18:39 09/06/2009

Quốc hội “họp phụ huynh”

Nguyên Hà

Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục 2009 -2014 vẫn còn nhiều vấn đề chưa ngã ngũ

Đại biểu Phạm Mạnh Hùng: Tại sao khi nói về chất lượng thì chúng ta đòi hỏi sự so sánh và yêu cầu chất lượng giáo dục chúng ta phải ngang bằng với giáo dục của thế giới. Nhưng khi nói về kinh phí đào tạo, học phí chúng ta nói không so sánh vì GDP của chúng ta quá thấp?
Đại biểu Phạm Mạnh Hùng: Tại sao khi nói về chất lượng thì chúng ta đòi hỏi sự so sánh và yêu cầu chất lượng giáo dục chúng ta phải ngang bằng với giáo dục của thế giới. Nhưng khi nói về kinh phí đào tạo, học phí chúng ta nói không so sánh vì GDP của chúng ta quá thấp?
Ngày 9/6, Quốc hội đã dành gần trọn một ngày để thảo luận tại hội trường về đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục 2009 – 2014.

Theo cách gọi của nữ đại biểu Vũ Thị Thu Hà thì “Quốc hội lúc này như một buổi họp phụ huynh học sinh, trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo là giáo viên chủ nhiệm, Quốc hội, nhân dân là toàn thể phụ huynh học sinh”.

Và theo đánh giá của Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên - người điều hành - thì đây là một buổi họp thú vị, rất có kết quả.

Trước đó, vào ngày 3/6, các vị “phụ huynh học sinh’ đã thảo luận tại tổ về đề án nói trên với nhiều ý kiến đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục khi học phí được đề nghị tăng quá cao như dự thảo.

Tiếp thu những ý kiến đóng góp thảo luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giải trình rõ hơn nhiều vấn đề trong đề án tại một bản báo cáo dài 11 trang. Trong đó  nhấn mạnh đây là đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục chứ không phải là đề án nâng cao chất lượng giáo dục.

Vì vậy, đề án chỉ đề cập đến các giải pháp tài chính để nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô giáo dục. Còn nhiều giải pháp khác để nâng cao chất lượng giáo dục đã và sẽ được ngành thực hiện đồng thời với Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, báo cáo viết.

Tuy nhiên, giải thích này vẫn không thuyết phục được đa số đại biểu. Bên cạnh một số ý kiến “cơ bản đồng tình” còn không ít ý kiến trái ngược. Một số ý kiến phê “bộ trưởng lúng túng thiếu tự tin” nên có động thái “vận động hành lang”nhằm thuyết phục dư luận và đại biểu ủng hộ chủ trương tăng học phí.

Thiếu thuyết phục, chưa chín muồi?

Khẳng định sự cần thiết phải đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, song nhiều ý kiến đặt câu hỏi,  tại sao Bộ giáo dục và Đào tạo không đưa ra một đề án cải cách nền giáo dục nước nhà nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo đang là đòi hỏi cấp bách hiện nay. Thay vì đưa ra đề án chưa sát thực tế, nặng về học phí, nhẹ về chất lượng đào tạo.

Đại biểu Đăng Như Lợi (Cà Mau) nhận xét, chủ trương của Chính phủ thì rất đúng nhưng nội dung của đề án thì lại không thể nào đảm bảo được điều mà ta đặt ra. “Theo tôi chủ trương là đồng ý nhưng đề án thì không, Chính phủ cần xem xét chuẩn bị lại đề án, có phản biện sâu sắc hơn, còn Quốc hội nên giao cho Uỷ ban Tài chính - Ngân sách chủ trì thẩm tra thì đúng chuyên môn và phản biện sẽ sâu hơn”, ông Lợi đề nghị.

Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) thì đề án đã đụng chạm nhiều đến tâm tư tình cảm, miếng cơm, manh áo của mọi người dân có con em đi học trong thời buổi khó khăn này. “Tôi đồng tình với đề án là phải tăng học phí nhưng lúc này chưa phải đạo”, ông Nghĩa nói.

