06:00 13/12/2021

Cần trợ lực để phục hồi bền vững doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long

Vũ Khuê

Dù chịu ảnh hưởng nặng nề, song trước bối cảnh dịch bệnh đang dần được kiểm soát, doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã chuẩn bị tâm thế để bước vào giai đoạn sản xuất, thích ứng và khôi phục trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần thêm trợ lực để phục hồi bền vững.

Tính đến nay chỉ số sử dụng lao động công nghiệp trong toàn vùng chỉ đạt 75,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến nay chỉ số sử dụng lao động công nghiệp trong toàn vùng chỉ đạt 75,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tại hội thảo “Nhìn lại kinh tế vùng năm 2021 và kịch bản năm 2022”, bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ đã phác hoạ lại bức tranh kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ khi dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay.

NHỮNG CON SỐ KHÔNG VUI

Con số của VCCI Cần Thơ đưa ra cho thấy, 11 tháng năm 2021 số lượng doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm 15%, giảm 23% về số vốn đăng ký, giảm 19% về số lượng lao động so với cùng kỳ năm 2020. Toàn khu vực có 7.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cấu trúc doanh nghiệp của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tập trung vào những ngành nghề cơ bản, hầu như có hiệu quả kinh doanh rất thấp so với các ngành hàng khác của Việt Nam. Bởi vậy, khả năng tích luỹ rất thấp đặc biệt của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa dưới tác động nặng nề của đại dịch.

Cần trợ lực để phục hồi bền vững doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long  - Ảnh 1

Về lao động, đến nay chưa có báo cáo điều tra chính thức nào trên diện rộng và đầy đủ về lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Nhưng nếu xét chỉ số sử dụng lao động trong công nghiệp theo công bố của Tổng cục Thống kê thì thấy, chỉ số sử dụng công nghiệp tháng 11/2021 của khu vực này hầu như có sự hụt hơi hơn so với các tháng trước.

Đối với những ngành nông thuỷ sản, những ngành phụ thuộc vào xuất khẩu thì tháng 11, 12 là tháng cao điểm để thực hiện các hợp đồng cũng như nhiều cơ hội kinh doanh lớn nhưng năng lực sử dụng lao động đến tháng 11/2021 so với các tháng trước có sự sụt giảm rất mạnh.

Đáng quan ngại, năm 2021 có sự thay đổi về lực lượng lao động không có việc làm. Tính đến nay chỉ số sử dụng lao động công nghiệp trong toàn vùng chỉ đạt 75,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bến Tre là những tỉnh có mức phục hồi thấp nhất trong vùng, thu cân đối ngân sách cũng thấp nhất…

Bên cạnh đó, tổng cầu của nền kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng rất khó khăn. Nên việc kích cầu tiêu dùng hàng hoá cũng không dễ khi thu nhập của họ chưa phục hồi trong những tháng cuối năm 2021 và quý 1/2022.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, khu vực này chiếm xấp xỉ 6-7% trong tổng FDI của Việt Nam và theo phản ánh của tham tán thương mại các nước với VCCI thì việc di chuyển chuyên gia nước ngoài và nhà đầu tư vào Việt Nam khó khăn, nên họ không thể tiến hành nghiên cứu tiền khả thi hay đến khảo sát ở khu vực này. Điều này càng gây khó cho thu hút FDI vào vùng.

Ở góc độ khác, trong bối cảnh chung của cả nước về tăng trưởng cả xuất khẩu và nhập khẩu, thì vùng Đồng bằng sông Cửu Long lại chịu tác động tiêu cực nhiều trong quý 3/2021. Cụ thể, xuất nhập khẩu của khu vực này giảm 27% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó 8/13 tỉnh thành có giá trị giảm đáng kể so với quý 3/2020.

Đặc biệt 3 tỉnh Tiền Giang, Long An, Trà Vinh – nơi tập trung rất nhiều doanh nghiệp FDI trong ngành chế biến chế tạo, những doanh nghiệp có thị trường quốc tế vững chắc, giải quyết việc làm lớn nhưng lại chịu tác động lớn bởi các chính sách thắt chặt trong phòng dịch…

THÁO GỠ KHÓ KHĂN BẰNG CHÍNH SÁCH

Đại diện VCCI Cần Thơ cho rằng, hiện nay với sự gia tăng số ca mắc mới, diễn biến dịch bệnh phức tạp, đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự năng động hơn, có chính sách thận trọng hơn trong thời gian tới.

“Song các thảo luận cũng như đánh giá rủi ro, những yếu tố có liên quan tới bảo vệ doanh nghiệp vẫn chưa được thảo luận đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, bà Hương nhận định.

Đây chính là rào cản nhất định đối với vùng kinh tế vốn dĩ có nhiều khó khăn hiện hữu, đòi hỏi sự linh hoạt, tái cấu trúc chi phí, lao động để duy trì hoạt động, phòng tránh rủi ro để bảo toàn vốn được xem là ưu tiên hàng đầu.

