14:15 21/03/2023

Phát triển thương mại điện tử còn nhiều thách thức

Song Hà

Theo dự báo, đến năm 2025, tổng doanh thu trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ tăng lên 39 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 70% giá trị nền kinh tế số Việt Nam. Để phát triển xứng với kỳ vọng, cần có các giải pháp đồng bộ được thực hiện, không chỉ từ phía doanh nghiệp, người bán trên thương mại điện tử mà cả cơ quan Chính phủ...

Niềm tin của người tiêu dùng với các giao dịch trực tuyến tại Việt Nam vẫn còn thấp.
Niềm tin của người tiêu dùng với các giao dịch trực tuyến tại Việt Nam vẫn còn thấp.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2021, cả nước có 53 triệu khách hàng kỹ thuật số với hơn 70% dân số có quyền truy cập Internet và 53% trong số này sử dụng ví điện tử để thanh toán trực tuyến.

Bên cạnh đó, số lượng sản phẩm được người tiêu dùng Việt Nam mua trực tuyến tăng 50% so với năm 2020, trong khi số lượng nhà bán lẻ trực tuyến tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến tổng doanh số bán lẻ trực tuyến tăng gấp 1,5 lần.

PHÁT TRIỂN NHANH NHẤT ĐÔNG NAM Á

Báo cáo “Vietnam: New E-Commerce Hotspot in Southeast Asia by 2026” của Facebook và Bain & Company nhận định trong thời gian tới thương mại điện tử Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo đó, đến năm 2026, Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử ước đạt 56 tỷ USD, gấp 4,5 lần giá trị dự đoán vào năm 2021. Trung bình cứ 1 trong 5 USD chi tiêu cho việc mua sắm trực tuyến tại Việt Nam được khách hàng thực hiện thông qua mạng xã hội.

Theo số liệu của Statista, năm 2022 tỷ lệ thâm nhập của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam ước đạt khoảng 75,57% trên tổng dân số; đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ đạt mức 85,74%.

Phát triển thương mại điện tử còn nhiều thách thức - Ảnh 1

Đáng chú ý, báo cáo Digital 2022 phân tích: Việt Nam hiện có hơn 156 triệu thuê bao di động và có 97,6% người dùng Internet ở độ tuổi 16- 64 đang sở hữu smartphone. Cùng với sự phát triển về công nghệ được hỗ trợ bởi mạng 5G, điều này là yếu tố quan trọng thúc đẩy mạnh xu hướng thương mại di động tại Việt Nam.

Thống kê còn cho thấy trong tổng trung bình 6 giờ 38 phút sử dụng Internet mỗi ngày của người dùng ở Việt Nam thì có 3 giờ 32 phút (hơn 50% thời gian) được thực hiện trên thiết bị di động. Đáng chú ý nhất là đã có 12,4 tỷ USD được thực hiện thông qua mua bán trực tuyến và 50% lượng giao dịch đến từ thiết bị di động.

Đặc biệt, Statista nhận định: livestream sẽ là một phần không thể thiếu trong chiến lược thương mại xã hội của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam và sẽ trở thành xu hướng trong thời gian tới vì nó vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng, đánh bại các danh mục nội dung phổ biến khác, bao gồm cả giải trí.

Đối với người xem Việt Nam, sự hấp dẫn của thương mại phát trực tiếp đến từ cơ hội xem sản phẩm trước khi mua và săn các chương trình khuyến mãi giá. Như vậy, cùng sự phát triển của hình thức thương mại xã hội, mua sắm trực tuyến qua livestream cũng đang và sẽ trở thành xu hướng quan trọng đối với người bán thương mại điện tử và người dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Kéo theo đó, thanh toán điện tử tại Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian tới. Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á sau Indonesia (83 tỷ USD), Việt Nam (29 tỷ USD) và đứng trước Thái Lan (24 tỷ USD). Với chỉ 30% người trưởng thành sử dụng dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số, Việt Nam còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng thanh toán điện tử.

Mặc dù được dự báo có nhiều triển vọng phát triển với các xu hướng rất rõ ràng, tuy nhiên theo TS. Đặng Thị Hoài, Trường Đại học Thương mại, thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn tồn tại một số thách thức.

NĂM THÁCH THỨC CHỦ YẾU

Thứ nhất, niềm tin của người tiêu dùng với các giao dịch trực tuyến tại Việt Nam vẫn còn thấp. Minh chứng rõ ràng nhất có thể nhận thấy là ngay cả trong đại dịch Covid-19, khi số lượng và giá trị các giao dịch thương mại điện tử tăng lên một cách đột biến thì phần lớn giao dịch vẫn sử dụng chủ yếu là hình thức COD (nhận hàng trực tiếp và thanh toán bằng tiền mặt).

Người tiêu dùng vẫn thích mua sắm trực tiếp hơn so với mua sắm trực tuyến. Nguyên nhân do bên cạnh việc khó kiểm định chất lượng hàng hóa, 44% người tiêu dùng không tin tưởng đơn vị bán hàng, 45% cho rằng mua hàng tại các cửa hàng thuận tiện hơn so với mua sắm trực tuyến.

Thứ hai, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn khá phổ biến. Hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn bán hàng cấm, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn tràn lan, phổ biến.

Thứ ba, chi phí giao hàng cao và yêu cầu thời gian giao hàng chặt chẽ. Thực tế cho thấy, thời gian giao hàng lâu, trung bình thường là 5-6 ngày cho một đơn hàng được giao tới tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thương mại điện tử xuyên biên giới cũng thường xuyên phải đối mặt với các vấn đề về chuyển đổi tiền tệ và ngôn ngữ...

Thứ tư, việc sử dụng tiền mặt vẫn còn phổ biến. Mặc dù việc sử dụng tiền mặt khi nhận hàng trong năm 2021 đã giảm xuống so với năm 2020, tuy nhiên vẫn chiếm tỷ lệ 73%. Thói quen tiêu dùng tiền mặt vẫn còn sâu nặng trong tiềm thức của người dân.

Hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ các hình thức thanh toán điện tử còn kém hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng. Số lượng không nhỏ người dân địa phương không có tài khoản ngân hàng cũng là một yếu tố cản trở thanh toán trực tuyến.

Thứ năm, sự gia tăng tội phạm, gian lận tài chính trong thương mại điện tử. Khi nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 57 tỷ USD vào năm 2025 (theo Báo cáo e-conomy SEA 2021 của Google, Temasek, Bain & Company), các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với sự gia tăng của các mối đe dọa mạng tinh vi hơn và các cuộc tấn công vào các giao dịch trực tuyến.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 12-2023 phát hành ngày 20-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Phát triển thương mại điện tử còn nhiều thách thức - Ảnh 2