Philippines được dự báo là câu chuyện tăng trưởng ấn tượng hàng đầu châu Á
"Những khó khăn đã lắng xuống. Nhà đầu tư đang sẵn sàng quay trở lại Philippines"
Nền kinh tế Philippines đang có sự khởi sắc ngoạn mục và được dự báo sẽ là câu chuyện tăng trưởng ấn tượng hàng đầu ở khu vực châu Á trong năm nay.
Năm 2018, Philippines từng đối mặt một loạt thách thức bao gồm cú sốc lạm phát, đồng nội tệ Peso mát giá 5%, và thâm hụt tài khoản vãng lai tăng mạnh. Bước sang năm 2019, những áp lực đối với nền kinh tế nước này bắt đầu nhẹ đi.
Tốc độ tăng giá tiêu dùng trong tháng 12 đã chậm lại. Đồng Peso và thị trường chứng khoán đi lên. Cán cân vãng lai trở lại tầm kiểm soát.
Hãng tin Bloomberg dẫn một báo cáo của tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service nói rằng kinh tế Philippines có thể đạt tốc độ tăng trưởng trên 6% trong năm nay, và dự trữ ngoại hối của nước này sẽ vào hàng mạnh nhất trong số các nền kinh tế mới nổi trên toàn cầu.
"Giai đoạn tồi tệ nhất đã đi qua trong 2018", ông Jonathan Ravelas, chiến lược gia trưởng ngân hàng BDO Unibank ở Manila, phát biểu. "Chúng tôi lạc quan thận trọng vì chúng tôi biết mình không còn ở trong giai đoạn đó nữa".
Chỉ số chính của thị trường chứng khoán Philippines đã tăng hơn 7% trong năm nay, mức tăng mạnh nhất ở châu Á. Đồng Peso tăng 0,8% so với USD, đạt mức 52,2 Peso đổi 1 USD, sau khi là một trong những đồng tiền thị trường mới nổi mất giá mạnh nhất trong 2018.
Đầu tuần này, ngân hàng Goldman Sachs dự báo đồng Peso sẽ đạt mức 50 Peso đổi 1 USD trong 12 tháng tới. Các điều kiện tài chính thắt chặt trong 2018 sẽ làm cho nhu cầu trong nước và nhập khẩu của Philippines giảm tốc, nhờ đó đưa cán cân vãng lai về trạng thái cân bằng hơn, theo Goldman Sachs.
"Đồng Peso còn có khả năng tăng giá nữa, nhờ dự trữ ngoại hối mạnh và các yếu tố nền tảng tương đối vững", ông Koji Fukaya, Giám đốc điều hành FPG Securities ở Tokyo, nhận xét.
Một lợi thế của Philippines là mức nợ nước ngoài thấp. Số nợ nước ngoài tới hạn phải trả trong năm nay và tổng tiền gửi trên 1 năm của người nước ngoài ở Philippines được ước tính tương đương khoảng 25% dự trữ ngoại hối 2019, tỷ lệ thấp nhất trong số 19 thị trường mới nổi được Bloomberg theo dõi.
Kiều hối do người Philippines làm việc ở nước ngoài gửi về nước được coi là một trụ cột của nền kinh tế và tỷ giá đồng tiền của nước này. Kiều hối tương đương khoảng 10% tổng sản phẩm trong nươc (GDP) của Philippines. Dữ liệu công bố hôm thứ Ba cho thấy, dòng kiều hối chảy vào Philippines trong tháng 11 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
Với những yếu tố nền tảng của nền kinh tế vững lên, Philippines có thể chống chọi tốt hơn với những ảnh hưởng bất lợi của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và sự đi lên của giá dầu, những nhân tố khiến nền kinh tế nước này gặp khó trong 2018.
"Những khó khăn đã lắng xuống. Nhà đầu tư đang sẵn sàng quay trở lại Philippines", ông Ravelas phát biểu.