Chống hàng giả: Doanh nghiệp cần may “áo giáp sắt” bảo vệ mình
Hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn đang diễn ra dai dẳng với nhiều thủ đoạn tinh vi… cuộc chiến chống hàng giả chỉ cân sức khi có sự chủ động phối hợp của doanh nghiệp...
Số liệu công bố của Tổng cục quản lý thị trường cho thấy, hơn 30.000 vụ việc đã được các lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý; hơn 17.300 vụ vi phạm; phạt vi phạm hành chính trên 113 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 54 vụ việc… trong 6 tháng đầu năm 2022.
HÀNG GIẢ GIỜ NGANG NHIÊN, CÔNG KHAI
Nhóm hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, vi phạm sở hữu công nghiệp, an toàn thực phẩm lại có xu hướng gia tăng.
Trước đây, các mặt hàng vi phạm chủ yếu là thuốc lá điếu, thực phẩm, mỹ phẩm, đồ may mặc, đồ gia dụng... nhưng bây giờ xăng dầu giả kém chất lượng, vật tư nông nghiệp, phân bón… cũng đang gây nhức nhối.
Quan ngại hơn, tại tọa đàm “Nhận diện và giải pháp ngăn chặn hành vi buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 28/7, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng 6 tháng đầu năm, tốc độ cũng như quy mô của hàng giả ngày càng gia tăng. Hàng giả đưa vào lưu thông càng trở nên dễ dàng trên các mô hình kinh doanh online, sàn giao dịch thương mại điện tử.
Cũng trước đây hàng giả “đi” chui lủi, bây giờ lợi dụng các hãng chuyển phát, hàng giả “đi” công khai, chính thức. Chính điều này làm cho các lực lượng chức năng rất khó đối phó.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, phía biên giới với Trung Quốc vẫn đang cấm biên, cho nên hàng hóa không đi đường mòn, lối mở như trước kia mà phải đi chính ngạch. Hàng giả sẽ phải tìm cách để luồn lách qua kênh chính ngạch, vì thế thị trường nội địa rất phức tạp.
Ông Linh cho rằng hàng giả có “đất sống” bởi có sự thỏa hiệp của một bộ phận người tiêu dùng trong việc biết là giả nhưng vẫn mua. Cùng với đó, vai trò của doanh nghiệp sản xuất trong chống hàng giả, hàng nhái còn mờ nhạt.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng bản thân nhiều doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng đến bảo vệ thương hiệu của mình.
Nhiều doanh nghiệp biết đối tượng làm giả sản phẩm của mình nhưng không muốn công khai. Khi cơ quan chức năng mời các chủ thể quyền lên làm việc nhưng cũng không nhận được sự phối hợp đầy đủ. Hoặc các doanh nghiệp chưa áp dụng công nghệ mới trong việc bảo vệ chính sản phẩm của mình như ứng dụng về truy xuất nguồn gốc hay là tem chống giả...
Còn với người tiêu dùng, đôi khi họ biết là hàng giả nhưng vẫn chuộng thương hiệu đó và vẫn muốn sử dụng vì giá rẻ… vô tình tiếp tay cho hàng nhái, hàng kém chất lượng phát triển.
CẦN VAI TRÒ TIÊN PHONG CỦA DOANH NGHIỆP
Để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động may “áo giáp” để bảo vệ chính mình.
Đầu tiên, theo ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho rằng, trước khi sản xuất ra sản phẩm, doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm để làm căn cứ pháp lý.
TS Bùi Kim Hiếu, Trưởng Ban Luật Dân Sự, Viện Nghiên cứu Pháp luật Bảo vệ doanh nghiệp và Người tiêu dùng cũng đồng tình, hơn ai hết, trách nhiệm của doanh nghiệp rất quan trọng trong đấu tranh chống hàng gian.
Bằng việc doanh nghiệp phải xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu, kiểu dáng thông qua đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bảo hộ sáng chế, xác lập quyền tác giả trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hay trong phạm vi vùng hoặc lãnh thổ nào đó…
Đồng thời, bản thân doanh nghiệp phải tự hoàn thiện các chính sách của doanh nghiệp liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Doanh nghiệp phải có những cam kết đối với người tiêu dùng và phải thực hiện đúng các cam kết nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, uy tín cho sản phẩm.
Mặt khác, phải phối kết hợp với các cơ quan có thẩm quyền khi có các hành vi xâm phạm đến nhãn hiệu của mình.
Trước vấn nạn hàng giả, ông Phạm Quốc Lộc, Giám Đốc Nhà máy URC Hà Nội, rất lo lắng bởi nếu khách hàng mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng, còn doanh nghiệp bị mất uy tín.
Nhận thức được vai trò của chính mình trong bảo vệ thương hiệu, URC không ngừng đầu tư kỹ thuật công nghệ, kiểm soát chặt tất cả nguyên vật liệu đầu vào để sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất và đảm bảo an toàn vệ sinh nhất đến tay người tiêu dùng.
Đặc biệt, áp dụng công nghệ hiện đại trong truy xuất nguồn gốc giúp khách hàng dễ dàng phát hiện đây là sản phẩm thật hay sản phẩm bị làm nhái. Mặt khác, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất bao bì, nhãn mác để đối tượng khó làm giả.
Bên cạnh đó, ngay từ khi bắt tay vào vận hành, URC đã thực hiện những chiến dịch truyền thông giới thiệu sản phẩm, giúp người tiêu dùng phân biệt được những nhãn hàng chính hãng của URC. Đăng tải thông tin chi tiết về sản phẩm trên website chính thức của doanh nghiệp và tương tác nhận phản hồi của khách hàng về sản phẩm.
Đối với những kênh bán lẻ, URC hướng dẫn nhà phân phối biết cách xác định được hàng giả, hàng nhái. Nhân viên phân phối phải sát sao với thị trường để phát hiện kịp thời hàng giả, hàng nhái và nhờ sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước nhằm ngăn chặn kịp thời, bảo vệ người tiêu dùng, tránh mua phải hàng nhái trên thị trường.
“Để mặt trận chống hàng giả hiệu quả, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý, người tiêu dùng, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải có nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình. Các Hội, Hiệp hội cũng phải có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến để doanh nghiệp ý thức tự bảo vệ thương hiệu mình trước tiên”, ông Linh nhấn mạnh.