21:48 23/05/2009

Tăng học phí: Bao giờ và bao nhiêu?

Minh Thúy

Lộ trình và mức tăng học phí vẫn là vấn đề được cử tri và các đại biểu Quốc hội rất quan tâm

Quốc hội sẽ dành thời gian thỏa đáng để thảo luận đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo.
Quốc hội sẽ dành thời gian thỏa đáng để thảo luận đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo.
Trong thời gian 1 tháng làm việc của kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ dành 1 ngày để thảo luận về đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009 - 2014.

Ngay từ lần đầu tiên xem xét tại phiên họp giữa tháng 5 vừa qua, nhiều vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho rằng mức học phí của bậc học mầm non và phổ thông (6% thu nhập) và khung học phí đại học (cao nhất 800.000 đồng) là quá cao. Lộ trình thực hiện từ năm học tới cũng chưa phù hợp.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, tại tờ trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất  lộ trình triển khai thực hiện đề án đổi mới cơ chế tài chính sẽ bắt đầu từ 2009 - 2014. Học phí đại học tăng từ 180.000 đồng lên 255.000 đồng/ tháng, học phí đào tạo nghề tăng từ 120.000 đồng lên 170.000 đồng/ tháng áp dụng từ năm học 2009 - 2010.

Những con số này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt cuả dư luận trong những ngày gần đây. Nhiều  băn khoăn, lo lắng về dự kiến tăng học phí và thời điểm tăng học phí cũng đã được cử tri cả nước gửi đến Quốc hội.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, TS. Đào Trọng Thi, Quốc hội sẽ không quyết định toàn bộ đề án, mà hướng là sẽ có nghị quyết quy định một số nội dung quan trọng của đề án.

Nghị quyết sẽ “chốt” những vấn đề cơ bản mà khi triển khai thực hiện không được đi chệch, trong đó có lộ trình và mức tăng học phí. Theo chủ nhiệm Thi, quy định này sẽ phản ánh quyền lợi của đông đảo nhân dân và đương nhiên cũng phải đảm bảo cho các nhà trường hoạt động. Và vấn đề học phí bao giờ sẽ tăng và tăng bao nhiêu sẽ không hoàn toàn như tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Những vấn đề cụ thể hơn cũng đã được ông Đào Trọng Thi chia sẻ với báo giới, với tư cách người đứng đầu cơ quan thẩm tra và sẽ dự thảo nghị quyết của Quốc hội về đề án này.

Mức tăng như đề nghị là "quá cao"

Thưa ông, đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009 - 2014 trình Quốc hội tại kỳ họp này đã có sửa đổi?

Chính phủ đã tiếp thu một phần ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và và Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên thiếu niên và nhi đồng. Sẽ thực hiện việc thu học phí từ 2010 nhưng đề nghị học phí khối đào tạo vẫn được thực hiện từ năm 2009 vì học phí từ năm 2000 đến nay đã bị trượt giá nhiều. Chính phủ tính lại, mức học phí phải là 255.000 đồng chứ không phải 235.000 đồng như đã nói (tăng 50% mức trượt giá).

Hiện nay vẫn có hai luồng ý kiến, đa số đồng tình với kiến nghị của của cử tri, thời điểm đang khủng hoảng kinh tế, không nên nghĩ tới chuyện tăng đóng góp từ phía nhân dân. Việc tăng học phí đều thực hiện từ năm học sau.

Nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng cần tăng nhưng không nhất thiết phải tăng theo đề nghị của Chính phủ.

Mức tăng 250.000 đồng do Chính phủ đề nghị có quá cao trong bối cảnh kinh tế suy giảm hiện nay không, thưa ông?

Tôi nghĩ là quá cao, vì so mức học phí đào tạo hiện hành cao nhất là 180.000 đồng thì tăng tới hơn 40%. Ủy ban cũng chỉ đề nghị, trong điều kiện bình thường, mỗi năm chỉ tăng 30% - 40%, riêng năm 2009 do khó khăn thì tỷ lệ này phải thấp hơn. Theo tôi nếu Quốc hội chấp nhận tăng thì cũng nên cân nhắc mức tăng cụ thể để không ảnh hưởng tới chính sách chung về chống suy thoái kinh tế.

