09:02 29/05/2017

Quốc hội làm luật: "Phá lệ" là... bình thường?

Nguyên Thảo

Có sự thảo luận thêm một cách "kỹ càng" là do quá trình sửa Bộ luật Hình sự lần này giống như "con chim bị tên sợ cả cành cong".

Đại biểu Nguyễn Thái Học phát biểu trong phiên thảo luận đặc biệt sáng 27/5.
Đại biểu Nguyễn Thái Học phát biểu trong phiên thảo luận đặc biệt sáng 27/5.
Lâu nay, trong hoạt động lập pháp của Việt Nam thì tổ chức hội nghị, hội thảo, toạ đàm để góp ý hoàn thiện dự án luật nào đó trước khi thảo luận toàn thể tại Quốc hội là việc hết sức bình thường.

Phiên thảo luận sáng Thứ bảy, 27/5/2017 về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015 là một phiên đặc biệt. 

Thứ nhất, đây là phiên thảo luận bổ sung sau khi Quốc hội đã dành cả ngày 24/5 để thảo luận theo kế hoạch nghị sự, nhưng còn nhiều đại biểu đã đăng ký nhưng chưa phát biểu và còn nhiều ý kiến khác nhau. 

Thứ hai, đây không phải là phiên thảo luận toàn thể theo khoản 1, điều 94, Luật Tổ chức Quốc hội vì Quốc hội đã quyết định tổ chức một phiên thảo luận thêm với sự tham gia của những đại biểu đăng ký tự nguyện. 

Thứ ba, phiên thảo luận thêm do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành với khoảng 40 đại biểu tham gia tại một phòng họp riêng, không phải tại phòng họp toàn thể của Quốc hội và vào ngày thứ Bảy, là ngày Quốc hội đã quyết định không làm việc để đại biểu dành thời gian nghiên cứu tài liệu.

Theo lời Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, thì phiên thảo luận trên cơ sở đăng ký tham dự tự nguyện của đại biểu thì ít nhất từ Quốc hội khoá 10 đến nay chưa có tiền lệ.

Điều 94 Luật Tổ chức Quốc hội quy định các hình thức làm việc tại kỳ họp Quốc hội, gồm:

1. Các phiên họp toàn thể của Quốc hội.

2. Các phiên họp do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức để thảo luận, xem xét về các nội dung thuộc chương trình kỳ họp.

3. Các phiên họp do Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức để thảo luận, xem xét về các nội dung trong chương trình kỳ họp thuộc lĩnh vực Hội đồng, Ủy ban phụ trách.

4. Các phiên họp đoàn đại biểu Quốc hội, tổ đại biểu Quốc hội thảo luận về các nội dung thuộc chương trình kỳ họp.

5. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Quốc hội mời Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội khác có liên quan trao đổi về những vấn đề trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Chiểu theo các quy định này thì phiên thảo luận sáng Thứ bảy nói trên đúng là một phiên đặc biệt, là một sự "phá lệ".

Nhưng, đây cũng không phải lần đầu việc sửa đổi Bộ luật Hình sự tạo ra những điều "chưa từng có" trong lịch sử lập pháp của Việt Nam.

Đã được Quốc hội khóa 13 thông qua nhưng sau đó Quốc hội Khóa 13 đã ban hành nghị quyết lùi hiệu lực thi hành của  Bộ luật Hình sự 2015 để trình Quốc hội khóa 14 sửa đổi, bổ sung do phát hiện có sai sót.

Ban đầu, dự định chỉ trình Quốc hội sửa đổi 8 điều, sau đó mở rộng tới 90 điều, 130 điều, 141 điều, cuối cùng đến gần 200 điều.

Về nội dung cụ thể thì có lẽ cũng hiếm dự án luật nào phải lấy ý kiến hai lần về cùng một điều luật, khi mà kết quả xin ý kiến trước đó về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em đủ 14 đến dưới 16 tuổi, với cá nhân từng đại biểu và lấy ý kiến theo đoàn đại biểu cho kết quả ngược nhau. Thậm chí, sau rất nhiều vòng thảo luận, đến phiên thảo luận  toàn thể cuối cùng, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao lại đưa ra cách tiếp cận hoàn toàn khác với hai phương án được thiết kế tại dự thảo, về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em.

Và cho đến tận khi "phá lệ" thảo luận thêm thì các ý kiến vẫn "va"nhau chan chát. 

Một vị khách mời nhận xét, có sự "kỹ càng" đó là do quá trình sửa Bộ luật Hình sự lần này giống như 'con chim bị tên sợ cả cành cong".

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội lại cho rằng không nên coi sự kiện chưa có tiền lệ này là đặc biệt mà nên coi nó là bình thường, là sự khởi đầu cho những thứ cứ tưởng là đặc biệt nhưng thực ra lại hết sức bình thường.  Quốc hội lập ra để làm luật, bất kỳ lúc nào xã hội đặt ra vấn đề cần giải quyết ở tầm Quốc hội thì Quốc hội phải đáp ứng. Các nước khác Quốc hội họp thường xuyên. Ta họp định kỳ nhưng có những thứ cần thảo luận để đi đến chân lý thì không nên cứng nhắc, mà nên linh hoạt - đại biểu Nhưỡng thể hiện quan điểm.

Theo đại biểu Nhưỡng, "Những cuộc như thế  này rất quan trọng, rất cần thiết, tôi sẵn sàng bỏ thời gian ngày nghỉ để đến đây, vì lợi ích chung chứ mình có nói gì cho mình đâu"; luật quy định cứng các hình thức làm việc là để tạo điều kiện cho đại biểu chủ động sắp xếp công việc, để cơ quan chức năng chuẩn bị cho kỹ lưỡng, còn trên thực tế thì cần linh hoạt.

Cũng theo đại biểu Nhưỡng, phòng họp nhỏ, đại biểu có thể ngồi đối diện, thời gian phát biểu không bị ngắt quãng bởi tiếng chuông báo hết giờ... khiến cho mọi người phát biểu sâu hơn, dễ đi đến cùng chính kiến của mình hơn vì có thể phát biểu nhiều lần.

"Theo tôi, tổ chức thảo luận ở nhiều phòng với nhiều chủ đề, đại biểu nào quan tâm đến vấn đề nào thì tham gia dự ở phòng đó. Và khi tham gia thì anh phải nghiên cứu kỹ, tranh luận đến cùng" - đại biểu Nhưỡng bày tỏ quan điểm về những hình thức thảo luận linh hoạt mà Quốc hội có thể áp dụng trước khi biểu quyết thông qua một dự luật hoặc một quyết sách.

Một số chuyên gia lập pháp cũng cho rằng, hình thức thảo luận đặc biệt sáng thứ Bảy 27/5 là một việc phá lệ rất nên làm, thể hiện trách nhiệm chính trị của Quốc hội trước cử tri đối với những quyết sách lớn của quốc gia, trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam không họp thường xuyên và có tới 2/3 đại biểu kiêm nhiệm.