Kiến tạo không gian phát triển ngành hàng thủy sản
Đánh giá thủy sản là ngành còn nhiều dư địa, nhưng Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, mức tăng trưởng 5-6% như thời gian qua sẽ có lúc chạm ngưỡng. Để năng suất cận biên không bị suy giảm, định hướng ngành thủy sản phải xây dựng được thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có nhiều thương hiệu uy tín và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu…
Tại cuộc họp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 8 Hiệp hội ngành hàng thủy sản về xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản, chiều 21/9/2022, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết hiện ngành thủy sản có hai khâu quan trọng nhất là nuôi trồng và chế biến đều bị ách tắc bởi các quy chuẩn về môi trường.
GIÁ TRỊ XUẤT KHẨU TĂNG HƠN 37%, NHƯNG LO THIẾU NGUYÊN LIỆU CHẾ BIẾN
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết ước tính đến hết tháng 9/2022, tổng sản lượng thủy sản đạt 6,75 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 3,87 triệu tấn, tăng 7%; sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 2,88 triệu tấn, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Dẫn số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, ông Luân cho hay giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 8/2022 đạt trên 1 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ 2021, nhưng đã giảm gần 20% so với tháng trước đó.
Lũy kế từ đầu năm 2022 đến hết tháng 8, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,6 tỷ USD, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 84,8% kế hoạch năm 2022. Nếu giữ nguyên tốc độ tăng trưởng như vừa qua, thủy sản có thể đạt kỷ lục xuất khẩu 10 tỷ USD.
Phân tích rõ hơn về từng mặt hàng, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay hai mặt hàng chủ lực vẫn là tôm và cá tra. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt kim ngạch 3 tỷ USD, tăng 22,5%; xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch 1,8 tỷ USD, tăng 80,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Nam, xuất khẩu tôm trong tháng 8/2022 tụt dốc nhiều nhất trong các sản phẩm thủy sản. Từ mức cao đỉnh điểm 456 triệu USD hồi tháng 5, tới tháng 8 chỉ còn 356 triệu USD, giảm 20% so với tháng xuất khẩu cao điểm. Nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm giảm là do việc sản xuất tôm nguyên liệu khó khăn khi các chi phí đầu vào cao và thời tiết bất lợi.
"Lạm phát khiến cho xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ và Trung Quốc – 2 thị trường lớn sụt giảm từ tháng 7/2022. Trong tháng 8/2022, xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm 33%, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc giảm 13%".
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP.
Riêng xuất khẩu cá tra trong tháng 8/2022 vẫn giữ được phong độ ổn định với kim ngạch trên 187 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên hiện nay, xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường có dấu hiệu chậm lại, ngoài yếu tố về thị trường còn do nguồn nguyên liệu không đủ đáp ứng.
Đối với mặt hàng cá ngừ, sau khi đạt mức cao trên 100 triệu USD vào tháng 3 và tháng 4/2022, xuất khẩu cá ngừ giảm dần trong các tháng tiếp theo. Tới tháng 8/2022, xuất khẩu cá ngừ đạt 85 triệu USD, cao hơn 74% so với cùng kỳ năm ngoái và tương đương doanh số trong tháng 7/2022. Lũy kế tới hết tháng 8/2022, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 734 triệu USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nam cho biết hiện nay nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng chiếm 70% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thủy sản, nên doanh nghiệp đều có nhu cầu mở rộng các vùng nuôi tập trung. Tuy nhiên, việc mở rộng vùng nuôi thủy sản hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn.
“Hiện nhiều địa phương đang trong tiến trình đô thị hóa nên có không ít biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất, một số quy định bất cập về sử dụng đất và việc gia hạn quyền sử dụng đất nông nghiệp đang là thách thức lớn cho doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản về quỹ đất phát triển vùng nuôi”, ông Nam nêu thực tế.
TĂNG NUÔI TRỒNG NHƯNG PHẢI ĐẢM BẢO MÔI TRƯỜNG
Đề cập về vướng mắc trong chính sách pháp luật đối với ngành thủy sản, ông Nam cho hay hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trưởng chưa ban hành quy chuẩn riêng cho nước thải vùng nuôi thủy sản. Theo Dự thảo Quy chuẩn Việt Nam do Tổng cục Môi trường soạn thảo, sắp được ban hành thì nước thải từ ao nuôi thủy sản đang bị đưa vào chung Quy chuẩn Việt Nam nước thải công nghiệp, trong khi trong chăn nuôi thì lại có quy chuẩn riêng.
Không chỉ nuôi trồng, mà chế biến thủy sản cũng đang gặp khó với những quy định về môi trường. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thủy sản (QCVN 11: 2015) đang áp dụng với chỉ tiêu phosphor 10 mg/lít đối với cột A và 20 mg/lít đối với cột B. Trong dự thảo thay thế cho QCVN 11:2015, chỉ tiêu phosphor được điều chỉnh giảm về 4-6 mg/lít.
“Hiện ngành chúng ta có hai khâu quan trọng nhất là nuôi trồng và chế biến đều bị ách tắc bởi các quy chuẩn về môi trường. Rất nhiều chỉ tiêu không phù hợp với nuôi tôm, cá và chế biến thủy sản”, ông Nguyễn Hoài Nam phản ánh, đồng thời cho biết VASEP đã có 12 văn bản góp ý, kiến nghị lên Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng chưa thấy tiếp thu.
“Giảm khai thác là định hướng, nhưng chúng ta cần phải giảm một cách bền vững. Tăng nuôi trồng nhưng không được quên đảm bảo các vấn đề môi trường, cảnh quan"
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản.
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến với Bộ Tài nguyên Môi trường xem xét có quy chuẩn riêng về bảo vệ môi trường cho nuôi trồng, chế biến thủy sản phù hợp với điều kiện sản xuất tại Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế”, ông Nam kiến nghị.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, để đạt được mục tiêu giảm khoảng 1 triệu tấn khai thác đến năm 2030, ngành phải tăng nuôi trồng để bù đắp sản lượng và đáp ứng cho tăng xuất khẩu, đồng thời nghiên cứu phương án giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng cường công tác bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản...
Nhấn mạnh về vị trí, vai trò của các hiệp hội trong việc xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản bền vững, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, ngành thủy sản đã chuyển nhanh, chuyển mạnh trong tư duy giảm cường lực, tăng nuôi trồng. Trong công cuộc ấy, không thể thiếu sự đồng hành của các hiệp hội ngành hàng bởi đây chính là nguồn lực trực tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội ngành hàng tăng cường phối hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản theo định hướng thị trường, thân thiện môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, cùng với đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng, các bên phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao.
"Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng, đề xuất những chính sách thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủy sản hiệu quả với lực lượng doanh nghiệp là nòng cốt. Về phía các hiệp hội, tôi cũng đề nghị các hiệp hội đồng hành cùng cơ quan quản lý trong việc kiến tạo không gian phát triển ngành hàng thủy sản”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.