18:56 11/07/2025

Thứ hạng PCI Nghệ An "dậm chân tại chỗ"

Nguyễn Thuấn

Theo báo cáo của Sở Tài chính, tổng điểm PCI của Nghệ An năm 2024 đạt 66,48 điểm, tăng nhẹ 0,76 điểm so với năm 2023. Tuy nhiên, thứ hạng của tỉnh không cải thiện, vẫn giữ ở vị trí 44/63 tỉnh, thành phố...

Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An Trịnh Thanh Hải trả lời chất vấn.  Ảnh: Thương Huyền
Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An Trịnh Thanh Hải trả lời chất vấn. Ảnh: Thương Huyền

Mặc dù tổng điểm PCI năm 2024 của Nghệ An tăng nhẹ so với năm trước, nhưng thứ hạng vẫn dừng ở vị trí 44/63 tỉnh, thành phố. Tỷ lệ phản hồi khảo sát từ doanh nghiệp chỉ đạt 9,6%...

Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải đã trực tiếp trả lời chất vấn và làm rõ các vấn đề liên quan đến chỉ số PCI – lĩnh vực đang nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp và cử tri. Đại diện các sở, ngành liên quan cũng tham gia giải trình, làm rõ các nội dung thuộc thẩm quyền.

CHỈ SỐ PCI TĂNG NHẸ NHƯNG THỨ HẠNG “DẬM CHÂN”

Theo báo cáo của Sở Tài chính, tổng điểm PCI của Nghệ An năm 2024 đạt 66,48 điểm, tăng nhẹ 0,76 điểm so với năm 2023. Tuy nhiên, thứ hạng của tỉnh không cải thiện, vẫn giữ ở vị trí 44/63 tỉnh, thành phố.

Đáng chú ý, đây là vị trí tụt xa so với năm 2022 (xếp thứ 23), cho thấy xu hướng bất ổn trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư thời gian qua.

Bên cạnh điểm số trung bình, nhiều chỉ số thành phần của PCI năm 2024 ghi nhận mức xếp hạng thấp, kéo theo sự sụt giảm trong đánh giá tổng thể. Đơn cử, chỉ số chi phí thời gian đứng ở vị trí 59, một trong hai chỉ số thấp nhất, bị đánh giá là ảnh hưởng tiêu cực đến các chỉ số còn lại.

Giải trình vấn đề này, ông Trịnh Thanh Hải cho biết chi phí thời gian của Nghệ An năm 2024 giảm 0,83 điểm, tụt 7 bậc so với năm 2023. Nguyên nhân chính xuất phát từ quy định pháp luật còn chồng chéo, thiếu đồng bộ; chưa có phần mềm tiếp nhận – phân tích – phản hồi hồ sơ doanh nghiệp; thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ công chức chưa tốt. Ngoài ra, thời gian kiểm tra, thanh tra thuế trung bình một cuộc ở Nghệ An là 56 giờ, gấp đôi mức trung vị cả nước (24 giờ).

“Giải pháp đặt ra là phải thiết lập quy trình xử lý hồ sơ song song, chuẩn hóa đầu vào, xây dựng phần mềm giám sát tiến độ và nâng cao tính minh bạch trong thanh tra thuế”, ông Hải nhấn mạnh.

Một vấn đề được đại biểu Nguyễn Hồng Sơn đặt ra là, việc chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp ảnh hưởng thế nào đến cải thiện PCI?

Theo Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An, giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi sẽ xuất hiện “khoảng trống” chỉ đạo điều hành, khi cấp huyện vốn là cầu nối giữa tỉnh và xã không còn. Trong khi đó, cấp xã phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ hơn nhưng trình độ, kinh nghiệm cán bộ còn hạn chế, gây áp lực không nhỏ cho việc giải quyết thủ tục hành chính.

Để khắc phục tình trạng này, ông Hải cho rằng cần tập huấn chuyên sâu cho cán bộ cấp xã; thiết lập cơ chế giám sát linh hoạt, phân luồng xử lý hồ sơ và xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp xã thay thế cho cấp huyện như trước.

Cùng quan tâm đến tính chủ động, sáng tạo của chính quyền, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn cũng đặt câu hỏi về nguyên nhân chỉ số “Tính năng động và tiên phong” giảm 5 bậc so với năm trước.

Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An Nguyễn Viết Hưng cho biết doanh nghiệp nhỏ và vừa đánh giá chính quyền chưa hỗ trợ sát sao; năng lực cán bộ, công tác điều hành và thông tin về chính sách vẫn còn hạn chế.

Giải pháp sắp tới sẽ là tuyên truyền cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và đẩy mạnh đối thoại với doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng đặt mục tiêu phát triển chuyển đổi số và khoa học công nghệ nhằm tăng hiệu quả điều hành.

Liên quan chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng” năm 2024 tụt 14 bậc, đứng thứ 58 cả nước, đại biểu Nguyễn Thị Thêu nêu quan ngại về sự chênh lệch trong đối xử giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thêu đặt câu hỏi tại phiên chất vấn. Ảnh: Thương Huyền.
Đại biểu Nguyễn Thị Thêu đặt câu hỏi tại phiên chất vấn. Ảnh: Thương Huyền.

Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An khẳng định quan điểm điều hành của tỉnh là “không phân biệt đối xử”. Doanh nghiệp nhỏ và vừa thậm chí được hưởng ưu đãi nhiều hơn như chế độ kế toán đơn giản, hỗ trợ vốn và chính sách đất đai. Tuy nhiên, vẫn tồn tại thực tế là nhiều báo cáo, chính sách truyền thông chỉ nêu tên doanh nghiệp lớn, khiến cộng đồng doanh nghiệp nhỏ cảm thấy “lép vế”.

Để thay đổi cảm nhận này, tỉnh sẽ đẩy mạnh minh bạch thông tin về quy hoạch, đất đai, đầu tư; hoàn thiện chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ; đồng thời phát huy vai trò kết nối của các hiệp hội doanh nghiệp.

KHẢO SÁT PCI: TỶ LỆ PHẢN HỒI DOANH NGHIỆP CHỈ 9,6%

Một điểm đáng chú ý tại phiên chất vấn là kết quả khảo sát PCI năm 2024 chỉ thu về 173 phiếu hợp lệ trong số 1.800 phiếu phát ra, tương đương 9,6%.

Theo Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An, số liệu quản lý của Sở là gần 17.000 doanh nghiệp, trong khi ngành Thuế chỉ quản lý khoảng 10.000 đơn vị đang hoạt động. Nếu khảo sát gửi đến doanh nghiệp không hoạt động sẽ làm lệch kết quả đánh giá.

Cùng với đó, chính quyền các cấp phải nâng cao chất lượng phục vụ và có phản hồi chính thức với đánh giá của doanh nghiệp để tăng tính tương tác hai chiều trong quá trình cải cách.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: Thương Huyền
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: Thương Huyền

Phát biểu tại kỳ họp, ông Nguyễn Nam Đình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm các giải pháp cải thiện PCI, đặc biệt trong bối cảnh chuyển sang mô hình chính quyền 2 cấp. Đồng thời, cần định vị rõ PCI của Nghệ An trong mặt bằng chung cả nước để xác định mục tiêu hành động.

Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An cũng đề nghị đẩy mạnh cập nhật tiêu chí đánh giá chỉ số DCCI cấp sở, ngành, địa phương; nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và xã hội về vai trò của PCI một chỉ số không chỉ phản ánh môi trường đầu tư mà còn là kênh điều hành, quản trị phát triển kinh tế bền vững.