Thương mại điện tử và tiêu dùng “xanh” có đang trở thành xu thế?
Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đi kèm với phát triển “xanh” đang là xu thế mới buộc các doanh nghiệp phải nắm bắt và thay đổi. Đây không chỉ là vấn đề của các “ông lớn” với những khoản chi “khủng” mà còn là vấn đề đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tính đến sự thuận tiện khi mua sắm và tính đảm bảo, an toàn cũng như chất lượng của sản phẩm…
Các trào lưu mới của thế giới đang xoáy mạnh, bao trùm bởi những yếu tố như công nghệ AI, điện toán đám mây, kỹ thuật số. Tuy nhiên để hướng đến sự phát triển bền vững, việc áp dụng những công nghệ song song với phát triển “xanh”. Nhiều báo cáo, nghiên cứu đã chỉ ra rằng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng tất yếu trong thời gian tới.
THỰC PHẨM “XANH, SẠCH” CHIẾM ƯU THẾ
Dù đại dịch Covid-19 đã khép lại, mua sắm online và đa kênh vẫn đang là xu hướng thịnh hành. Không chỉ vậy, người tiêu dùng còn đặc biệt quan tâm và khắt khe hơn đến vấn đề sức khỏe khi ưu tiên lựa chọn sản phẩm có thương hiệu uy tín, dán nhãn “xanh, sạch”.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, hiện nay vai trò tiêu chuẩn ngày càng trở nên là "vũ khí" sắc bén trong cạnh tranh, không chỉ ở thị trường nội địa, mà còn là thị trường xuất khẩu.
"Trong một cuộc tham khảo từ 197 doanh nghiệp, hầu hết doanh nghiệp nêu lên 2 nhu cầu bức bách nhất là tư vấn giúp họ chọn được tiêu chuẩn phù hợp để được chứng nhận “xanh” và “sạch”, đạt chuẩn để hội nhập và giúp doanh nghiệp tham gia vào việc bán hàng tốt trên thị trường trong, ngoài nước”, bà Vũ Kim Hạnh thông tin.
Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang dần phát triển về chiều sâu thông qua việc lựa chọn sản phẩm. Thói quen mua sắm của khách hàng đang có thay đổi lớn sau đại dịch, người tiêu dùng dần quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe và hệ sinh thái trường xung quanh.
Theo báo cáo của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, thực trạng hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc là vấn đề đáng lo ngại nhất khi mua dùng sản phẩm của người tiêu dùng. 43% số người tiêu dùng lo ngại doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong sản xuất và bảo quản, hay sử dụng nguyên liệu không đảm bảo chất lượng để sản xuất.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng phần lớn người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho sản phẩm cam kết “xanh”, “sạch” được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường. Nhiều người cho biết họ ưu tiên mua các thực phẩm Organic, Bio Organic, thực phẩm không biến đổi gen,… không gây hại đến môi trường. Đặc biệt với nhóm ngành thực phẩm và đồ uống.
CHỦ ĐỘNG TẬN DỤNG CÔNG NGHỆ
Theo nhận định của các chuyên gia, ngành hàng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng là những ngành hàng đóng vai trò chủ chốt đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế quốc gia. Điều này được minh chứng qua số liệu của năm 2022 vừa qua.
Cụ thể, trong cơ cấu kinh tế Việt Nam năm 2022, ngành hàng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn với 5.680 nghìn tỷ, chiếm khoảng 19,8%.
Khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao trong năm 2022 cho thấy, mặc dù mua sắm truyền thống vẫn chiếm thị phần lớn với khoảng 60% và xu hướng mua online không còn “bùng nổ” và mang tính độc tôn như thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nhưng các kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế.
Những cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tạp phẩm, các đại lý cung ứng các loại sản phẩm tiêu dùng có thiên về xu hướng “xanh", bán hàng hóa chất lượng, giá cả tốt và đặc biệt là sự thuận tiện rất thu hút người tiêu dùng.
Thêm vào đó là xu hướng chuyển dịch “cơ học” khách hàng từ chợ truyền thống hay các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ sang các kênh bán lẻ hiện đại. Đặc biệt ở các đô thị, kênh bán lẻ hiện đại đang cho thấy sự thu hút đối với người tiêu dùng trong việc mua sắm sản phẩm nhóm hàng tiêu dùng nhanh.
Về việc ứng dụng công nghệ trong kinh doanh đối với doanh nghiệp, bà Kim Hạnh cho biết thêm, hiện nay người tiêu dùng ngày càng thắt chặt mua sắm, doanh nghiệp cần phát triển theo hướng thông minh nhất. Cần tìm hiểu và ứng dụng các công cụ hiện đại như AI, chat GPT như thế nào để có thể giúp doanh nghiệp quản trị tốt nhất và phát triển trong tương lai.
Các kênh mua sắm online vẫn cho thấy được mức độ rất phổ biến, đặc biệt với giới tiêu dùng trẻ. Người tiêu dùng hiện nay đang có xu hướng lựa chọn mua sắm thông qua sự kết hợp giữa phương thức truyền thống và kỹ thuật số. Cùng với sự thâm nhập ngày càng tăng của điện thoại thông minh, thiết bị di động và dịch vụ Internet, sự phát triển của thương mại điện tử, bán hàng online vẫn sẽ là một xu hướng tất yếu.
Trước những biến động của nền kinh tế cùng với “làn sóng” công nghệ thông tin, doanh nghiệp Việt Nam cần ngày càng quan tâm đến việc phát triển các hình thức mua bán, đem đến ấn tượng cho người tiêu dùng.
Theo ông Kao Siêu Lực, Giám đốc Công ty ABC Bakery, thành viên Hội đồng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, xây dựng thương hiệu là việc khó nhưng giữ được thương hiệu càng khó hơn. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, cạnh tranh ngày càng quyết liệt, doanh nghiệp Việt Nam cần theo kịp công nghệ để không bị bỏ lại phía sau.
"Doanh nghiệp phải tự bắt lấy thời cơ, giữ vững tâm thế và chuẩn bị sẵn sàng trước những cơ hội sẽ đến. Mặc dù tình hình trên thế giới đang diễn biến khó khăn về mọi mặt, tuy nhiên Việt Nam vẫn có những cơ hội mới khi dòng chuyển dịch vốn từ các công ty nước ngoài cùng với nguồn nội lực của quốc gia”, ông Lực nhấn mạnh.