14:50 11/06/2009

Quản lý lao động nước ngoài: “Tôi không đùn đẩy trách nhiệm!”

Minh Thúy

Câu hỏi về trách nhiệm quản lý lao động nước ngoài vẫn "nóng" tại phiên chất vấn

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời chất vấn trước Quốc hội - Ảnh: LQP.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời chất vấn trước Quốc hội - Ảnh: LQP.
Là người đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, trách nhiệm quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là của Bộ.

“Tôi không đùn đẩy trách nhiệm cho ai hết!”, nữ bộ trưởng khẳng định.

Đề xuất ban hành Luật Lao động nước ngoài

Trả lời câu hỏi của đại biểu Võ Thị Thủy về tình hình lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, Bộ trưởng Ngân cho biết sẽ giải quyết vấn đề này trên tinh thần tôn trọng nguyên tắc hợp tác song phương với các nước.

Về giải pháp, Bộ trưởng Ngân trả lời, đối với những người không có cấp giấy phép lao động sẽ kiểm tra nếu đầy đủ điều kiện cấp giấy phép thì cấp , còn nếu không đủ điều kiện thì  hướng dẫn, tuyên truyền giải thích. Hết thời hạn được lưu trú tại Việt Nam thì  tạo điều kiện cho về nước. "Những trường hợp đủ điều kiện rồi mà do vướng mắc cái gì đó chưa được cấp giấy phép thì đó là trách nhiệm của chúng ta".

Theo Bộ trưởng thì việc này không thể giải quyết ngay trong 1 tuần hay 1 tháng. Bộ trưởng Ngân cũng ghi nhận lao động nước ngoài đã “có đóng góp rất lớn” cho tiến độ thi công nhiều công trình khi nhà thầu nước ngoài không tuyển được lao động Việt Nam.

Tại văn bản trả lời chất vấn Bộ trưởng trình bày trước khi trả lời chất vấn trực tiếp, với nhiều chất vấn của đại biểu về quản lý lao động nước ngoài, người đứng đầu ngành lao động cho biết số lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc năm 2008 là 52.633 người. Trong đó, đã có 43,87% được cấp giấy phép lao động, số còn lại là những đối tượng đang trong giai đoạn làm thủ tục để cấp giấy phép lao động hoặc không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép lao động.

Bộ trưởng cũng khẳng định, hiện nay các địa phương chưa có báo cáo tổng hợp về số lao động là người nước ngoài làm việc bất hợp pháp ở Việt Nam và cũng chưa có số liệu thống kê đầy đủ số lao động phổ thông là người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.

Lao động phổ thông là người nước ngoài vào Việt Nam thường không đủ điều kiện xin cấp giấy phép lao động. Hầu hết số lao động này vào làm việc ở các công trình, dự án do các nhà thầu nước ngoài trúng thầu ở Việt Nam, vị bộ trưởng này nói.

Phần trách nhiệm quản lý và sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Bộ trưởng đã nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, trong đó có 3 bộ: Công an, Tư pháp và Ngoại giao.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào chất vấn, Bộ trưởng nhắc đến ba bộ đó có hàm ý gì, trong khi trách nhiệm là của ngành lao động?

“Tôi không đùn đẩy trách nhiệm cho ai hết, trách nhiệm là của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Nhưng lao động nước ngoài vào Việt Nam bằng nhiều con đường nên  phải đề xuất phối hợp với các bộ khác để quản lý. Tôi  không hàm ý đùn đẩy, tôi khẳng định tôi chịu trách nhiệm trước Chính phủ về vấn đề quản lý lao động”, Bộ trưởng tái khẳng định.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Thám về sự chia sẻ của Quốc hội để khắc phục tình trạng quản lý lao động như hiện nay, Bộ trưởng Ngân đề xuất Quốc hội nên ban hành Luật Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, để quản lý cho chặt chẽ, cụ thể hóa vấn đề đưa người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.

Năm 2009 giải quyết bao nhiêu việc làm?

Xung quanh vấn đề này có nhiều ý kiến chất vấn, từ sự chênh của các con số đến cách tính toán, các giải pháp  và việc thực hiện chỉ tiêu tạo 1,7 triệu việc làm mới trong tình hình kinh tế suy giảm.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm hỏi, Chính phủ trình Quốc hội đề nghị điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế xuống còn 5%, là cơ quan tham mưu cho Chính phủ thì bộ có đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu việc làm hay không?

