09:58 19/10/2010

Quá sớm để xét hiệu quả Nhà máy Lọc dầu Dung Quất?

Từ Nguyên

Xung quanh bản dự thảo báo cáo tổng kết “Công trình Nhà máy Lọc dầu Dung Quất” do Chính phủ soạn thảo để trình Quốc hội

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dự kiến sẽ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dự kiến sẽ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước.
Chiều 18/10, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Công Thương và chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) đã tổ chức hội nghị đánh giá quá trình giám sát việc thực hiện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Chậm tiến độ... 9 năm

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã đọc bản dự thảo báo cáo tổng kết “Công trình Nhà máy Lọc dầu Dung Quất” do Chính phủ soạn thảo để trình Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, sau khi có ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các thành viên chính phủ đã thống nhất trong việc nhìn nhận, đánh giá chủ trương xây dựng và tính hiệu quả của dự án với nội dung: “Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được xây dựng phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển ngành dầu khí, phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể của khu kinh tế Dung Quất và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội miền Trung”.

Bên cạnh đó, dự án đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội, chính trị rất to lớn đối với đất nước và khu vực miền Trung, là động lực cho nhiều ngành công nghiệp khác phát triển, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà...

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt tồn tại, hạn chế của quá trình xây dựng nhà máy.

Một trong những tồn tại lớn nhất của dự án là tiến độ thực hiện. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, so với nghị quyết được Quốc hội thông qua (triển khai năm 1997 và hoàn thành năm 2001) thì dự án đã chậm tiến độ đến... 9 năm.

Còn nếu so với tiến độ đã cam kết trong hợp đồng EPC với nhà thầu thì dự án cũng bị chậm tiến độ mất khoảng 7 tháng.

Nguyên nhân của việc chậm tiến độ là do dự án bị chuyển đổi hình thức đầu tư nhiều lần, dẫn đến phải tốn nhiều thời gian để giải quyết các vấn đề pháp lý và ổn định tổ chức.

Hơn nữa, trong giai đoạn liên doanh, công tác thực hiện thiết kế tổng thể, lựa chọn nhà thầu EPC bị kéo dài tới 42 tháng, do quan điểm các bên trong liên doanh không đồng thuận.

Ngoài ra, vấn đề về khung pháp lý chưa hoàn thiện, tình hình thế giới biến động, chờ đợi các quyết định phê duyệt bổ sung, năng lực quản lý của chủ đầu tư còn hạn chế... cũng là những nguyên nhân khiến dự án bị chậm tiến độ.

Quá sớm để xét hiệu quả?

Một điểm đáng chú ý trong báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trình bày là công tác quyết toán dự án. Bộ trưởng cho hay, tính đến tháng 9/2010, công tác này đã cơ bản hoàn thành.

Nếu so với tổng mức đầu tư được duyệt là 3,053 tỷ USD, tương đương 51,72 nghìn tỷ đồng (tính theo tỷ giá tại thời điểm phê duyệt là 16.937 VND/USD), thì giá trị quyết toán dự kiến của nhà máy chỉ là 40,41 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị đã quyết toán hoặc đã lập báo cáo là 38,92 nghìn tỷ đồng, giá trị đang/chưa quyết toán do vướng mắc về hồ sơ, thủ tục hoặc đang thi công dở là 1,49 nghìn tỷ đồng.

Cộng với vốn lưu động ban đầu là 3,39 nghìn tỷ đồng, tổng giá trị quyết toán dự kiến là 43,80 nghìn tỷ đồng, thấp hơn tổng mức đầu tư được phê duyệt gần 8 nghìn tỷ đồng.

Sau khi nghe Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng báo cáo, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã lưu ý rằng, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vừa được đưa vào vận hành, nên còn quá sớm để xét đến tính hiệu quả hay không hiệu quả.

Bên cạnh đó, với thời gian thực hiện kéo dài tới 13 năm thì việc đưa quá nhiều lời khen vào trong báo cáo sẽ là một điều không hay và thiếu sức thuyết phục với đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, cũng không vì chậm tiến độ mà các bộ, ngành lại tập trung phê phán, chỉ trích Chính phủ và chủ đầu tư.

“Báo cáo đánh giá quá trình thực hiện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cần phải dựa trên tổng thể lợi ích quốc gia; phải nhìn nhận được những giá trị tích cực của nhà máy, không nên đi “soi” từng chi tiết, từng lỗi nhỏ để ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ và chủ đầu tư”, Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên lưu ý.

Còn theo TS. Trần Văn, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc Chính phủ khẳng định “Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mang lại lợi ích kinh tế - xã hội rất cao” là cần phải xem xét lại.

Theo ông, dự án hiện nay mới bắt đầu đi vào hoạt động nên cần phải phân tích sâu hơn về tác động, độ lan tỏa của dự án đối với tỉnh Quảng Ngãi và kinh tế của cả vùng. Muốn vậy, ngoài đánh giá mang tính tổng quát, cần phải có đánh giá mang tính định lượng cụ thể.

