đội quản lý trật tự đô thị ở quận, huyện thực hiện, chủ yếu nhắm vào việc bán rong lấn chiếm lòng lề đường, gây cản trở giao thông mà xử phạt.

Theo Nghị định 146/2007 xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ thì việc “dùng xe đẩy làm quầy hàng lưu động” có thể bị phạt đến 60.000 đồng. Nếu “chiếm dụng hè phố, lòng đường để sản xuất, gia công hàng hóa, kinh doanh” sẽ bị phạt đến một triệu đồng.

Không chiếm dụng: Không “đụng” quy định

Bán hàng lưu động bằng xe ôtô mà lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thì cũng bị xử lý tương tự như các xe đẩy bán rong khác. Tuy nhiên, sẽ xử phạt như thế nào nếu việc buôn bán đó không mang tính “chiếm dụng”?!

Ví dụ cụ thể trường hợp xe ôtô Mobile Coffee ở công viên 23-9, người bán đã thuê hẳn chỗ đậu xe cho chiếc xe này ở khu vực đậu xe có thu phí. Vì vậy, việc đậu xe là hợp pháp. Thậm chí người bán hàng cũng không bày biện bàn ghế gì xung quanh “quầy hàng” của mình. Như vậy, khó mà nói rằng chiếc xe này chiếm dụng lòng đường.

Ông Dương Công Khanh, phụ trách Phòng Pháp chế (Chi cục Quản lý thị trường), cho rằng việc cho phép đậu xe là đậu xe “chết” chứ không phải đậu xe để kinh doanh trên xe và kinh doanh tại chỗ đậu xe đó. Vì vậy, dù chiếc xe bán rong trên đã thuê được một chỗ đậu xe hợp pháp nhưng sẽ không được phép kinh doanh trên xe.

Tuy nhiên, nếu muốn xử phạt thì phải có quy định cụ thể hành vi vi phạm, mức phạt, cơ quan có thẩm quyền phạt. Trong khi đó, không có quy định cụ thể xử phạt cho trường hợp trên.

Vì vậy, một nguồn tin từ Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1 cho biết quận 1 tuy biết tình trạng buôn bán này nhưng bó tay, chưa xử phạt được, đành phải báo cáo thành phố để có hướng giải quyết sau. 

Theo Nghị quyết 32/2007 thì từ ngày 1/1/2008 sẽ đình chỉ lưu hành các xe ôtô đã hết niên hạn sử dụng; xe công nông; xe ba, bốn bánh tự chế. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu, xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ. Như vậy, các xe bán hàng rong tự chế ba, bốn bánh có thể sẽ nằm trong diện bị đình chỉ lưu hành.

Nếu hàng rong “truyền thống” bị giảm bớt thì ôtô bán rong sẽ phát triển lấp chỗ. Nếu cơ quan quản lý không chuẩn bị hướng đối phó kịp thời, e rằng ôtô hàng rong sẽ gây tác động tiêu cực chứ không đơn giản là “nhạy bén, mới, lạ, coi cũng hay hay” như hiện nay.