17:24 28/05/2021

Phòng dịch trong doanh nghiệp: Bài toán kinh phí xét nghiệm

"Chúng tôi phải trả 235.000 đồng/người/lần xét nghiệm. Nếu việc xét nghiệm 1 tuần/lần cho vài nghìn lao động thì công ty sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể đảm đương được”

Mỗi xưởng may cả nghìn công nhân, cần có biện pháp giãn cách.
Mỗi xưởng may cả nghìn công nhân, cần có biện pháp giãn cách.

Ngày 28/5, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban Phụ trách cách ly y tế và xử lý môi trường thuộc Bộ phận Thường trực đặc biệt Bộ Y tế tại tỉnh Bắc Giang đã cùng các thành viên phối hợp với lãnh đạo huyện Hiệp Hòa đi kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại một số doanh nghiệp.

XÉT NGHIỆM 1 TUẦN 1 LẦN ĐỐI VỚI TOÀN BỘ NGƯỜI LAO ĐỘNG

Đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Công ty Pan Pacific, xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa đúng lúc công ty đang tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 1.500 lao động. Lãnh đạo công ty cho biết, hiện đã xét nghiệm cho toàn bộ cán bộ nhân viên một lần vào 21-22/5, đây là lần thứ 2.

Một số phương án phòng chống dịch công ty đã triển khai như: phát cho mỗi lao động 1 hộp khẩu trang, bố trí sát khuẩn tại các cửa ra vào, đo thân nhiệt trước xưởng, đặt vách ngăn nhà ăn, phân ca ăn theo giờ... Hiện doanh nghiệp đang đặt mua tấm chắn giọt bắn cho công nhân và triển khai từ tuần sau.

Đoàn công tác cũng đã đến Công ty Philko Vina, doanh nghiệp chuyên gia công hàng dệt may xuất khẩu. Tương tự như Công ty Pan Pacific, cả ngàn công nhân đang tập trung sản xuất trong một phân xưởng, chỉ đeo khẩu trang và không có giãn cách.

Sau khi đi kiểm tra các xưởng sản xuất, khu vệ sinh, bếp ăn…, chứng kiến việc sản xuất tập trung trong xưởng với cả nghìn công nhân, ông Dương Chí Nam, đại diện Tổ công tác đề nghị công ty cần giãn cách sản xuất với các nhóm 30 người, có phân vùng, vách ngăn, hạn chế tiếp xúc. Ngoài ra, công ty cần có biện pháp xét nghiệm 1 tuần/ lần đối với toàn bộ lao động.

Các doanh nghiệp cho biết, việc giãn cách sản xuất có thể có phương án xử lý, nhưng khó khăn hiện nay liên quan đến kinh phí xét nghiệm. 

"Chúng tôi phải trả 235.000 đồng/người/lần xét nghiệm. Nếu việc xét nghiệm 1 tuần/lần cho vài nghìn lao động thì công ty sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể đảm đương được”, Giám đốc người Hàn Quốc của Công ty Pan Pacific bộc bạch với đoàn làm việc.

CẦN SỚM LẬP KẾ HOẠCH GIÃN CÁCH SẢN XUẤT

Làm việc với lãnh đạo huyện Hiệp Hòa và đại diện các công ty trên địa bàn, ông Dương Chí Nam đặc biệt lưu ý đến khâu xét nghiệm và việc giãn cách sản xuất.

Theo ông Dương Chí Nam, huyện Hiệp Hòa tuy không phải điểm nóng về dịch nhưng không thể lơ là công tác phòng dịch trong doanh nghiệp. Bởi lẽ hầu hết là các doanh nghiệp dệt may, với số lượng mỗi xưởng sản xuất thường có từ 1.000 đến 4.000 lao động, sản xuất tập trung, nếu không may xuất hiện một ca F0 thì giải quyết sẽ vô cùng phức tạp, không kém gì một Hosiden thứ 2.

Các giải pháp mà Tổ giám sát Bộ phận Thường trực đặc biệt Bộ Y tế đưa ra là các doanh nghiệp cần sớm lập kế hoạch giãn cách sản xuất, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó khi phát hiện đối tượng F0, F1. Về phía huyện, cần tổ chức giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp tuân thủ chặt các quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19.

Ông Nam cho hay, Tổ công tác sẽ có tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để nâng cao vấn đề phòng chống dịch Covid-19 ở các doanh nghiệp nằm ngoài các khu công nghiệp.

"Về khâu xét nghiệm, doanh nghiệp cần có giải pháp xét nghiệm toàn bộ 1 tuần/lần trong tháng cao điểm, sau đó có thể giãn dần. Về kinh phí xét nghiệm, chúng tôi có thể sẽ nghiên cứu phương án gộp mẫu để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Nếu không đáp ứng được, khi phát hiện bất kể 1 ca dương tính nào, sẽ buộc phải đóng cửa cả nhà máy, Khi đó gánh nặng sẽ ngoài sức tưởng tượng”, ông Nam nhấn mạnh.