“Hiện có ý kiến lo ngại về gánh nặng lãi suất của khoản vay đầu tư nhà máy, khả năng cạnh tranh với các dự án lọc hóa dầu khác cũng như khả năng cung ứng dầu thô cho nhà máy. Do đó, trong tổng số hơn 3 tỷ USD vốn đầu tư, Chính phủ cần phải phân tích rõ cơ cấu vốn đầu tư thì mới thấy rõ được hiệu quả kinh doanh của dự án”, ông Văn nói.

Trong khi đó, theo ông Lương Văn Kết, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), với tổng giá trị dự kiến quyết toán hơn 43,8 nghìn tỷ đồng, thấp hơn tổng mức đầu tư được duyệt là gần 8 nghìn tỷ đồng, trong khi dự án bị chậm tiến độ, thời gian thử nghiệm kéo dài, thì dường như có sự mâu thuẫn trong báo cáo.

Theo ông, một khi nhà máy gặp trục trặc và phải kéo dài thời gian chạy máy thì càng phải thiệt hại, tốn kém thêm chứ không thể lại có chuyện dư ra một khoản tiền lớn như vậy.

“Dự án không vận hành thương mại trong một thời gian dài mà lại làm giảm vốn đầu tư là một điều khó thuyết phục các đại biểu Quốc hội. Hơn nữa, một dự án kéo dài 13 năm mà lại đánh giá hiệu quả ngay là thiếu khách quan”, ông Kết nói.

Còn với đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường), báo cáo không nên quá nhấn mạnh vào những thành tích đã đạt được. “Không thể đánh giá một cách chung chung, bởi tiền xây nhà máy là của dân, nên dân cần được nghe những đánh giá chi tiết, nêu rõ những hạn chế và phải nhìn nhận đúng mức về hiệu quả của dự án để rút kinh nghiệm cho những dự án sau này nữa. Địa điểm xây dựng nhà máy vốn là căn cứ cách mạng nên việc hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho người dân đến đâu cũng cần phải được nêu rõ trong báo cáo”, bà Khánh lưu ý.

Bớt vốn do chạy thử

Đáp lại những phản biện trên, ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Petro Vietnam, với tư cách là chủ đầu tư dự án cho hay, báo cáo do Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trình bày gần như là “bản cuối” sau khi đã có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến đồng thuận của các bộ, ngành trước đó.

Lãnh đạo Petro Vietnam cũng cho hay, việc giảm được tổng mức đầu tư là do trong quá trình chạy thử, nhà máy đã được Chính phủ miễn giảm một số khoản thuế, phí mà lẽ ra phải nộp, chứ hoàn toàn không có gì mâu thuẫn trong tính toán này.

Riêng khoản 1.000 tỷ đồng chưa được đưa vào quyết toán, lãnh đạo Petro Vietnam cho hay, đang chờ ý kiến chính thức của Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng. Nếu hai cơ quan này đồng ý đưa vào quyết toán thì Petro Vietnam sẽ đưa.

“Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là dự án lọc hóa dầu đầu tiên mà Việt Nam xây dựng, nên chắc chắn sẽ có những tồn tại nhất định do chưa có nhiều kinh nghiệm. Petro Vietnam sẽ nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan về quá trình xây dựng nhà máy để rút kinh nghiệm cho những dự án tiếp theo. Tuy nhiên, một bản báo cáo không thể làm hài lòng và thỏa mãn cho tất cả các đại biểu Quốc hội được”, ông Thăng trình bày.

* Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 12/1997 và xác định đây là công trình quan trọng quốc gia. Theo đó, dự án được dự kiến xây dựng trong thời gian 4 năm, từ 1997 - 2001.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, dự án đã bị chậm tiến độ khoảng 9 năm với 2 lần điều chỉnh tổng mức đầu tư. Trong đó, tổng mức đầu tư ban đầu được Thủ tướng phê duyệt năm 1997 là 1,5 tỷ USD. Đến năm 2005,  sau khi được Quốc hội thông qua, Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án lên mức 2,501 tỷ USD.

Trong giai đoạn 2005 - 2008, do có nhiều yếu tố biến động về giá cả đầu vào, tỷ giá và bổ sung khối lượng công việc, trên cơ sở đề nghị của Petro Vietnam và thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 8/2009, Thủ tướng một lần nữa phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 3,053 tỷ USD, tăng 552,5 triệu USD so với lần điều chỉnh thứ nhất.

Cuối tháng 5/2010, sau 13 năm đầu tư, xây dựng, nhà máy đã chính thức hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư là Petro Vietnam quản lý và vận hành. Đến thời điểm này, nhà máy đã hoàn thành tất cả các khối lượng công việc theo quyết định về đầu tư của Thủ tướng và đã bước vào giai đoạn vận hành 100% công suất thiết kế.