Phát hiện, bắt giữ gần 700 bình gas không có hóa đơn, chứng từ
Tại nơi cất giấu tang vật, cơ quan chức năng phát hiện số lượng lớn bình LPG mang nhiều nhãn hiệu, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định, ngày 22/8/2022, đơn vị này đã tiến hành khám nơi cất giấu tang vật tại thôn Hòa Hội, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, qua đó đã phát hiện gần số lượng lớn bình LPG mang nhiều nhãn hiệu, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Theo đó, Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với Phòng PC03 – Công an tỉnh Bình Định, Công an huyện Phù Cát đã tiến hành khám nơi cất giấu tang vật tại Kho chứa chai LPG, địa chỉ Quốc lộ 1A, thôn Hòa Hội, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Kết quả, lực lượng chức năng đã phát hiện tại đây có chứa 662 chai LPG không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, với các nhãn hiệu: DANG PHUOC GAS, GAS DẦU KHÍ, NHAT TIEN GAS, PETROVIETNAM GAS, PT-GAS, FUTAGASCO.
Hiện cơ quan chức năng đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm nêu trên và tiếp tục xác minh làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo ước tính của Chi hội Gas miền Nam, khoảng 30% lượng gas lưu thông trên thị trường là gas sang chiết trái phép. Hiện nay, ngành gas đang đối mặt nhiều thách thức. Ðó là tình trạng sang, chiết gas lậu tràn lan tại các địa phương lân cận TP Hồ Chí Minh như: Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bình Định…
Tình trạng chiếm đoạt vỏ bình của các doanh nghiệp có thương hiệu, mài tai, xách rồi cải hoán vỏ bình sang thương hiệu khác cũng rất phổ biến. Ðáng chú ý, các đối tượng còn tổ chức thu gom vỏ bình gas bán qua biên giới Cam-pu-chia.
Hiện nay, trên thị trường có gần 100 thương hiệu gas, với tổng mức tiêu thụ khoảng hơn 2 triệu tấn/năm. Mặc dù không lớn, nhưng do có quá nhiều đầu mối tham gia nên sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm phạm nhãn hiệu, gian lận thương mại, sang chiết gas trái phép...
Thậm chí, có nhiều cá nhân, doanh nghiệp bất chấp quy định, cắt tai, mài vỏ bình, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình và tung ra thị trường cạnh tranh với giá thấp, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng.
Sự nở rộ các thương hiệu gas cũng cho thấy các quy định về điều kiện kinh doanh gas, mạng lưới phân phối còn nhiều lỗ hổng, tạo kẽ hở cho những doanh nghiệp không đủ năng lực tham gia kinh doanh gây nhiễu loạn thị trường.
Hiện nay, Nghị định 87 cho phép thương nhân kinh doanh được phép thuê vỏ bình gas nhưng không phải đăng kí nhãn hiệu hàng hóa. Điều này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt khi xảy ra cháy nổ sẽ không thể gắn hay quy trách nhiệm cụ thể đến từng thương nhân.