Khảo sát của VCCI cũng cho thấy, với quy mô doanh nghiệp nhỏ (dưới 50 tỷ, dưới 100 lao động) trong đợt dịch vừa qua mức sụt giảm từ 10-20% chiếm tỷ lệ rất lớn so với các doanh nghiệp khác. Nên các chính sách họ quan tâm đặc biệt đó là hỗ trợ về chuyển đổi khoa học công nghệ, đổi mới mô hình kinh doanh để kinh doanh hiệu quả hơn.

Riêng với các doanh nghiệp lớn, chính sách họ quan tâm đó là cung cấp lao động, tạo điều kiện, chính sách để họ tiếp cận thị trường, nguồn nguyên liệu, tiêu thụ hàng hoá tốt trong thời gian tới.

Với các doanh nghiệp FDI, khảo sát trên 80 doanh nghiệp của vùng, VCCI nhận thấy, 65% doanh nghiệp FDI dù qua giai đoạn rất khó khăn nhưng họ lại rất lạc quan trong năm 2022 do họ cho rằng sự điều hành chính sách rất linh hoạt của Việt Nam trong thời gian qua. Họ cũng tin tưởng trong vòng 5 năm tới với tài nguyên phong phú, lực lượng lao động đông đảo của khu vực này đủ khả năng đáp ứng trình độ công nghệ của FDI đang đầu tư tại Việt Nam.

Song theo bà Hương, FDI mong muốn hàng đầu của khu vực doanh nghiệp này là số hoá về thủ tục hành chính. Đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy thu hút FDI vào khu vực này.

“Để hỗ trợ doanh nghiệp, việc ban hành chính sách cần thận trọng, tránh tạo mặt trái, không đúng hướng. 5 năm gần đây doanh nghiệp tập trung nhiều vào các lĩnh vực có hiệu quả kinh doanh rất thấp nên gói hỗ trợ tài chính rất quan trọng. Chúng tôi mong muốn hơn nữa các chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng, quan tâm đào tạo người lao động, gói hỗ trợ nâng cao năng lực của cán bộ trong thực thi chính sách; tìm ra mô hình tăng trưởng phù hợp”, bà Hương đề xuất.

Ngoài ra, bà Hương thông tin thêm, có tới 50% lao động trở về Đồng bằng sông Cửu Long không quay lại làm việc. Do đó, sự quan tâm về an sinh xã hội, đào tạo cho lực lượng lao động hoà nhập vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vô cùng quan trọng. Vì đây là khu vực kinh tế có tỷ lệ già hoá nhất Việt Nam, nên số lượng người sống phụ thuộc rất lớn.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Dongtam Group, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An cho biết, giai đoạn bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 khiến Long An là một trong các “tâm dịch” của cả nước.

 

“Hỗ trợ tiền chỉ là phần nhỏ. Hỗ trợ thực tế là chính sách. Có những chính sách chồng chéo, quy định luật ban hành không có nhưng Nghị định lại đưa vào... khiến doanh nghiệp khó thực hiện. Một chính sách không tốt có thể làm chậm bước đi của doanh nghiệp nhưng chính sách hiệu quả sẽ đẩy doanh nghiệp bứt phá”.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Dongtam Group, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An

202 doanh nghiệp với 11.796 lao động đủ điều kiện hoạt động theo phương án ba tại chỗ. Một số doanh nghiệp ngừng hoạt động do không đủ điều kiện tổ chức “ba tại chỗ” hoặc tự chủ động xin tạm dừng hoạt động.

Kể từ ngày 13/9, sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh số 2962/KH-UBND thì tỉnh Long An không còn bắt buộc doanh nghiệp phải hoạt động theo phương án “ba tại chỗ” mà cho doanh nghiệp lựa chọn các hình thức phù hợp.

Kết quả lũy kế đến ngày 03/10/2021, có 316 doanh nghiệp ngoài khu, cụm cổng nghiệp hoạt động sản xuất trở lại với 26.691 lao động. Doanh nghiệp phục hồi năng suất đạt từ 70-80% so với trước dịch. Nhưng khó khăn hiện nay với doanh nghiệp là vẫn thiếu nhiều lao động, tâm lý chờ ăn Tết xong quay lại làm việc nhiều. Tỷ lệ thiếu hụt lao động khoảng 10% đến 20%.

Bên cạnh đó, nguyên liệu, hàng hóa nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, đáp ứng không kịp thời, khan hiếm, giá thành cao. Chi phí hoạt động tăng cao, do các phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch: chi phí xét nghiệm, đầu tư đáp ứng điều kiện kiểm soát, phòng chống, đảm bảo an toàn dịch bệnh…

Theo ông Thắng, cả Chính phủ và doanh nghiệp xác định sống chung với dịch bệnh. Do đó cần chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để vừa làm việc vừa chống dịch. Doanh nghiệp cần mạnh dạn chuyển đổi số. Nhà nước, địa phương cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng chính sách, thể hiện tầm tư duy mới, theo hướng thị trường, khuyến khích tự do, cởi mở, thúc đẩy tư duy, đề cao sáng tạo.