Khi thảo luận ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi cũng đã góp ý là không nên đưa một khung mà biên độ quá lớn rồi giao cho hiệu trưởng cơ sở giáo dục quyết định. Vì đương nhiên ai cũng chọn mức cao nhất để tăng, như vậy sẽ gây sốc vì mức đề xuất cao nhất của đề án cũ so với hiện tại tăng tới bốn, năm lần, làm sao mà chịu được.

Học nghề hiện nay  đang được khuyến khích nhưng mức học phí lại quá cao, ông có thấy như vậy?

Ủy ban cũng có ý kiến, học phí cao đẳng nghề thì phải chia sẻ với Nhà nước, rêng trung cấp và sơ cấp nghề phải có chính sách khác. Tức là Nhà nước phải hỗ trợ công bằng như học sinh phổ thông. Học sinh học nghề cần ưu tiên quan tâm hơn vì hầu hết là con em nhà lao động. Hơn nữa như vậy có thêm được yếu tố tích cực là thúc đẩy phân luồng. Đề án mới cũng chưa thể hiện sự tiếp thu cái đó. Bây giờ trung học nghề và cao đẳng nghề cùng 1 bảng thì không thể chấp nhận được.

Có nhiều ý kiến đề nghị miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở vì đang tiến tới phổ cập, quan điểm của ông?

Phổ cập trung học khác với phổ cập tiểu học vì tiểu học là bắt buộc nên miễn học phí. Còn phổ cập trung học cơ sở thì không bắt buộc mà chỉ vận động để phấn đấu, nên vẫn quy định vẫn phải đóng học phí. Cũng có mong muốn sẽ miễn nhưng theo tính toán của Bộ Tài chính thì ngân sách phải gánh thêm hơn 5 nghìn tỷ nên chưa miễn được. Dần dần sẽ miễn nhưng phải có lộ trình như giảm dần hoặc ưu tiên học sinh ở nông thôn, là bộ phận khó khăn nhất. Miền núi thì thực chất đã miễn phí rồi.

Trong đề án lần này chưa giải quyết được chuyện đó  nhưng sẽ cố gắng để mức học phí phù hợp với khả năng đóng góp và chắc rằng không có em nào vì học phí mà không đi học được.

Cần có cơ chế đảm bảo chất lượng giáo dục

Thưa ông, các trường đại học công được nhà nước đầu tư rất nhiều. Trong khi các trường đại học  ngoài công lập phải tự đầu tư hầu như toàn bộ và vẫn phải đạt mục tiêu kinh doanh, vậy nhưng rất ít trường thu tới mức tối đa 800.000 đồng như mức đề xuất học phí của đề án này?

Thực ra, học phí rẻ thì bị “ăn” vào chất lượng. Đào tạo nguồn nhân lực không vì rẻ mà chấp nhận chất lượng kém. Có khi không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Nhưng hiện tại thì Ủy ban và cá nhân tôi không chấp nhận cơ chế mà ngành giáo dục đề ra trong đề án về việc đảm bảo chất lượng giáo dục. Thu học phí cao để phục vụ việc nâng cao chất lượng, nhưng ngành giáo dục lại chưa có cơ chế cam kết với nhân dân.

Vì thế, chúng tôi đã đề nghị có giải pháp biên độ của khung học phí rất lớn, có thể gấp tới 2,5-3,5 lần cho mỗi nhóm ngành nghề. Và chia ra làm nhiều mức khác nhau, ví dụ 3 mức, mỗi mức gắn với yêu cầu về chất lượng cụ thể, chỉ cơ sở nào được đánh giá thông qua kiểm định chất lượng đạt tiêu chuẩn ở mức nào thì được thu học phí ở mức ấy.

