11:12 23/10/2013

“Phối hợp chính sách cần kiên định”

Đoàn Trần

“Tôi cho rằng, việc phấn đấu để năm 2014, tốc độ tăng trưởng đạt 5,7-5,8% là hợp lý”

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho rằng, phối hợp trong thực hiện các chính sách vẫn là vấn đề hết sức nóng. Nền kinh tế có ấm trở lại hay không, phụ thuộc nhiều vào sự kiên định và đồng bộ trong phối hợp chính sách.

Ông có nghĩ rằng Chính phủ đề ra chỉ tiêu GDP cho năm tới tăng 5,8% là quá tham vọng không?

Tôi cho rằng, việc phấn đấu để năm 2014, tốc độ tăng trưởng đạt 5,7-5,8% là hợp lý. Trong năm 2014 - 2015, nền kinh tế có khá nhiều thuận lợi như: kinh tế vĩ mô ổn định tạo điều kiện thu hút đầu tư. Đầu tư nước ngoài gia tăng do kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn trong năm tới cũng như khả năng thu hút đầu tư cao hơn với triển vọng hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết trong năm 2015.

Đầu tư tư nhân trong nước cũng sẽ cải thiện nhờ những giải pháp chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh cũng như những biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu... Xuất khẩu cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khá từ những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn không ít thách thức, doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhất là khu vực nông nghiệp. Cân đối ngân sách tiếp tục khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng bố trí vốn đầu tư phát triển, trong khi tăng trưởng kinh tế trong 2014 vẫn chủ yếu dựa vào vốn đầu tư do chưa cải thiện được nhiều năng suất và hiệu quả...

Chúng ta cần phải nhiều nỗ lực để có thể đạt được mức tăng GDP năm tới ở mức này. Có đạt được mức tăng GDP như vậy, thì mới góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô lâu dài, các doanh nghiệp mới có điều kiện duy trì sản xuất. Nếu đề ra mức tăng GDP thấp hơn, sẽ ảnh hưởng công ăn, việc làm và dẫn đến nhiều hệ lụy khác nữa.

Nhưng “chạy” theo mức tăng GDP như vậy, dường như có mâu thuẫn với mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2014 ở mức dưới 7%?

Tôi cho rằng, một mặt chúng ta kiên định ổn định kinh tế vĩ mô và phải luôn coi đó là một giá trị cốt lõi, là thành quả đạt được trong mấy năm qua. Nhưng nếu quá tập trung kiểm soát lạm phát, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, mà coi nhẹ duy trì tăng trưởng, đầu tư xã hội hợp lý thì doanh nghiệp sẽ suy kiệt hơn nữa và lâu dài sẽ mất cân đối kinh tế vĩ mô.

Vì thế, không nên khiên cưỡng giữa việc thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô hay là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vì như vậy sẽ tạo ra áp lực cho mong muốn phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Lạm phát được kiểm soát trong một thời gian khá dài, xu hướng lạm phát dài hạn đang giảm dần và ổn định quanh mức 7% là những tín hiệu tích cực tạo nền tảng cho sự ổn định lạm phát cho trung hạn. Vậy thì đây cũng là lúc cần xác định nhiệm vụ cho trước mắt là phải đối phó tình trạng tăng trưởng thấp hiện nay.

Đồng thời, thực hiện quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế. Chúng ta cần tái cơ cấu cụ thể hơn, mang lại hiệu quả rõ ràng hơn thì mới nâng cao năng suất lao động; thì mới tránh được tình trạng tăng đầu tư dàn trải, không hiệu quả, dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô.

Như vậy là các mục tiêu có vẻ mâu thuẫn nhưng chúng ta sẽ vẫn thực hiện được mà không để xảy ra rủi ro nào cho nền kinh tế, thưa ông?

Đúng là như vậy, nhưng với điều kiện là tổ chức thực hiện tốt. Thực tế đã chứng minh là có những định hướng, giải pháp mà chúng ta đưa ra đều rất đúng và trúng, nhưng việc thực hiện kết quả chưa như mong đợi. Phối hợp trong thực hiện các chính sách vẫn là vấn đề hết sức nóng.

Nền kinh tế có “ấm” trở lại hay không, và có phải gặp phải rủi ro nào trong quá trình phục hồi hay không, phụ thuộc nhiều vào sự kiên định và đồng bộ trong phối hợp chính sách.

Những nút thắt khó gỡ của nền kinh tế năm 2014, theo ông, nằm ở đâu?


Cân đối ngân sách và tình hình khó khăn của doanh nghiệp hiện nay có lẽ là những thách thức lớn của nền kinh tế. Khả năng cân đối ngân sách nhà nước hiện đang rất khó khăn và chưa có nhiều tín hiệu cho thấy khó khăn này sẽ giảm trong năm tới. Ước thực hiện cả năm nay hụt thu cân đối ngân sách 59.430 tỷ đồng, dự báo 2014 có khả năng sẽ hụt thu ở mức cao hơn.

Để gỡ được nút thắt này, về lâu dài, cần xây dựng khuôn khổ ngân sách trung hạn để đảm bảo sự bền vững của ngân sách nhà nước, đồng thời xây dựng kế hoạch giảm dần đối tượng hưởng lương ngân sách...

Về tình hình khó khăn của doanh nghiệp. Mặc dù hệ thống doanh nghiệp đã được hỗ trợ nhiều bằng các nghị quyết của Chính phủ nhưng vẫn rất khó khăn, công suất sản xuất của nhiều doanh nghiệp ở một số ngành và lĩnh vực rất thấp. Tôi cho rằng Chính phủ cần phải tiếp tục hết sức quan tâm đến tình hình doanh nghiệp.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)