Vệc điều chỉnh giảm GDP tất nhiên sẽ giảm tạo việc làm mới. Vì không có một quốc gia nào mà tăng trưởng kinh tế chậm lại mà việc làm tăng lên, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, vì lý do đó mà Chính phủ đã không báo cáo Quốc hội điều chỉnh các chỉ tiêu khác, chỉ xin Quốc hội cho các chỉ tiêu chính, cơ bản, còn lại Chính phủ sẽ cố gắng điều hành và sẽ báo cáo Quốc hội về những tác động vì sao chỉ tiêu này không đạt. Nếu như 5% GDP tăng trưởng năm nay thì việc làm chỉ đạt khoảng 1.450.000 lao động là cao rồi chứ không thể đạt được con số 1,7 triệu.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh hỏi, gói kích cầu năm 2009 sẽ tạo ra bao nhiêu việc làm? Trả lời: mục tiêu của kích cầu là tạo việc làm, song con số cụ thể thì Bộ trưởng không đề cập.

Dạy nghề cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm, đặc biệt là các giải pháp dạy nghề cho lao động nông thôn. Bộ trưởng Ngân cho biết, hiện Bộ đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo các đề án: đề án đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020; đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đề án đào tạo nghề ở 61 huyện nghèo; dạy nghề cho  người dân tộc thiểu số; đề án đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ,...

Mục tiêu của các đề án là tạo ra sự đột phá về quy mô, chất lượng dạy nghề, từng bước đạt trình độ tiên tiến của khu vực và quốc tế; bảo đảm cơ cấu nghề, cơ cấu trình độ phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao hiệu quả dạy nghề; đảm bảo công bằng về cơ hội học nghề, lập nghiệp cho mọi người, từng bước khắc phục tình trạng “thầy nhiều hơn thợ”.

“Nặng giải thích, nhẹ giải đáp”

Gần hết hơn 100 phút trả lời chất vấn của vị bộ trưởng đầu tiên, đại biểu Ngô Văn Minh bày tỏ sự “ngỡ ngàng” với phần trả lời về đề nghị hưởng đồng thời hai chế độ trợ cấp thương binh và mất sức lao động.

Theo ông, việc này đã được nêu ra cách đây hai, ba nhiệm kỳ, Bộ trưởng trả lời như thế làm như đại biểu không hiểu vấn đề.  “Tôi thất vọng quá”, đại biểu Minh nói. Ông cũng “phê” Bộ trưởng nặng về giải thích mà nhẹ giải đáp, nên mất nhiều thời gian của đại biểu.

Là một trong số các đại biểu chất vấn về tình hình lao động nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Trần Du Lịch cũng chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Ngân. Ông đã đăng ký để tiếp tục chất vấn trực tiếp Bộ trưởng song chưa được đáp ứng vì thời gian có hạn.

Chất vấn ngay từ đầu phiên họp hôm nay, các đại biểu Võ Thu Thủy, Trần Hoàng Thám nhận xét: “Bộ trưởng trả lời như thế là được”. Theo đại biểu Thám thì liên quan đến câu hỏi về thị trường lao động của ông, vấn đề quan trọng  là sau này Chính phủ cần thảo luận để có những giải phảp để quản lý thị trường lao động được tốt hơn.

Kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn của thành viên chính phủ đầu tiên tại kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khen “Bộ trưởng có nhiều cố gắng, nghiêm túc, rõ ràng” và không khí buổi họp rất tốt, có tranh luận, trao đi đổi lại.

Chủ tich cũng cho biết, tính đến 17 giờ ngày 10/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 235 câu hỏi chất vấn của 118 vị đại biểu Quốc hội ở 46 đoàn đại biểu Quốc hội gửi cho Thủ tướng Chính phủ và 20 vị Bộ trưởng, trưởng ngành. Thủ tướng có 23 chất vấn, đối với các vị Bộ trưởng, trưởng ngành nhiều nhất có 28 chất vấn, ít nhất là 1 chất vấn.

* Mở đầu phiên họp sáng nay, Trưởng ban Dân Nguyện của Quốc hội, ông Trần Thế Vượng đã trình bày báo cáo về tình hình giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 12 đến nay. Đây là việc làm lần đầu tiên diễn ra, được coi là điểm mới của kỳ họp này.

Theo bản báo cáo, tại kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 2466 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi tới kỳ họp. Ngay sau khi kết thúc kỳ họp Ủy ban đã chỉ đạo Ban Dân nguyện kịp thời chuyển các ý kiến, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Cho đến nay, Ủy ban đã nhận được văn bản trả lời đối với 535 ý kiến, kiến nghị trong tổng số 547 ý kiến, kiến nghị mà Ủy ban đã chuyển đến Chính phủ, 23 bộ và cơ quan ngang bộ. Hiện còn 12 ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Ủy ban chưa nhận được văn bản trả lời.

"Nhìn chung, các cơ quan đã thấy rõ trách nhiệm của mình trước cử tri, chất lượng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri ngày càng được nâng cao. Kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức; từng bước nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước, báo cáo nêu rõ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề chậm giải quyết do thiếu sự phối hợp, gây thêm bức xúc cho cử tri", báo cáo viết.