10:53 10/02/2022

Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thành hình mẫu thích ứng biến đổi khí hậu

Chu Khôi

Đồng bằng sông Cửu Long đang có sự dịch chuyển của nguồn nhân lực giữa các địa bàn trong bối cảnh mặt bằng chung về trình độ còn thấp, trong khi hạ tầng giao thông và hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ, ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu...

Buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vào chiều 09/02/2022.
Buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vào chiều 09/02/2022.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan vừa có buổi làm việc với lãnh đạo và các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long để chia sẻ thực trạng sản xuất, những thuận lợi, khó khăn của năm vừa qua. Đồng thời, bàn bạc kế hoạch hành động, đề xuất các giải pháp thực hiện nhằm đạt các mục tiêu và kế hoạch của năm 2022 của ngành trong vùng.

TÌM NHỮNG MÔ HÌNH NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, từ khi có Nghị quyết số 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về “phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”, các tỉnh trong vùng đã nỗ lực phát triển vươn lên.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với Đồng bằng sông Cửu Long cần phải giải quyết trong thời gian tới. Đó là: việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; các vấn đề về ô nhiễm môi trường, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, nguồn nước thượng nguồn sông Mê-kông; xâm thực bờ biển, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển làm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.

Ông Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết năm 2021, sản xuất nông nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp (hạn hán, xâm nhập mặn...), dịch bệnh tả heo Châu Phi và nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhưng ngành nông nghiệp trong tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng 4,5%, góp phần quan trọng cho tăng trường kinh tế chung của tỉnh đạt 5,05% (xếp thứ 1/13 tỉnh trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

“Mô hình tôm lúa ở Bạc Liêu năm vừa qua rất hiệu quả, cá biệt có hộ đạt lợi nhuận lên tới 130 triệu/ha/vụ. Vì vậy, cần phát huy hiệu quả, liên kết mạnh mẽ hơn nữa để phát triển các mô hình cánh đồng lớn, lúa - tôm, chuỗi giá trị nông sản nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với xây dựng nông thôn mới”, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu chia sẻ.

Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng nuôi trồng và chế biến tôm xuất khẩu của tỉnh vẫn tăng trưởng khá, là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 1 tỷ USD năm 2021. Do đó, cần tăng cường liên kết vùng, ngành và đầu tư cho thủy lợi hoàn chỉnh để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

“Tỉnh Cà Mau đã quy hoạch 23 tiểu vùng, trong đó có mô hình luân canh lúa tôm càng xanh ở vùng Bắc Cà Mau. Theo tính toán thu nhập từ mô hình này cho thu nhập từ 60-80 triệu đồng/ha/vụ/năm. Tuy lợi nhuận còn khiêm tốn nhưng sản phẩm mang lại rất ấn tượng. Chất lượng của hạt lúa ở mô hình này vượt trội so với vùng chuyên canh lúa. Dẫu vậy, vẫn còn những điểm nghẽn, trong đó có việc đầu tư hạ tầng thủy lợi chưa đồng bộ”, ông Lê Văn Sử lưu ý.

Nêu lên những hạn chế của sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, cho hay cánh đồng lớn của Kiên Giang còn thấp, chỉ chiếm 10% diện tích lúa toàn tỉnh. Hạ tầng sản xuất các vùng nguyên liệu lớn chưa đồng bộ.

 

"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm thành lập văn phòng điều phối của Bộ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đặt tại TP. Cần Thơ để triển khai nhanh các chủ trương, quyết sách của Bộ; đồng thời triển khai Trung tâm sản xuất, liên kết tiêu thụ nông sản tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long".

Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp.

Thời gian tới, Kiên Giang sẽ ưu tiên nhân rộng phát triển tôm lúa hữu cơ ở vùng ven biển. Cơ cấu lại ngành thủy sản, giảm đánh bắt, tăng nuôi biển. Đề nghị Bộ sớm triển khai giai đoạn 2 hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé.

Theo đề nghị của ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm công bố đánh giá tiêu chuẩn nước để xác định rõ vùng trồng, vùng nuôi phù hợp với hiện trạng thực tế và có chiến lược phát triển các sản phẩm OCOP của vùng Đồng Bằng sông Cửu Long.

Đối với tỉnh Hậu Giang, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang kiến nghị trong việc liên kết vùng nếu Bộ có xây dựng quy hoạch chung liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì sớm cung cấp cho các tỉnh. Bên cạnh đó hỗ trợ tỉnh Hậu Giang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho vùng nguyên liệu khóm Cầu Đúc đã có thương hiệu từ lâu.

XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU NÔNG SẢN VÙNG

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo các địa phương cần đi sâu trao đổi, hiến kế phát triển các mô hình liên kết ngành, liên kết vùng trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm OCOP, nông nghiệp công nghệ cao, các mô hình hiệu quả về: cánh đồng lớn, mô hình tôm - lúa, nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi tôm dưới tán rừng. 

Đặc biệt, cần tìm hướng đi và nâng cao chất lượng Tổ công tác 970 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành lập trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua. Tổ công tác đã phát huy hiệu quả trong việc liên kết cung ứng tiêu thụ nông sản cho nông dân và cung ứng kịp thời nông sản cho TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ trong thời gian dịch bệnh vừa qua. 

 

Chúng ta phải tự tin 10 năm, 20 năm nữa thương hiệu vùng được xây dựng từ chính những khó khăn trong điều kiện khắc nghiệt. Đồng thời, cùng nhau phải vượt qua khó khăn và trở thành hình mẫu là một trong những đồng bằng thích ứng với biến đổi khí hậu trên thế giới”.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phát biểu Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cho rằng ngành nông nghiệp các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải lan tỏa tinh thần, tư duy để thực hiện các mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nông dân làm giàu. Đã đến lúc Đồng bằng sông Cửu Long phải tự tin vượt qua khó khăn để trở thành hình mẫu là đồng bằng thích ứng với biến đổi khí hậu trên thế giới.

Các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải năng động, linh hoạt, thích ứng với điều kiện bình thường mới, nhất là trong tư tưởng chỉ đạo thực hiện sản xuất. Đồng bằng sông Cửu Long phải phát triển có hiệu quả kinh tế nông thôn, tạo được công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, việc này có thể thực hiện thông qua việc thành lập, củng cố hoạt động của các hợp tác xã.

“Vấn đề hiện nay, chúng ta phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Ngành nông nghiệp các tỉnh phải làm sao nhanh chóng lan tỏa tinh thần đó. Trong đó, thiết thực nhất là thực hiện thông qua các mô hình, nổi bật như lúa thơm, tôm sạch ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng lưu ý, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần quan tâm phát triển nông nghiệp sinh thái, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thế giới. Trong phát triển nông nghiệp không đánh đổi môi trường sống, ảnh hưởng sức khỏe của người dân.