Phát triển bền vững ngành thủy sản: Giảm đánh bắt, tăng nuôi trồng
Trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt thì việc chuyển hướng sang phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững là hết sức cấp thiết. Để đáp ứng mục tiêu đến năm 2030 giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 14-16 tỷ USD, cần sự thay đổi mạnh mẽ trong chỉ đạo quản lý, cùng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đủ mạnh để hình thành một ngành nuôi biển hàng hóa quy mô lớn...
Theo Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản cả nước năm 2021 đạt 8,65 triệu tấn. Tám tháng năm 2022, sản lượng thủy sản ước đạt trên 5,797 triệu tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
ĐÁNH BẮT THỦY SẢN ĐỐI MẶT NHIỀU THÁCH THỨC
Mặc dù đánh bắt trên biển vẫn là lĩnh vực quan trọng, chiếm gần 43% trong tổng sản lượng thủy sản và chiếm hơn 40% về kim ngạch xuất khẩu thủy sản, nhưng lĩnh vực này đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, rủi ro, thách thức. Đó là, giá xăng dầu tăng cao khiến lợi nhuận đánh bắt giảm; vấn đề vi phạm IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo) và gỡ thẻ vàng EC, tình trạng nhiều ngư dân phá sản vì vay vốn đóng tàu vỏ thép…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu xăng, dầu cho hoạt động khai thác hải sản của cả nước trung bình khoảng 330 triệu lít/tháng. Trong nửa đầu năm 2022, do giá dầu tăng cao, trong khi giá bán hải sản không tăng, dẫn đến tình trạng nhiều tàu cá ngừng hoạt động khai thác thủy sản do thu không đủ bù chi phí đầu vào.
"Tính chung cả nước trong nửa đầu năm 2022, số lượng tàu cá ngừng ra khơi đánh bắt lên đến 40 - 55% trong tổng số tàu cá, đặc biệt các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiều nhiên liệu như lưới kéo, nghề rê..."
Theo Tổng cục Thủy sản.
Đặc biệt, kể từ sau khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam, đến nay đã trải qua 5 năm gian nan để gỡ thẻ này. Mặc dù các bộ, ngành và 28 địa phương có biển đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp khắc phục, nhưng việc chống khai thác IUU để Việt Nam được gỡ thẻ vàng vẫn còn là một hành trình dài.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã nhiều lần nhấn mạnh: "Nếu chúng ta không khẩn trương tiến hành các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tàu cá vi phạm IUU để EC gỡ thẻ vàng thì nguy cơ Việt Nam bị rút thẻ đỏ về lĩnh vực thủy sản là rất lớn, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của ngư dân, hình ảnh và uy tín của Việt Nam trên trường Quốc tế".
Đối với vấn đề hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết qua gần 8 năm thực hiện, đa phần số tàu cá này làm ăn thua lỗ.
Theo thống kê, tổng vốn cho vay đóng mới tàu theo Nghị định 67 hơn 2.800 tỷ đồng và có tới 67% là nợ xấu. Rất nhiều ngư dân sau khi được vay vốn đóng tàu cá vỏ thép, nhưng sau đó đánh bắt không hiệu quả, không thể trả được nợ ngân hàng, Nhiều trường hợp ngân hàng kiện ngư dân ra tòa và bán thanh lý con tàu với giá chỉ bằng 10% giá đóng mới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có 278 tàu (chiếm trên 65% tàu cá vỏ thép được vay vốn theo Nghị định 67) chủ tàu không thực hiện duy tu, bảo dưỡng tàu cá theo quy trình, dẫn đến một số tàu bị gỉ sét, xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ, hoạt động của tàu…
Bên cạnh những khó khăn trên, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết thêm việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác thủy sản, nhất là ứng dụng vào công tác bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch đã từng bước cải thiện nhưng còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Hơn nữa, hiện nay các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn trên thế giới, đặc biệt là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, đều có những yêu cầu chặt chẽ về kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Điều này đã gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam vì phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà nhập khẩu.
TĂNG SẢN LƯỢNG NUÔI BIỂN
Theo Tổng cục Thủy sản, định hướng của ngành thủy sản là chuyển dịch giảm sản lượng đánh bắt, tăng sản lượng nuôi biển nhưng vẫn đảm bảo xuất khẩu tăng trưởng giá trị kim ngạch hàng năm ở mức 4-5%.
Vấn đề cấp thiết hiện nay của ngành thủy sản Việt Nam là chuyển từ khai thác sang nuôi trên biển, đồng thời quản lý chặt chẽ theo quy hoạch nuôi trồng thủy sản để cải thiện chuỗi giá trị. Việt Nam có hơn 1 triệu km2 diện tích vùng biển, nhưng diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước.
Trong những năm gần đây, do trữ lượng khai thác ngày càng giảm nên tại nhiều địa phương, bà con ngư dân đã chuyển sang hình thức nuôi trồng thủy sản và đạt hiệu quả kinh tế cao. Một số doanh nghiệp cũng đã đầu tư vào các trại nuôi biển theo phương thức công nghiệp như: Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Trấn Phú (Kiên Giang); Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam (Khánh Hòa),…
Nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu chung của Đề án là phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
"Mục tiêu từ nay đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha với 10 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng khoảng 850.000 tấn, xuất khẩu đạt từ 0,8-1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha với 12 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng 1,45 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 1,8-2 tỷ USD".
Theo Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành ngành nuôi biển công nghiệp. Tuy nhiên, ông Hùng cho biết việc phát triển nuôi biển hiện nay đang gặp khó khăn, nhất là hạ tầng phục vụ nuôi biển còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ. Hệ thống phao tiêu, biển báo giao thông phục vụ riêng cho ngành nuôi biển chưa đáp ứng được nhu cầu và các bến đỗ tàu thuyền phục vụ nuôi biển ở nước ta hầu hết chưa được quan tâm đầu tư.
Bên cạnh đó, giống hải sản tuy đã đạt được những kết quả nổi bật bước đầu, nhưng một số nguồn giống bố mẹ vẫn phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.
“Trong quá trình thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế địa phương, đã xảy ra nhiều mâu thuẫn, xung đột lợi ích giữa người dân làm nghề nuôi trồng thủy sản ven biển với chính quyền các địa phương. Nhiều địa phương có chủ trương, kế hoạch sử dụng đất, diện tích mặt nước vào những mục đích khác như khai thác tài nguyên (cát) cũng như làm khu công nghiệp, du lịch… dẫn đến giảm diện tích nuôi trồng, ảnh hưởng không nhỏ sinh kế của người nông dân”, ông Hùng nêu thực tế.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, cần tạo dựng nên hệ sinh thái nuôi biển bền vững cả vùng khơi, vùng lộng và vùng bờ, khơi thông được nguồn lực đầu tư vào ngành nuôi trồng hải sản. Muốn vậy, cần đầu tư vào hạ tầng nuôi biển, nghiên cứu và chuyển giao những công nghệ tiên tiến như lồng nuôi chắc bền chịu được sóng to gió bão.
Đồng thời, cần chú trọng nghiên cứu sản xuất những con giống nuôi cho giá trị kinh tế cao. Nhà nước cần có chính sách thu hút, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ kỹ thuật, ban quản trị các hợp tác xã và tổ hợp tác, doanh nghiệp, trang trại và các cơ sở nuôi để có khả năng tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ số trong nuôi trồng thủy sản.