Ngành giáo dục phải cam kết kiểm định trước, đạt chất lượng ở mức nào thì cho phép thu học phí ở mức ấy, chứ không phải như hiện nay cứ hứa sẽ có chất lượng, nhưng chẳng có gì để đảm bảo chất lượng.

Vấn đề này chưa được đề án nói cụ thể?

Báo cáo sơ bộ của Ủy ban đã có yêu cầu này nhưng Đề án vẫn chưa nói rõ. Cơ chế để đảm bảo là chưa có. Hiện nay chúng tôi yêu cầu phải có cơ chế, chất lượng không phải do anh tự công bố mà do kiểm định thì mới có sự sòng phẳng.

Vậy có nên để  cơ quan ngoài ngành kiểm định không, thưa ông?

Hiện nay thì cục kiểm định của Bộ đang làm, năm ngoái bộ đã làm thí điểm 20 trường đại học rồi sau này thì có thể do cơ quan  độc lập để tăng tính khách quan.

Bộ cũng đã mời cơ quan kiểm định của Mỹ giúp ta kiểm định, về cơ bản đã hình thành cơ chế công khai giữa hai bên, hai anh đều bị giám sát, khi tôi có chất lượng mà anh muốn học thì anh phải đóng học phí cao hơn.

Kiểm định là quá trình tự nguyện, có hai giai đoạn tự kiểm định và tham gia kiểm định. Nếu anh chưa kiểm định thì tôi xếp anh vào loại thấp nhất và chỉ được thu học phí thấp. Như vậy thì sẽ khuyến khích các cơ sở tham gia kiểm định.

Vì sao đã có nhiều ý kiến phân tích những bất cập mà đề án mới vẫn giữ nguyên mức học phí theo 6% thu nhập?

Ngành giáo dục lấy lý do là mức 6% phù hợp với những nước mới phát triển nhưng nước ta vừa mới ra khỏi kém phát triển và đang phát triển trung bình có thu nhập thấp, trong khi mức cao nhất của các nước mới phát triển cũng chỉ khoảng 7,6% nên tương quan đó là không phù hợp.

Hơn nữa, tính toán thu nhập khó mà chính xác. Vì hiện chúng ta chỉ quản lý theo lương nhưng cán bộ có ai sống bằng lương đâu, chỉ ước tính chứ có tính được cụ thể đâu nên về mặt kỹ thuật là khó.

Nếu áp dụng ngay mức 6% thì sẽ gây  sốc vì có một bộ phận sẽ phải tăng tiền học phí nhiều lên ngay lập tức. Đề án kéo dài 5 năm thì nên chấp nhận lộ trình, đến cuối thì cũng đạt đến 6%, từ đó đến lúc đó mình chia ra, tiến dần thì có cảm giác chấp nhận dần dần sẽ dễ chịu hơn.

Thưa ông, đề án này nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, nhưng nó được vận hành như thế nào lại phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của Quốc hội...

Đổi mới cơ chế tài chính là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng đến quyền lợi của đông đảo nhân dân, là vấn đề quan trọng, nên Chính phủ phải báo cáo với Quốc hội. Nhưng Quốc hội sẽ chỉ quyết đinh một số vấn đề cơ bản, chứ cụ thể thì vẫn là Chính phủ.

Về mặt cơ chế, chính sách thì thống nhất được, "căng nhau" chỉ là mức tăng học phí và lộ trình tăng học phí. Tăng là đúng nhưng bao giờ tăng, tăng bao nhiêu chúng tôi sẽ cố gắng xem xét cụ thể. Tính theo mức 6%, hay là mấy phần trăm thì Quốc hội sẽ có ý kiến vào những điểm chốt ấy.

Hiện nay thì đề án chưa thẩm tra, nên không thể nói sâu hơn. Nhưng sau khi có ý kiến của Quốc hội thì rất có thể ủy ban sẽ trực tiếp soạn thảo nghị quyết về vấn đề này, vì muốn thông qua bằng 1 nghị quyết thì chỉ trong vòng tháng 6 thôi, và thời gian cũng không còn nhiều.