10:03 25/02/2011

“Phải đưa hết lao động Việt Nam rời Libya an toàn”

Vũ Quỳnh

Phương án trước mắt là phải đưa hết lao động Việt Nam rời Libya an toàn. Sẽ có chính sách hỗ trợ để người lao động không bị thiệt thòi

Công nhân Thổ Nhĩ Kỳ được đưa từ Libya đến cảng Marmaris bằng phà biển - Ảnh: Reuters.
Công nhân Thổ Nhĩ Kỳ được đưa từ Libya đến cảng Marmaris bằng phà biển - Ảnh: Reuters.
Xung quanh diễn biến về tình hình bạo loạn ở Libya, ngày 24/2, cuộc họp giữa Bộ Lao động - Thương binh và xã hội với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và các cơ quan có liên quan đã thống nhất quan điểm, bằng mọi biện pháp để đưa lao động Việt Nam về nước an toàn.

Tại cuộc họp báo diễn ra ngay sau đó, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, hiện có 10.462 lao động Việt Nam đang làm việc tại Libya, trong lĩnh vực xây dựng.

Lao động Việt Nam chủ yếu làm việc cho các nhà thầu nước ngoài trúng thầu tại Libya như nhà thầu Hy lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Đức… chứ rất ít lao động làm việc cho các doanh nghiệp Libya. Trong số đó, có khoảng 2.000 lao động đang làm việc tại thành phố Bengazi, là thành phố xảy ra bạo loạn lớn; khoảng 5.000 lao động đang làm việc tại Tripoli, cũng là vùng đang xảy ra biểu tình. Số còn lại làm việc ở các khu vực khác.

Cho đến thời điểm này, chưa có lao động Việt Nam bị thương vong tại Libya. Tất cả lao động của Việt Nam tại hai thành phố Tripoli và Bengazi vẫn an toàn và hầu hết đều đã nghỉ việc. Đến hết ngày 24/2, đã có 2.000 lao động Việt Nam đang trên đường sơ tán khỏi Libya sang các nước lân cận như Ai Cập, Malta, Thổ Nhĩ Kỳ, Tunesia…

Phương án tốt nhất hiện nay được các cơ quan chức năng đưa ra là đưa lao động bằng đường bộ và đường biển sang các nước lân cận của Libya từ đó sẽ làm thủ tục cho lao động về nước bằng máy bay của hãng hàng không các nước. Ngoài ra, cũng sẽ sử dụng thêm chuyên cơ của Vietnam Airlines để đưa lao động về nước an toàn.

Về phương án đưa lao động Việt Nam từ Libya về nước, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh trao đổi với báo giới một số thông tin cụ thể.

Thưa ông, hiện đã có bao nhiêu lao động Việt Nam được đưa ra khỏi Libya để đưa về nước?

Theo báo cáo từ Ban quản lý lao động và Đại sứ quán Việt Nam tại Libya thì hiện đã có 105 lao động đã được đưa sang Dubai để lên đường về nước. Ngoài ra, cũng có hơn 400 lao động đã được đưa sang Ai Cập.

Hiện, 4 cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã sẵn sàng tiếp đón và hỗ trợ lao động tại biên giới hai nước. Thông báo từ Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết, nước này cho phép lao động Việt Nam lên máy bay cùng với lao động Thổ Nhĩ Kỳ rời Libya. Trung Quốc cũng cho phép lao động Việt Nam rời Libya bằng tàu biển. Bộ Ngoại Giao Việt Nam hiện đang khẩn trương liên hệ với các tổ chức quốc tế để cung cấp thức ăn, nước uống cho các lao động Việt Nam sau khi rời khỏi Libya.

Như vậy, tính đến thời điểm này, tổng số lao động đã được sơ tán sang các nước lân cận là khoảng 2.000 người. Nếu không có gì thay đổi, ngày mai (25/2), đoàn lao động đầu tiên sẽ về đến sân bay Nội Bài.

Ưu tiên lớn nhất cho công tác bảo vệ lao động Việt Nam làm việc tại Libya lúc này là gì?

Trước hết, chúng ta cần thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt cho người lao động bằng cách đưa lao động ra khỏi Libya. Đảm bảo lương thực, thực phẩm và nước uống cho những lao động đã được sơ tán.

Với kế hoạch đưa lao động về nước, sẽ ưu tiên lao động ở khu vực an ninh không đảm bảo về nước trước. Số lao động còn lại tập trung ở những địa phương khác ít bị nguy hiểm hơn sẽ được sơ tán sau.

Liên hợp quốc cũng đã yêu cầu các nước có chung biên giới với Libya mở cửa, sẽ tạo thêm thuận lợi cho lao động Việt Nam nói riêng và các nước nói chung lánh nạn trong những ngày tới.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan cũng đã đề nghị Chính phủ lập các tổ công tác, giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động Việt Nam tại Libya. Phương án trước mắt là phải đưa hết lao động Việt Nam rời khỏi lãnh thổ Libya an toàn. Còn khi lao động về nước, Nhà nước và các doanh nghiệp sẽ có những chính sách hỗ trợ cụ thể để người lao động không bị thiệt thòi.

Biến động tại Libya sẽ ảnh hưởng như thế nào đến công tác xuất khẩu lao động tại Việt Nam trong năm 2011?

Theo tôi là sẽ ảnh hưởng nhiều đến công tác đưa người Việt Nam ra làm việc ở nước ngoài trong năm nay bởi Libya được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng.

Trước khi có biến động, hàng năm cả nước cũng đưa được khoảng 5.000 lao động sang làm việc tại thị trường này, việc làm và thu nhập của người lao động khá ổn định, trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Vì thế, khi chúng ta buộc phải tạm ngừng đưa lao động sang Libya, sẽ nhìn thấy rõ thiệt hại trước mắt.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không phải quá hoang mang trước tình hình bạo loạn ở Libya bởi đây là một cuộc biểu tình chống chính phủ chứ không phải là chiến tranh.