13:07 24/08/2022

Trung Quốc có thể là điểm sáng cho xuất khẩu thủy sản cuối năm?

An Nhiên

Tồn kho cao, lạm phát, nhu cầu tiêu thụ ở thị trường Mỹ giảm khiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này sẽ khó khăn hơn trong giai đoạn cuối năm 2022. Các doanh nghiệp thủy sản chỉ có thể trông chờ vào thị trường Trung Quốc...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt hơn 5,7 tỷ USD, tăng vọt 40% so với nửa đầu năm 2021, đóng góp bởi nhu cầu tăng trở lại sau khi nhiều nước nhập khẩu mở cửa trở lại nền kinh tế; Tình trạng thiếu hụt thủy sản trên toàn cầu, đặc biệt là nhu cầu cá trắng do các lệnh trừng phạt Nga của EU và Mỹ.

Lạm phát cao ở các nước lớn thúc đẩy tiêu dùng đối với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các sản phẩm giá rẻ.

"NGÓNG" CƠ HỘI TỪ TRUNG QUỐC

Riêng giá trị xuất khẩu cá tra tăng 82%, mạnh hơn mức tăng 31% của giá trị xuất khẩu tôm do nhu cầu tiêu thụ cá tra tăng mạnh sau hai năm chững lại, đặc biệt trong bối cảnh thiếu hụt cá trắng toàn cầu, trong khi giá trị xuất khẩu tôm vẫn ổn định trong năm năm qua. Ngoài ra, cá tra nguyên liệu trong nước cũng đẩy giá bán tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022.

Đối với sản phẩm cá tra, trước đó, nửa cuối năm 2021, thị trường Mỹ dẫn đầu về xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong khi thị trường Trung Quốc giảm sâu, tình hình này có vẻ sẽ đảo ngược trong nửa cuối năm 2022. Theo đánh giá của VDSC,  xuất khẩu cá tra trong 2H2022 sẽ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên có thể gặp thách thức từ phía cầu để tăng trưởng được so với nửa đầu năm. 

Tình hình xuất khẩu cá tra nguy cơ suy thoái tại thị trường Mỹ: Sự bùng nổ của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã khiến các nhà bán sỉ của Mỹ nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm thủy sản trong khi lạm phát đang diễn ra đã thắt chặt chi tiêu của khách hàng, dẫn đến dư cung trong Q3 2022.

Dẫu vậy, thị trường Trung Quốc có thể là điểm sáng trong nửa cuối năm 2022 khi quốc gia này có dấu hiệu mở cửa trở lại nền kinh tế. Nhu cầu tăng nhanh sau hai năm giảm sẽ là động lực cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2022.

Trung Quốc có thể là điểm sáng cho xuất khẩu thủy sản cuối năm? - Ảnh 1

Nhu cầu từ các thị trường còn lại có thể ổn định trong bối cảnh lạm phát cao để thúc đẩy chi tiêu cho các sản phẩm thực phẩm giá rẻ.

Kỳ vọng nguồn cung nguyên liệu nửa cuối năm nay sẽ ít tăng đột biến hơn so với giai đoạn 2018-2019, do chi phí thức ăn cao và nguy cơ nhu cầu giảm đã hạn chế hoạt động nuôi mới. Do đó, điều này cũng thúc đẩy giá bán neo ở mức cao. Xuất khẩu Q4/2022 có thể tăng trở lại khi các nhà nhập khẩu giải quyết được vấn đề tồn kho và tăng lượng hàng dự trữ cho mùa lễ trong Q4.

Trong khi đó, ngành tôm lại đối mặt nhiều thử thách trong nửa cuối năm 2022 do giá nguyên liệu tăng cao do dịch bệnh ở tôm khiến nguồn cung giảm,  cạnh tranh gay gắt với tôm Ấn Độ, Indonesia và Ecuador, lạm phát toàn cầu cao dẫn đến thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm cao cấp như tôm.

Trung Quốc có thể là điểm sáng cho xuất khẩu thủy sản cuối năm? - Ảnh 2

Cũng giống như cá tra, nhập khẩu tăng trong nửa đầu năm 2022 khiến tồn kho tôm tại Mỹ và EU ở mức cao.

Giá trị xuất khẩu tôm trong tháng 7 giảm 13%, dấu hiệu rõ ràng nhu cầu đã hạ nhiệt. Trên cơ sở đó, dự kiến các doanh nghiệp ngành tôm sẽ đối mặt với tác động kép từ cả phía cung và cầu giảm trong nửa cuối năm 2022, ngược lại với diễn biến 6T2022.

Việc Trung Quốc mở cửa lại thị trường là một yếu tố tích cực, nhưng phần lớn các doanh nghiệp tôm niêm yết lớn (như Minh Phú, Sao Ta) không xuất khẩu sang thị trường này, thay vào đó là các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản. Điều này sẽ khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tôm có khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực do nhu cầu từ các thị trường chính giảm.

CỔ PHIẾU CHỈ HỢP ĐỂ ĐẦU TƯ DÀI HẠN

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tất cả các công ty thủy sản đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng đột biến, vượt mức của giai đoạn 2018-2019. Biên lợi nhuận gộp của các công ty cá tra tăng đáng kể ở mức nền thấp trong khi tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty tôm có vẻ ổn định hơn do chênh lệch giá vốn đã ổn định.

Hầu hết các công ty thủy sản, ngoại trừ VHC, đều chứng kiến chi phí logistics liên tục tăng.

Trung Quốc có thể là điểm sáng cho xuất khẩu thủy sản cuối năm? - Ảnh 3

Tuy nhiên, VDSC kỳ vọng các chi phí này sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2022 trở đi cùng với sự suy giảm của chi phí vận tải toàn cầu.

Nhu cầu thủy sản chững lại và biên lợi nhuận gộp giảm do giá bán giảm là những khó khăn mà các công ty có thể đối mặt trong nửa cuối năm 2022. Thu nhập hàng quý của các công ty trong 6 tháng cuối của năm 2022 có thể chậm hơn so với các quý trước, nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số. 

Các công ty ít phụ thuộc vào thị trường Mỹ vẫn có thể duy trì đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022. Nhiều công ty có thể bắt đầu ghi nhận chi phí logistic giảm trong nửa cuối năm 2022.

Giá cổ phiếu của các công ty thủy sản chứng kiến mức tăng vượt trội trong
6 tháng đầu năm 2022, phù hợp với kết quả kinh doanh khởi sắc, ngay cả trong bối cảnh thị trường chứng khoán điều chỉnh.

Trung Quốc có thể là điểm sáng cho xuất khẩu thủy sản cuối năm? - Ảnh 4

Tuy nhiên, giá cổ phiếu của các công ty thủy sản bắt đầu giảm từ tháng 6/2022 khi xuất khẩu có dấu hiệu chững lại so với tháng trước, mặc dù vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước.

Hiện, định giá P/E của nhiều cổ phiếu như VHC, ANV giảm xuống mức trung bình 5 năm. Xu hướng giảm của ngành có thể gây áp lực lên giá cổ phiếu trong ngắn hạn, nhưng giá cổ phiếu chiết khấu nhiều hơn có thể là cơ hội để nắm giữ dài hạn.