Đại biểu Võ Đình Tuyến (Bình Phước) cho rằng, không thể tăng học phí vì trượt giá. Vì giá cả tăng thì đâu có phải chi phí cho ngành giáo dục mới chịu tác động, mà đối với hộ gia đình và học sinh cũng chịu tác động hết sức nặng nề, nhất là đối với các em học sinh ở các tỉnh xa đến thành phố để học đại học. Theo tính toán của ông, mỗi học sinh lên thành phố học đại học phải chi tối thiểu khoảng 2.500.000 đồng. Trong lúc bình quân thu nhập của một công nhân cũng mới được 1.000.000 đồng/tháng, của một cán bộ công chức cũng mới chỉ khoảng 2.000.000 đồng.

Lo ngại không công bằng trong việc tính học phí theo thu nhập, đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) nêu thực tế hiện nay nước ta mới chỉ tính được mức thu nhập bình quân ở cấp tỉnh, một số nơi cũng rải rác tính được thu nhập bình quân ở cấp quận, huyện nên khó đảm bảo chính xác.

Đối với những người có thu nhập cao, chính sách học phí theo đề án chưa đảm bảo sự công bằng bởi cùng một chất lượng giáo dục dịch vụ như nhau mà mức học phí lại khác nhau. Hơn nữa những người có thu nhập cao thì đã nộp thuế thu nhập cá nhân theo Luật thuế thu nhập cá nhân, bà Thanh nói.

“Lỗi của học sinh mầm non lớn quá”

Ngay phần đầu phiên thảo luận, các đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) đã không nhất trí với quan điểm của đề án về giáo dục mầm non.

Đại biểu Cuông nói: “Bộ nêu số liệu làm cho đại biểu phát hoảng”. Đó là nếu miễn học phí bậc mầm non thì cả các em đang ở nhà không đi học sẽ đi học, số học sinh mầm non mới dự kiến sẽ là 6 triệu em. Để đưa số em này đến trường Nhà nước phải chi 5.360 tỷ đồng một năm, sẽ không còn ngân sách cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề công lập, vẫn còn thiếu 5.374 tỷ đồng.

“Như vậy, một lần nữa Bộ Giáo dục và Đào tạo lại nói không với bậc học mầm non, bậc học được xem là cái gốc, cái nền của sự học mà xã hội đang rất quan tâm”, ông Cuông nói.

Đại biểu Toàn cũng cho rằng tư duy “lo sợ một nửa số học sinh này đến trường” cần phải xem xét lại. Nếu cả 6 triệu học sinh này đến trường làm cho tất cả các bậc học khác từ cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và hơn 90% các trường trung học phổ thông công lập phải ngừng hoạt động thì “lỗi của học sinh mầm non lớn quá”.

Thực tế, Vĩnh Phúc đã miễn học phí cho học sinh mầm non ở nông thôn và trả lương cho cô giáo bằng mức khởi điểm của trình độ đào tạo. Sau 2 năm thực hiện thì hiện nay số học sinh ra lớp rất đông, chất lượng giáo dục hiệu quả hơn, đặc biệt bố mẹ các cháu đang trong độ tuổi sung sức lao động sẽ yên tâm lao động, học tập và công tác hơn, hiệu quả xã hội sẽ cao hơn.

Vì vậy đại biểu Toàn  đề nghị tiếp tục nghiên cứu để miễn học phí cho bậc học mầm non. Nếu cần giảm quy mô đào tạo thì chúng ta nên giảm quy mô đào tạo ở bậc cao hơn

Nhiều ý kiến phát biểu sau cũng bày tỏ “việc thu học phí bậc học mầm non dù ở mức nào đi chăng nữa cũng khó chấp nhận”.

Tuy nhiên, theo giải trình của Bộ, thì hiện nay ngân sách không thể chi tăng đáng kể cho mầm non vì vẫn phải duy trì phổ cập tiểu học, trung học cơ sở, phát triển trung học phổ thông, dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng.

