11:02 11/06/2008

Quanh chuyện Pepsi trồng khoai tây ở Việt Nam

Hùng Nghị

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Pepsico Đông Dương nói về việc Pepsico đầu tư trồng khoai tây tại Việt Nam

Ông Phạm Phú Ngọc Trai.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Pepsico Đông Dương nói về việc Pepsico đầu tư trồng khoai tây tại Việt Nam.

Thưa ông, giữa tháng 5 vừa qua đã rộ lên thông tin Pepsico đầu tư trồng khoai tây tại Lâm Đồng. Tại sao một doanh nghiệp chuyên về nước giải khát như Pepsico lại xông vào lĩnh vực nông nghiệp này?

Đây là giống khoai Atlantic đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép cho chúng tôi đưa vào Việt Nam trồng thử nghiệm. Sau đó là đầu tư trồng trên quy mô công nghiệp với hàng chục nghìn hecta trong tương lai không xa lắm.

Còn về Pepsi, không chỉ chuyên có nước giải khát, mà còn là một hãng thực phẩm hàng đầu thế giới với doanh thu từ ngành thực phẩm là hơn 20 tỷ USD/năm, nghĩa là chiếm khoảng trên dưới 50% tổng doanh thu của toàn tập đoàn.

Trong các sản phẩm thực phẩm thì bánh snack từ khoai tây tươi là một sản phẩm chủ lực. Chỉ riêng cho sản phẩm này, Pepsico Việt Nam cũng đã đầu tư một nhà máy chế biến snack từ khoai tây tại Bình Dương với công suất 10.000 tấn/năm, vừa bắt đầu đi vào sản xuất.

Nhà máy chỉ có công suất khoảng 10.000 tấn/năm vậy có cần thiết phải trồng quy mô công nghiệp với diện tích hàng chục nghìn ha? Tại sao chọn Lâm Đồng vừa cách xa nhà máy vừa không thuận đường giao thông?

Nếu chỉ để cung ứng cho một nhà máy ở Bình Dương thì đúng là chỉ cần vài trăm ha là đủ. Vấn đề mà Pepsico Việt Nam đặt ra là có nguồn nguyên liệu dồi dào cho nhiều nhà máy snack khác của tập đoàn trong khu vực ASEAN.

Việc chúng tôi chọn Lâm Đồng vì thí nghiệm của các chuyên gia của Pepsico cùng các chuyên gia, các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tiến hành gần 50 thí nghiệm tại Lâm Đồng, Hà Nội và các tỉnh miền Trung khác đã xác định điều kiện trồng tại Lâm Đồng là phù hợp nhất, tốt nhất với giống khoai Atlantic.

Vấn đề là lấy gì để đảm bảo rằng sản phẩm từ hàng nghìn, hay hàng chục nghìn ha khoai tây được nông dân trồng tại đây được các nước khác tiêu thụ lâu dài, để người nông dân thực sự an tâm?

Cũng mới tháng 4/2008 vừa qua, các quan chức Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc gặp gỡ với Bộ Nông nghiệp Thái Lan tại Rome để bàn bạc việc Việt Nam sẽ xuất khẩu khoai tây từ Lâm Đồng sang Thái Lan. Hai bên đã ký kết một số văn bản để có thể triển khai hoạt động xuất khẩu này vào cuối năm 2008.

Đây là tin vui cho chúng ta, và cũng là tin vui cho các nước ASEAN vì họ biết là đã có nguồn cung cấp nguyên liệu khoai tây tươi cho các nhà máy chế biến của họ. Bà con nông dân của chúng ta có thể an tâm, vì khoai tây Lâm Đồng chưa kịp ra đến chợ thì đã có người đặt hàng và đơn đặt hàng này từ cấp nhà nước, được đảm bảo bằng uy tín của chính phủ và sự tham gia tích cực của hệ thống Pepsico.

Ông có thể cho biết cụ thể chương trình đầu tư trồng khoai tây của Pepsico, và dự báo những kết quả mà người nông dân sẽ thu nhận được từ chương trình này?

Từ tháng 11/2007, chương trình trồng khoai tây trên diện rộng tại Lâm Đồng đã được tiến hành triển khai chính thức đến với các hộ nông dân, thông qua các đối tác Việt Nam của Pepsico.

Chương trình có mô hình như sau: Pepsico Việt Nam phối hợp với các đối tác trong hệ thống Pepsico để nhập giống, cung cấp nguồn giống ban đầu; UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng trong tỉnh giúp đỡ, phối hợp cùng triển khai chương trình đến hộ nông dân; các chuyên gia, các nhà khoa học để đưa ra quy trình trồng trọt phù hợp, hỗ trợ giúp đỡ kỹ thuật cho nông dân; các đối tác Việt Nam của Pepsico tại Lâm Đồng triển khai việc trồng khoai tây đến hộ nông dân, ký hợp đồng cung cấp giống, rót vốn đầu tư ban đầu và bao tiêu sản phẩm.

Với các bước đầu tư khá bài bản như vậy, chương trình này hy vọng sẽ giúp nhiều nông dân Lâm Đồng trồng khoai tây đạt năng suất cao, có đầu ra sản phẩm bảo đảm, có sự hỗ trợ và phối hợp từ cả “4 nhà” (nhà doanh nghiệp-nhà nông-nhà quản lý-nhà khoa học), lại có sự phối hợp và hợp tác giữa doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và nông dân trực tiếp sản xuất.

Mô hình đầu tư như vậy, không chỉ mang lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp, mà còn mang lại sự đảm bảo cho nông dân. Ngoài việc bảo đảm đầu ra cho nông dân, Pepsico còn đầu tư giống và phân bón không tính lãi, đến cuối vụ mới thu lại bằng khoai.

Đặc biệt trong vụ mùa khoai tây sắp tới, lần đầu tiên Pepsico Việt Nam phối hợp với các đối tác tại Lâm Đồng tiến hành việc bảo đảm đầu tư cho nông dân. Theo đó, các hộ nông dân bị thất thu do khách quan như thiên tai, dịch bệnh sẽ được xem xét giãn nợ hoặc xóa nợ. Đây là cơ chế bảo đảm quyền lợi cho nông dân ở mức cao nhất, thể hiện cam kết đầu tư lâu dài và trách nhiệm của Pepsico đối với cộng đồng trong quá trình hoạt động kinh doanh.