Nếu đặt mục tiêu 100% trẻ mầm non đến trường và nhà nước bao cấp hoàn toàn, không đóng học phí, thì sẽ cần ít nhất 15.360 tỉ đồng từ ngân sách, đây là đòi hỏi hiện nay không thể thực hiện được (ngân sách chi cho mầm non năm 2008 là 6.920 tỉ đồng).

Cũng theo báo cáo này, riêng ở mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, năm 2008 có 2,77 triệu cháu, chiếm tỷ lệ hơn 70% trẻ trong độ tuổi. “Trong điều kiện chi phí cho một học sinh sinh viên ở ta chỉ bằng 1/4 của Thái Lan, 1/8 của Hàn Quốc, 1/10 của Đức và 1/16 của Mỹ, thì tỷ lệ trẻ mẫu giáo đi học hơn 70% như vậy là khá cao”, báo cáo viết.

“Phá vòng luẩn quẩn”

Được dành 20 phút phát biểu cuối phiên thảo luận, vấn đề thứ nhất Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân “tiếp thu và giải trình thêm” là “đây không phải đề án của Bộ, đây là đề án của Chính phủ trình Quốc hội”. Theo Phó thủ tướng, đề án đã được thường trực Chính phủ xem xét tại hai cuộc họp, đã xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vị “tư lệnh” ngành giáo dục cũng nhấn mạnh đây không phải là đề án tăng học phí mà tăng hiệu quả đầu tư cho giáo dục - đào tạo, tăng số người đi học, đặc biệt là người nghèo đi học sẽ tăng thêm, tăng chất lượng về giáo dục và tăng tính bền vững của hệ thống giáo dục.

Theo Phó thủ tướng, đề án này của Chính phủ chính là góp phần phá vòng luẩn quẩn khi kinh tế phát triển chậm thì đầu tư Nhà nước cho giáo dục còn ít. Thu nhập nhân dân thấp, đầu tư gia đình cho giáo dục cũng còn ít. Từ hai cái ít đó thì điều kiện vật chất để cho chất lượng giáo dục hạn chế mà chất lượng hạn chế thì hiệu quả kinh tế thấp, từ đó kinh tế lại tăng trưởng chậm. Đây là vòng kinh tế luẩn quẩn mấy chục năm như vậy, trong khi nguyện vọng người dân ngày càng được học tốt hơn.

Trước băn khoăn về cách tính học phí của nhiều đại biểu, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết đã đề nghị một số tỉnh tính thử, thì thấy tác dụng của đề án là vùng khó khăn được hỗ trợ nhiều hơn.. “Tóm lại phương pháp tính này cũng không quá phức tạp, chúng tôi đề nghị từ đây đến ngày 19 trước khi Quốc hội biểu quyết thì các tỉnh đều tính xong và các đồng chí có thể xem bản của địa phương mình”, ông nói.

Ông cũng khẳng định “thực hiện cơ chế học phí mới này không có đóng thêm. Nhưng từng cá nhân muốn đóng theo điều kiện thì cũng khuyến khích và có cách thu nhận phù hợp”.

Về lộ trình, Phó thủ tướng kiến nghị năm 2009 riêng về đào tạo nghề thì có điều chỉnh được mức bù một phần mất giá. Năm sau sẽ triển khai chung cho các phần còn lại và năm 2012 sơ kết, năm 2014 tổng kết để chuẩn bị bước sau.

Kết thúc phần thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến Quốc hội sẽ ra nghị quyết về chủ trương định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục đào tạo. Ủy ban sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị nghị quyết theo hướng trên gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội sau đó trình Quốc hội thông qua tại phiên họp của cuối kỳ họp.

"Đây không phải nghị quyết của Quốc hội thông qua đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục đào tạo, mà chỉ là nghị quyết về chủ trương định hướng đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo để phù hợp với chức năng và thẩm quyền của Quốc hội. Còn những vấn đề cụ thể do Chính phủ cụ thể hóa và quyết định cho phù hợp và tổ chức chỉ đạo thực hiện trên thực tế", Phó chủ tịch khép lại buổi "họp phụ huynh" diễn ra gần trọn một ngày.